1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Trị:

Biển đã sạch, cá tôm đã sinh sôi...

(Dân trí) - Sự cố môi trường biển Formosa đã đi qua 2 năm, kinh tế tại 4 tỉnh miền Trung đang phục hồi, các hoạt động du lịch bắt đầu thu hút khách, ngư dân các địa phương đã quay trở lại nghề biển, nhưng vẫn còn đó những trăn trở.

Tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Formosa gây ra, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã bám sát việc giám sát chất lượng và sự an toàn của hải sản, đặc biệt là hải sản tầng đáy.

Bộ Y tế khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chất lượng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn.

Phía Bộ TN-MT cũng đã triển khai đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và trầm tích biển tại các tỉnh và khẳng định, đến thời điểm hiện nay, chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thuỷ sản, bảo tồn thuỷ sinh và tắm biển, thể thao dưới nước.

Ngư trường phục hồi, cá tôm sinh sôi

Trên rặng cát dài thuộc xã bãi ngang Gio Hải, huyện Gio Linh, cha con lão ngư Hoàng Văn Phiến đang chuẩn bị ngư lưới cụ, sửa soạn các vật dụng cần thiết để lên thuyền đi đánh cá.

Cha con ông Phiến chuẩn bị ra khơi đánh cá
Cha con ông Phiến chuẩn bị ra khơi đánh cá

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Phiến vui mừng cho biết: “Từ cuối năm 2017 trở lại đây, biển đã có dấu hiệu phục hồi, cá tôm đã sinh sôi trở lại, người dân đã tiêu thụ cá bình thường. Mỗi chuyến đi biển tôi cũng thu nhập khá, từ vài trăm đến 2 triệu đồng. Đó là tín hiệu vui để ngư dân chúng tôi tích cực đẩy mạnh đánh bắt. Cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước rồi”.


Ông Hoàng Cảm trăn trở, biển đã sạch nhưng hải sản vẫn chưa nhiều

Ông Hoàng Cảm trăn trở, biển đã sạch nhưng hải sản vẫn chưa nhiều

Nhiều lần đi qua vùng biển bãi ngang các xã Trung Giang, Gio Hải (huyện Triệu Phong), xã Hải An (huyện Hải Lăng),… chúng tôi ghi nhận ngư dân các địa phương này tu sửa tàu thuyền để trở lại nghề biển. Qua các mùa biển đầu năm 2018, ngư dân đã đánh bắt được hải sản với sản lượng khá.


Ông Hạnh cho rằng, thời gian gần đây việc đánh bắt đã trở lại bình thường

Ông Hạnh cho rằng, thời gian gần đây việc đánh bắt đã trở lại bình thường

Vui mừng trước thành quả sau ngày dài đi biển, ông Trần Văn Hạnh – Bí thư chi bộ thôn 6, xã Gio Hải, cho biết, thời gian gần đây, hoạt động đánh bắt ở vùng bãi ngang trở lại bình thường, sản lượng hải sản tăng đáng kể. Chúng tôi đánh bắt cá gần bờ và nhận thấy mấy tháng trở lại đây hải sản có lại.

“Sau khi Bộ Y tế công bố hải sản an toàn để sử dụng, giá cả ổn định trở lại. Mực, cá, cua, ghẹ tăng giá đột biến. Nhất là đợt vừa rồi giá tăng vụt, không đủ cung cấp”, ông Hạnh nói.

Sản lượng hải sản đánh bắt tăng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, sản lượng khai thác hải sản năm 2016 chỉ đạt 15.500 tấn, nhưng đến năm 2017 đạt gần 24.000 tấn, dự kiến năm 2018 sẽ tiếp tục tăng lên.

Nghề nuôi trồng thủy sản, một trong những nghề bị thiệt hại nặng nề nhất do sự cố môi trường biển cũng đã hồi phục. Người dân đã cải tạo hầu hết ao nuôi để nuôi những đối tượng vốn là thế mạnh của địa phương như cá, tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở vùng ven biển và bãi ngang.

Những mẻ cá ngư dân vùng bãi ngang đánh bắt được thu mua tận nơi
Những mẻ cá ngư dân vùng bãi ngang đánh bắt được thu mua tận nơi

Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị - cho biết, cách đây 2 năm, khi sự cố môi trường biển xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất của ngư dân ven biển và kinh tế xã hội các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Sự cố môi trường chưa có tiền lệ, diễn ra trên quy mô lớn.

Trước tình hình đó, địa phương đã triển khai các giải pháp để ổn định tình hình, giúp người dân vượt qua khó khăn. Bằng nhiều nguồn lực để hỗ trợ người làm biển. Tỉnh Quảng Trị đã tập trung hỗ trợ ngư dân thông qua các chính sách phát triển thủy sản, nhất là hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 25 tàu cá được đóng mới và đưa vào sử dụng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó có 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite. Đồng thời có 93 ngư dân được vay vốn tín dụng để nâng cấp tàu cá công suất lớn.

Theo ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, tỉnh vẫn ưu tiên hỗ trợ người dân vùng ven biển và bãi ngang; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ bà con; lồng ghép vốn từ các chương trình để đầu tư vùng ven biển.

Ngư dân các địa phương đã đầu tư cải hoán tàu, mua thêm ngư lưới cụ để sản xuất
Ngư dân các địa phương đã đầu tư cải hoán tàu, mua thêm ngư lưới cụ để sản xuất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Hà Sỹ Đồng cho biết, sự cố môi trường biển xảy ra đến nay đã 2 năm. Ban đầu người dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm tư của người dân.

Ngay từ ban đầu, khi sự cố môi trường xảy ra, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc, bám địa bàn, bám từng thôn, xóm, từng nhà để động viên, thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân. Hỗ trợ cả tiền, gạo, các điều kiện tái sản xuất.

Vùng biển bãi ngang đang có dấu hiệu hồi sinh
Vùng biển bãi ngang đang có dấu hiệu hồi sinh

Sau 2 năm thực hiện đền bù, hỗ trợ, tạo sinh kế mới, Quảng Trị đã hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, góp phần ổn định tình hình. Nhờ thực hiện tốt việc chi trả, hỗ trợ nên không có điểm “nóng” xảy ra. Người dân đã nhận tiền và đầu tư nâng cấp cải hoán tàu từ gần bờ sang trung bờ, xa bờ.

Việc đánh bắt hải sản trên biển có nhiều khởi sắc. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản phục hồi tốt. Việc sản xuất kết hợp giữa chân biển và chân đồng đã nâng cao giá trị gia tăng.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm