Đà Lạt:
Những ngôi nhà xưa đang "hấp hối"
(Dân trí) - Không gian Đà Lạt không chỉ được tạo ra bởi thông, sương hay cỏ hoa tươi tốt, ở đó còn có lịch sử, văn hóa về vùng đất được đánh thức từ 120 năm về trước. Văn hóa kiến trúc là một yếu tố như vậy.
Từ khi được khám phá bởi bước chân của bác sĩ A.Yersin, Đà Lạt (Lâm Đồng) đã được xem là thiên đường nghỉ dưỡng của các ông hoàng - bà chúa, tướng lĩnh quân đội, của tầng lớp thượng lưu khi người Pháp đến và cho xây dựng hàng ngàn ngôi biệt thự theo hình mẫu kiến trúc biệt thự miền bắc nước Pháp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Lạt còn hơn 2.000 biệt thự cổ có tuổi đời trên 60 năm, nằm tập trung trên các đường Lê Lai, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Chi Lăng... Những căn nhà có kiến trúc độc đáo ấy không chỉ được xem là "đặc sản" rất riêng của Đà Lạt, hơn thế còn là "gia sản" quý của cả quốc gia, cần được lưu giữ.
Trong những năm vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã cho đấu giá cũng như liên tục "mở rộng cửa" kêu gọi các nhà đầu tư nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các biệt thự cổ để kinh doanh, phục vụ du lịch. Ngoài một số biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai được sửa chữa, kinh doanh khá hiệu quả, vẫn còn rất nhiều ngôi nhà đang bị bỏ hoang, xuống cấp cùng thời gian.
Đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại TP Đà Lạt cũng đã được UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt vào cuối năm 2003, nhằm đưa quỹ biệt thự cổ vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích kinh doanh, nghỉ dưỡng và làm văn phòng, tạo nguồn thu ngân sách, góp phần chỉnh trang đo thị. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho người dân ở trong các biệt thự có được nơi ở mới rộng rãi, an toàn hơn nhưng đến nay cũng mới chỉ thu hồi được hơn 10 biệt thự.
Rất nhiều biệt thự cổ Đà Lạt, một tài sản quý báu của thành phố, một trong những yếu tố văn hóa làm nên thương hiệu của thành phố cao nguyên đang bị lãng quên thật sự. Nhiều ngôi nhà xa hoa, lộng lẫy của một thời đang bị thời gian và cả sự thờ ơ của con người "bào mòn". Những ngôi nhà ấy đang trong cơn "hấp hối", dù đã lên tiếng "kêu cứu" từ rất lâu.
Linh Đan - Nguyễn Duy