Những ngôi nhà “kỳ dị” ở Hà Nội
Tại những tuyến đường mới mở ở Hà Nội xuất hiện nhiều ngôi nhà mới với hình thù “cổ quái”. Nhà trước hẹp sau rộng nằm kề nhà siêu mỏng, nhà tam giác, nhà méo...
Đủ các kiểu nhà
Tuyến phố Liễu Giai - Văn Cao (quận Ba Đình) mở rộng xong vài năm nay nhưng tại đoạn đối diện khu liên hiệp thể thao Quần Ngựa vẫn trơ lại dãy nhà siêu mỏng được xây tạm, lợp mái tôn, chiều sâu chừng hơn 1m lụp xụp và nhếch nhác.
Qua nút giao thông Ngã Tư Sở, ai cũng dễ nhận thấy sơ sơ có tới bốn kiểu nhà khác nhau: nhà hình ống, hình tam giác, nhà siêu mỏng và nhà bán mặt phố (mặt tiền hẹp, bên trong rộng).
UBND quận Đống Đa cho biết khu vực này hiện có khoảng 50% nhà dân bị cắt xén khi giải phóng mặt bằng xây dựng nút giao thông. Những căn hộ này sau đó đã được chủ nhà sửa chữa lại trên bộ khung cũ, với cốt nền và độ cao như vậy, tình trạng “khấp khểnh” là khá phổ biến. Một số nhà có phần diện tích ít ỏi “sót” lại, sửa chữa trên một bộ khung “nửa đông tây, nửa nam bắc” nên hình hài trông càng kỳ quặc.
Tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa đang được thi công cũng có những dãy nhà cao 3-4 tầng trông như hộp diêm dựng đứng, ngay cạnh đó là những căn hộ cấp bốn thấp lè tè xây dựng chắp vá. Dọc hai bên tuyến đường này có tới 30% các căn hộ bị cắt xén khi giải phóng mặt bằng.
Đường mở tới đâu, người dân sửa chữa tới đó. Quận Đống Đa khẳng định ngay từ đầu tuyến đường này đã được cung cấp cốt nền, yêu cầu khi xây phải bằng nhau nhưng thực tế xây dựng cũng đã xuất hiện đủ các kiểu dáng, nhà cao 5-6 tầng, nhà lùn tè chắp vá, thậm chí xây vượt phép.
Những tuyến đường khác như Đào Tấn, Giang Văn Minh, Lạc Long Quân chứng “bệnh” nhà siêu mỏng cũng đã xuất hiện.
Tại tuyến đường Cát Linh - La Thành, nhiều đoạn chưa giải phóng mặt bằng xong nhưng chuyện cốt nền đường đang là nỗi lo của các hộ dân. Khu vực này vốn là sườn dốc chân đê, đỉnh đê cao hơn nhà dân tới 3-4 m. Ngay tại đoạn đầu phố Hào Nam nối với đường Đê La Thành, cốt nền đường đang cao hơn cốt nền những căn hộ sắp bị giải phóng mặt bằng hơn 1m. “Chúng tôi cũng chưa rõ cải tạo nhà mình theo cốt nền nào”, một hộ dân có căn hộ sắp ra mặt phố Hào Nam lo lắng.
Khắc phục... quá khó!
Theo qui định, những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15 m2 có chiều rộng mặt tiền, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 m hoặc có kích thước hình học không đủ điều kiện... không được phép xây dựng.
Nhưng để thực hiện theo qui định này các cấp đều “kêu” khó. Thứ nhất, qui định không cho phép xây dựng trên những diện tích quá nhỏ, nhưng diện tích đó chưa được thu hồi nên không cấm được các hộ dân xây dựng. Thứ hai, không nói rõ ràng mục đích sử dụng khi thu hồi diện tích quá nhỏ (?).
Ông Trần Đức Học, chủ tịch UBND quận Đống Đa, cho biết tại hai khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, vấn đề xử lý những ô đất có diện tích dưới 15 m2 gặp rất nhiều khó khăn.
Thu hồi làm bãi để xe thì diện tích quá nhỏ chỉ đủ để 2-3 chiếc xe, làm bảng tin hay nhà chờ đâu phải chỗ nào cũng xây dựng. Nếu thu hồi đất xong để trống sẽ khó quản lý... Theo ông Học, giải pháp tối ưu để hạn chế nhà mỏng, nhà “kỳ dị” là vận động các gia đình hợp khối (nhà ngoài bán cho nhà trong), tuy nhiên mức độ thành công cũng rất hạn chế.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khó khăn lớn nhất làm cho chủ trương “mở đường đồng thời với xây dựng phố” chưa thực hiện được ở nhiều tuyến đường là ở khâu tổ chức đầu tư xây dựng theo qui hoạch. Một nguyên nhân khác vì yêu cầu mở đường gấp rút, cấp bách nên qui hoạch chi tiết hai bên đường lập chậm hơn việc mở đường hoặc chưa được lập, như vậy việc cấp phép xây dựng sẽ bị hạn chế.
Ông Tô Anh Tuấn, giám đốc Sở Qui hoạch - kiến trúc, cho biết với những diện tích nhỏ lẻ ngoài chỉ giới đường đỏ, việc thu hồi rất khó khăn và phức tạp vì mức giá đền bù chưa tương xứng với giá thị trường. Muốn xóa bỏ hiện tượng nhà “siêu mỏng, siêu méo” cần xây dựng chính sách, qui định, biện pháp mới phù hợp hơn với thực tế. Đặc biệt phải giải quyết được quyền lợi của các hộ dân tại những vị trí thu hồi đất nhỏ lẻ.
Theo Xuân Long - Tuấn Hợp
Tuổi Trẻ