Những ngôi nhà giữa biển
(Dân trí) - Cách bến tàu du lịch Hạ Long hơn 20km, Cửa Vạn nằm êm đềm dưới chân núi Ngọc. Hơn 700 nhân khẩu nơi đây sống bằng nghề chài lưới, ngày cũng như đêm sống trên thuyền, lênh đênh trên biển khơi. Mãi tới năm 1999, chữ viết mới bắt đầu được người dân nơi đây đón nhận từ những cô giáo ở đất liền.
Cảm xúc được đo bằng những khoang cá
Phương tiện đi lại thông dụng nhất là thuyền thúng mỏng, thuyền gắn động cơ chỉ được dùng đánh bắt xa khơi.
Công đồng thuỷ cư này có mặt ở đây từ rất sớm, khi mà cuộc sống ở đất liền không đem lại cơm áo cho họ. “Từ rất lâu rồi, cha tôi, cụ tôi và trước nữa… lâu lắm! cho tới bây giờ người già nhất cũng đã 96 tuổi”, cụ bà Nguyễn Thị Lọc nói!
Những ngôi nhà dân làng ở được dựng bằng gỗ, cót và những mảnh xốp thường thấy trong các thùng hàng điện tử. Đánh bắt hải sản, nuôi cá song và làm đủ các việc khác để sống, nhưng số hộ giàu có chỉ tính được trên đầu ngón tay, mức độ “trù phú” của làng được đếm bằng 40 chiếc ti vi và cảm xúc được đo bằng những khoang cá đi về nhiều hay ít.
Ngày cuối tuần, khi đám thanh niên đã về và lũ trẻ con không phải học, họ quây quần quanh những chiếc ti vi bé xíu, đôi khi còn rè bởi sóng điện chưa căng đầy như sóng biển.
Những thứ khác được coi là tối thiểu cho một xã hội thu nhỏ cũng rất khiêm tốn, bệnh viện không có. Nhiều đứa trẻ ra đời ngay trên thuyền, nhờ sự giúp đỡ của người phụ nữ tên Mến. Ngoài khả năng đỡ đẻ học được từ trường trung cấp Y, chị chỉ bán duy nhất một thứ thuốc trị cảm. Mọi loại bệnh tật khác của dân chài đều không sẵn thuốc chữa chạy. Cũng may cuộc sống gắn liền với thiên nhiên ban lại cho dân chài một sức khoẻ tuyệt vời để họ có thể thích nghi với những công việc chủ yếu bằng chân tay.
Nước ngọt là thứ quý giá nhất. Nếu bạn đã tới những vùng miền núi xa xôi như Lục Khu của Hà Giang hay Cao Bằng, bạn sẽ thấy người ta sử dụng nước như thế nào: Không có nước dành cho việc rửa mặt, nước dùng để vo gạo và cũng chính nước ấy sẽ được rửa rau, rửa bát và cuối cùng là mang tắm cho đàn trâu, bò.
Dân làng Cửa Vạn cũng sử dụng nước theo cách của họ, nước ngọt chỉ được xối xả dội vào người khi trời có mưa lớn. 20.000đ/m3 nước trở từ đất liền, mỗi khi trời mưa, họ có thêm một nguồn nước ngọt từ những dãy núi quanh làng, khi nước mưa còn chưa rơi hết xuống biển Đông.
Người làng Cửa Vạn chỉ quay về đất liền khi bão lớn nổi lên, khi mà những dãy núi quanh làng không đủ che chắn cho họ khỏi hiểm nguy. Một người dân làng tâm sự: “Biển mới chính là nơi nuôi sống chúng tôi”. Điều này cũng chắc chắn như rong biển móc vào những con thuyền sau bao nhiêu năm ngấm mặn và ngậm nước.
Con chữ gian nan đánh bạc đầu con sóng
Như bao ngôi làng khác, Cửa Vạn cũng có nhiều trẻ con. Trẻ con Cửa Vạn đen nhẻm vì nắng nhưng đôi hàm răng trắng và ánh mắt lanh lợi, đôi tay đứa nào cũng sần sủi những vết chai.
Cũng độ tuổi ấy tay của trẻ em thành phố được ba mẹ dắt đi chơi, trẻ em làng chài thì nắm tay du khách đưa lên thuyền đi dạo kiếm tiền công, hoặc tự mình đi câu ngoài biển để rồi lưỡi câu móc vào tay, để rồi tay phải tự cầm búa đập vào tay trái khi gỡ những con hàu rắn chắc bám mình vào mỏm đá.
“Em muốn trở thành cô giáo và phải là cô giáo làng chài”, đây là ước mơ khá “lạ” của Đinh Thị Lệ so với câu trả lời “em muốn giống bố em” của hầu hết những cô cậu bé khác cùng làng chài. Mới lên 9 tuổi, cô bé hiện học giỏi nhất làng. Em là người đầu tiên đạt giải 3 học sinh giỏi chữ viết đẹp của TP Hạ Long năm 2006.
Trẻ em Cửa Vạn thường đi học muộn hơn các bạn ở đất liền. 8 tuổi mới vào lớp một và năm nay học lớp 2. Nhưng em vẫn may mắn hơn các anh chị đi trước, vì phải cho tới năm 2001, một ngôi trường nổi mới được xây dựng do tập đoàn bảo hiểm PéveiR của Pháp tài trợ, có 5 lớp học và 5 cô giáo. Cả trường có khoảng 80 em học sinh nhưng tới lớp cũng không thường xuyên và chất lượng học sinh cũng không cao.
Trường cách nhà Lệ khoảng vài trăm mét… đường biển. Tự tay em chở tôi cùng hai người nữa đến “nhà” mình. Con thuyền thúng nhỏ đi lướt trên nước nhẹ nhàng dưới sự điểu khiển điêu luyện của một em bé đã được tôi luyện từ rất nhỏ, em bảo trẻ em ở đây 4 tuổi đã biết bơi thành thục và 6 tuổi đã chèo được thuyền.
“Nhà” Lệ không có giường, có một chiếc chiếu nhỏ cho em cùng mẹ và em trai ngủ, đó cũng là nơi tiếp khách, còn ba em đã mãi mãi ra đi khi em mới vừa 5 tuổi. Lớn thêm vài năm nữa thì em có thể không thể nhớ nổi khuôn mặt của cha mình.
Gần 15 phút sau, mẹ Lệ đi làm về. Chị là công nhân của công ty môi trường với mức lương 700 nghìn/ tháng. Hơn ai hết người đàn bà có nước da đen sạm đã qua nửa đời người này hiểu sự thiệt thòi của người “khát” chữ. Cũng làm công việc như chị nhưng những người hơn chị cái bằng trung cấp kiếm được gấp đôi chị và không phải kí hợp đồng 3 tháng/lần.
Chị kể cho tôi nghe những lần hai mẹ con nói chuyện với nhau, con của chị khóc vì tủi thân: “Con khổ hơn các bạn con nhiều...”. Mẹ Lệ thương em, chị lo khi học hết cấp 1 em sẽ đi học thế nào. Muốn học cấp 2 em sẽ phải vào đất liền học tiếp, xa gia đình, xa cả những bài tập làm văn tả cảnh của cô giáo Thu Hương về một nơi không mênh mông trời và nước.
Cạnh “nhà” Lệ là “nhà” cô chú Châu, trẻ con nhà ấy không được đến trường vì “biển không cần chữ, chỉ cần người chài lưới giỏi”. Người làng chài hình như có một quy luật ngầm: “sống nhờ biển phải trung thành với biển”.
Khi chia tay gia đình Lệ, tôi muốn hỏi địa chỉ của em để sau này gửi cho em một tấm ảnh làm kỉ niệm, nhưng ngay cả mẹ em cũng không biết nơi mình sống được kí hiệu như nào trong ngành bưu điện.
Trong cuộc họp báo gần đây, Ủy ban dân số Quảng Ninh cho chúng tôi biết là sẽ có hướng giải quyết để bảo đảm quyền được tới trường của các em trong tương lai. Hy vọng điều đó sớm trở thành hiện thực vì để vượt biển, đâu chỉ cần ước mơ và niềm tin!
Thành Lương