1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những “món nợ” lần lữa của ngành giao thông

Thái Anh

(Dân trí) - So với yêu cầu của Quốc hội thì 48 dự án trọng điểm giao thông mới một nửa hoàn thành, nhiều công trình chậm tiến độ, đội vốn, BOT "dậm chân", thu phí không dừng chưa thấy ngày xong…

Rất nhiều “món nợ” của ngành giao thông được UB Kinh tế của Quốc hội nêu khi thẩm tra báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn mà Chính phủ gửi đến, phần về lĩnh vực giao thông vận tải.

Những “món nợ” lần lữa của ngành giao thông - 1
Rất nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn... gây bức xúc.

Cụ thể, UB Kinh tế đề cập Nghị quyết số 63 năm 2018 với một nhiệm vụ dành cho tư lệnh ngành giao thông là hoàn thành, trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam vào năm 2019. Tuy nhiên, thực tế, đến lúc này, Chính phủ vẫn chưa trình Quốc hội cho ý kiến hồ sơ về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc – Nam như theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 63.

Nghị quyết 63 cũng đưa ra yêu cầu hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý thích hợp đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kéo dài tiến độ, tăng vốn dự án, nhất là các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải và địa phương quản lý.

Yêu cầu này ngành giao thông cũng chưa đáp ứng được. Cụ thể, trong số 48 công trình trọng điểm giao thông vận tải, mới đưa vào khai thác, sử dụng 24 công trình. Hiện nay, còn lại 24 dự án chưa hoàn thành, trong đó đang triển khai thi công 12 dự án và đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai 12 dự án.

Các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư được liệt kê rất nhiều, như dự án là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị (Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi). Tiến độ triển khai một số dự án mới vẫn còn chậm, như Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP...

Quốc hội cũng giao một nhiệm vụ khác sau giám sát, chất vấn về giao thông là rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

Đây cũng là một nội dung ngành hiện đang “nợ”. Trong báo cáo gửi đến Quốc hội ít ngày trước, về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xử lý 4 trạm thu phí BOT “đi lạc”, bị người dân phản đối quyết liệt đã tồn tại từ 2017 đến nay (trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trạm thu phí trên Quốc lộ 3 (Thái Nguyên), trạm T2 (Cần Thơ) và trạm La Sơn - Tuý Loan (Thừa Thiên Huế) hiện vẫn… dậm chân tại chỗ. Qua nhiều kỳ họp, Bộ trưởng vẫn nêu dự kiến sẽ bố trí ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư mua lại quyền thu phí để xóa các BOT có vướng mắc này.

Quan điểm của cơ quan thẩm tra, UB Kinh tế nhấn mạnh, ngoài các trạm trên thì một số nơi như Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài, Trạm Cai Lậy, Trạm Hòa Lạc – Hòa Bình thuộc dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT… vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro, bất cập cần khẩn trương có giải pháp để xử lý dứt điểm, tránh phát sinh gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, phương án xử lý cần bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, công bằng, minh bạch đối với tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước.

Đối chiếu tiếp với Nghị quyết số 63, UB Kinh tế nêu vấn đề, Quốc hội đã quyết nghị từ năm 2019 cả nước thực hiện việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này. UB Kinh tế nêu kết quả thực tế, công tác triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước đến nay chậm 2 năm so với yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội và vẫn chưa rõ thời gian hoàn thành.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại việc tổ chức thực hiện thu phí không dừng theo yêu cầu tại nghị quyết và làm rõ sự phù hợp, minh bạch của việc triển khai thực hiện các dự án BOO1 và BOO2 tồn tại nhiều bất cập gây nên sự phản đối từ các nhà đầu tư các dự án BOT thời gian qua, cũng như việc kiểm soát doanh thu thu phí, công nghệ thu phí không dừng được áp dụng.