1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TP Huế:

Những mảnh đời trẻ em lo mưu sinh sớm

(Dân trí) - Trong đêm, dưới ánh đèn điện bên vệ đường của TP Huế, thấp thoáng bóng dáng những đứa trẻ đang rảo bước, cầm trên tay chiếc rổ đựng vài lốc kẹo cao su, vài lon đậu phộng, gói bánh phồng tôm với hy vọng bán cho nhanh hết để được về nhà.

Lăn lóc trên hè phố suốt đêm 

Đêm đã về khuya, Thìm và Na mở lời chào hàng với khách là những người đang say sưa bên chén rượu tại một quán ăn đêm. Vẻ mệt mỏi hiện trên nét mặt, giọng nói nhỏ thoáng buồn: “Dạ mấy chú mua giùm con bì hột dưa, đậu phộng”. Đáp lại lời mời là cái nhìn thờ ơ, những câu nói như xua đuổi, và một vài ánh mắt cảm thông, thương xót.

Na có khuôn mặt tròn với mái tóc dài chấm ngang lưng hơi rối. Thìm có khuôn  mặt trái xoan, tóc cắt gần như không thể ngắn hơn. Cả hai chỉ mặc mỗi một chiếc áo cổ tròn tay ngắn mỏng tanh trong khi người qua lại phố ai cũng mặc áo ấm nhưng vẫn còn thấy lạnh. Chúng tôi hỏi Thìm: “Em không thấy lạnh à?”. “Không, trời mát mà” - đáp lại là câu trả lời cộc lốc của 2 em. Hình như gánh nặng mưu sinh đã làm Thìm và Na khô cứng, quên luôn cả cái giá rét cắt da cắt thịt vào những ngày cuối đông của xứ Huế để gắng bán cho sớm để về nhà.

Thìm năm nay 14 tuổi, học lớp 7, sống ở khu vực gần đường Hàn Mặc Tử, phường Vĩ Dạ, TP.Huế. Sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 6 anh chị em, Thìm là con út, bố mất sớm. Mẹ em hàng ngày cũng phải đi bán hàng dạo như Thìm. Sau giờ học em lại cùng Na đi bán hàng dạo vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Cứ 5h chiều, mặc cho những cơn mưa mang theo cái lạnh giá buốt, Thìm, Na và rất nhiều đứa trẻ bán hàng dạo khác vẫn lầm lũi xách những túi hàng vặt đi dọc các con phố để mưu sinh. Khu vực 2 em bán hàng vặt thường rất rộng, phân tán ở khắp các nẻo đường, nhưng thường xuyên nhất là các tuyến phố lớn như Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Đống Đa, bờ Hồ… nơi có nhiều địa điểm ăn uống và tập trung nhiều người. Dường như hiểu được việc bán hàng vặt không dễ dàng gì, Thìm cùng những đứa trẻ khác còn làm thêm nghề “cái bang”. Cứ đội mũ trên đầu, đi lững thững đến chỗ có khách đang ăn hay đang nhậu thì ngửa mũ ra xin. Có em xin không được thì bỏ đi, có em thì đứng năn nỉ hồi lâu khiến không ít vị khách bực mình.

Lang thang suốt đêm trên hè phố
Lang thang suốt đêm trên hè phố

Thìm cho biết, không chỉ nhóm trẻ bán hàng dạo ở khu vực em hay lui tới mà riêng ở xóm Thìm không thôi đã hơn 30 chục người với độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi. Món hàng các em thường bán là đậu phụng và bánh phồng tôm. Tính ra mỗi đêm bán hết 20 bì bánh phồng tôm và 20 bì đậu phụng thì thu lãi khoảng 100 nghìn đồng. Một tháng sẽ được 2,5 triệu đến 3 triệu đồng. So với những đứa bạn cùng trang lứa, chỉ biết ăn, biết học thì Thìm và Na đã tự bươn chải, lo được miếng cơm manh áo. Thay cho thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hay ngon giấc bên gia đình thì nay được thay bởi bước chân lủi thủi trên hè phố để bán rong - hay ngửa tay xin tiền các vị khách với hi vọng kiếm thêm một ít thu nhập về cho gia đình.
 
11h đêm, đoạn giao giữa đường Lê Hồng Phong và Đống Đa, có lũ trẻ 7 - 8 em từ 7 đến 13 tuổi đang từ các ngã đường tập hợp lại, xen giữa các em là những cái rổ đan bằng tre, đựng đậu phộng, hạt dưa, bánh phồng tôm,… cạnh đó là những chiếc xe đạp cũ kĩ – phương tiện để các em đi lại trong những quãng đường xa.
 
Một người phụ nữ đang ngồi xổm đếm tiền – những đồng tiền do chính các em kiếm được trong buổi tối nay giao hết cho người phụ nữ đó. Đang đếm tiền bất chợt có lúc người phụ nữ đó quát tháo ầm ĩ: “Ê! Mi đi mô đó, đi bán nhanh lên nghe chưa”. Những sự việc đó đặt ra cho chúng tôi hàng loạt câu hỏi, bọn trẻ là ai, người phụ nữ đó là ai, họ có phải là một gia đình,…Hay các em bị người phụ nữ lợi dụng?

Người phụ nữ đi khuất đúng lúc một bàn nhậu vừa tàn cuộc, khi vị khách cuối cùng vừa đứng lên thì bất chợt bên kia đường, một đứa trong đám trẻ nhanh chân chạy qua, chụp lấy ngay lon nước ngọt còn thừa của vị khách lúc nãy rồi chạy biến đi mất, theo sau là những cái nhìn đầy tiếc nuối của bọn trẻ cùng nhóm.

Trời càng về khuya, khi những địa điểm “làm ăn” đã vắng hết khách, Thìm cùng Na và những đứa trẻ bán hàng vặt khác cũng chỉ còn biết lang thang ở các quán nhậu bình dân ở hai bên hè phố, mong bán thêm được chút gì. Ngày qua ngày, cuốc bộ trên chục cây số, trên tay vẫn là rổ đậu phụng, gói phồng tôm, đôi chân bé nhỏ của em rệu rã, hiếm thấy một nét  mặt rạng rỡ vì bán được “đắt hàng”.

Hàng vặt còn đầy dù đã 11h đêm
Hàng vặt còn đầy dù đã 11h đêm

Nửa đêm, bước chân của Thìm mỗi lúc mỗi chậm rãi và nặng nề hơn, sự mệt mỏi in nét trên gương mặt non nớt của em. Ta có thể bắt gặp một sự đối lập rất lớn trên một đoạn đường ngắn này: Bên kia đường, người ta ngồi quây quần trong men rượu, trong tiếng cười đùa. Bên này là đám trẻ, khuôn mặt hằn in những mệt mỏi đang ngồi đếm đi đếm lại những bì đậu, bì phồng tôm. Có lẽ chúng đang tính toán phải bán được bao nhiêu nữa mới được về nhà, được ăn tối và được lên giường!

Một buổi tối bán hàng dạo của Thìm, Na cùng những đứa trẻ khác kết thúc cũng vừa lúc đồng hồ điểm sang ngày mới, những ngả đường của thành phố đã vắng tanh, các quán nhậu cuối cùng cũng đã sửa soạn đóng cửa.

Tương lai nào cho các em?

Đa số các em đều xuất thân trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập thấp và bấp bênh, họ không đủ khả năng để nuôi sống một gia đình. Vì vậy các em đã sớm lao vào cuộc mưu sinh khắc nghiệt này để phụ giúp gia đình, ít nhất là giúp chính bản thân các em miếng ăn hàng ngày.

Chị Kiều, một người phụ bán quán nhậu ở đường Lê Hồng Phong cho biết: “Đa số gia đình những em này rất nghèo, vì vậy có những bố mẹ buộc con cái phải đi kiếm tiền từ rất sớm”. Chị lắc đầu: “Tui không hiểu vì răng ở đây có nhiều ba mẹ bắt con mình phải đi bán hàng rong, mặc dù tụi nó không hề muốn. Thậm chí còn có người bắt con mình mỗi tối phải bán bao nhiêu hoặc xin được bao nhiêu tiền mới được về nhà. Làm như rứa tội quá…”. Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi cũng hiểu rõ phần nào lời chị Kiều nói. Một vài lần khi các em chào hàng, chúng tôi ngỏ ý cho các em tiền nhưng các em từ chối vì muốn chúng tôi mua hàng.

Trong số các em, một bộ phận không được đi học, một số đã bỏ học, còn lại có số ít vẫn đi học buổi ngày và khi đêm về lại lang thang trên các nẻo đường, phải lo nghĩ đến tiền bạc mưu sinh từng ngày, làm sao bán hết hàng, làm sao xin được tiền…Đúng là quá nhiều lo toan trong suy nghĩ non nớt của các em.

Tương lai các em liệu có như người phụ nữ này – bán hàng vặt để mưu sinh.
Tương lai các em liệu có như người phụ nữ này – bán hàng vặt để mưu sinh.

Với trang bị hạn chế, máy ảnh của chúng tôi không đủ độ nhanh, nhạy để chộp lấy một khoảnh khắc mà chúng tôi cho là lột tả được sự việc trong đêm khuya tại đường Lê Hồng Phong, đoạn có nhiều quán nhậu, có 2 người bán hàng vặt đi dọc con đường, hướng về phía nhau, một người là phụ nữ chừng ngoài 40 tuổi và người còn lại là một em nhỏ thân hình mảnh mai như Thìm.

Trong khoảnh khắc hai người gặp nhau đó, trong đầu chúng tôi hiện lên một suy nghĩ, rằng liệu sau này khi Thìm lớn lên, liệu tương lai của em có như người phụ nữ đó - cả đời mưu sinh bằng nghề bán hàng rong?

Huy Thành – Đ.Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm