Những lỗ hổng lớn về quản lý nhà công vụ
“Về nguyên tắc, không nơi nào được bố trí nhà ở theo chế độ bao cấp sau khi Thủ tướng đã ký nghị định 61 về mua bán và kinh doanh nhà ở. Tuy nhiên, một số địa phương đã xử lý chưa đúng…” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết.
Ở một số địa phương, trong đó có TPHCM, đã xử lý chưa đúng, vận dụng những điểm chưa rõ trong Nghị định 61 để bố trí nhà ở mang tính công vụ sau năm 1994. Rồi sau đó, họ vẫn giải quyết bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang sử dụng với giá ưu đãi quá lớn.
Cần phải nói rõ, Nghị định 61 như một dấu chấm kết thúc cơ chế bao cấp về nhà ở. Từ năm 1992, Thủ tướng đã ban hành các mức giá cho thuê, nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương. Điều này có nghĩa việc bao cấp về nhà ở cũng không còn vì đã được tính vào lương. Đúng là chúng ta chưa đảm bảo việc đưa giá nhà vào lương nhưng chúng ta kết thúc cơ chế bao cấp mà lại chưa có cơ chế cụ thể về nhà công vụ.
Sự khập khiễng về chính sách và sự thiếu phù hợp với cuộc sống thực tế đã làm nhiều nơi phải vận dụng bán nhà công vụ hoặc lợi dụng kẽ hở của Nghị định để trục lợi. Đây là kẽ hở khá rộng về pháp lý gây nên thất thoát trong việc bố trí nhà công vụ. Kẽ hở này cũng tạo ra độ vênh khá lớn về giá (giữa giá bán và giá thị trường). Người ta đã tính trung bình độ vênh này là 1-2 triệu USD cho một căn biệt thự ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP HCM.
Việc vận dụng Nghị định 61 để bán nhà công vụ có sai luật pháp không, thưa ông?
Có trường hợp sai và có trường hợp không sai. Điều đáng nói ở đây là sự vận dụng kẽ hở khá lớn về luật pháp và không theo đúng tinh thần đạo lý của xã hội. Đấy là bất cập mà việc xây dựng pháp luật đã để trống, làm cho việc vận dụng luật pháp không thống nhất giữa tỉnh này với tỉnh khác, thậm chí không thống nhất trong địa bàn cùng một tỉnh. Ngay cùng một cấp cán bộ nhưng người được mua, người không, người cấp dưới có khi được nhà rộng hơn người cấp trên...
Hiện nay TPHCM đang trong quá trình rà soát nhà công vụ theo chỉ thị của Thủ tướng. Vậy nhà công vụ bố trí trước năm 1994 có thuộc diện phải xử lý không thưa ông?
Theo nguyên tắc chung, việc bán nhà công vụ cho các trường hợp được bố trí trước năm 1994 cũng phải được đưa vào đề án bán nhà theo Nghị định 61, được thông qua Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và công khai để mọi người biết. Đề án này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tôi chưa biết đề án bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại TP HCM đã thực hiện đúng các quy định này chưa.
Còn những trường hợp bán nhà công vụ bố trí sau năm 1994?
Từ năm 1994 trở về sau mà tiếp tục bán với giá ưu đãi thì tôi cho là không đúng theo quy định của Nghị định 61. Nếu đã là nhà công vụ thì phải đảm bảo không được hóa giá thành nhà tư nhân.
Trường hợp nào chỉ được thuê hoặc nếu có mua thì phải mua theo giá thị trường?
Những trường hợp mới tiếp nhận nhiệm vụ trong thời gian sau năm 1994 thì không thể giải quyết bán nhà theo Nghị định 61 mà chỉ được thuê nhà, mua nhà theo giá thị trường. Trường hợp có nhà rồi mà được giải quyết mua nữa (hoặc đổi nhà to hơn, đẹp hơn) thì càng sai vì ngay trong khi bao cấp về nhà ở, chúng ta cũng không bao cấp cho ai hai lần.
Còn trụ sở, nhà xưởng bị biến thành nhà riêng thì sao, thưa ông?
Nhà là trụ sở thuộc phạm vi quản lý công sản của cơ quan tài chính. Theo quy định hiện nay, phải có quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính hoặc UBND tỉnh, Thành phố và phù hợp quy hoạch thì mới được chuyển sang nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước để bố trí vào mục đích công vụ. Việc chuyển công năng từ trụ sở cơ quan Nhà nước thành nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, rồi thành nhà ở riêng diễn ra cũng khá phức tạp. Hầu hết các trường hợp đều không thực hiện theo đúng quy định về quản lý công sản. Đây cũng là việc gây bức xúc trong dân.
Những lỗ hổng về pháp luật, những trường hợp vận dụng lỗ hổng này để giải quyết... sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
Vừa qua, công luận quan tâm rất lớn đến nhà công vụ cũng như việc hóa giá nhà theo Nghị định, tôi chắc Chính phủ sẽ có văn bản quy phạm pháp luật về việc này nhằm xử lý những trường hợp trái pháp luật. Hiện nay quy chế về nhà công vụ đã được đưa vào Luật nhà ở và Nghị định hướng dẫn thi hành rồi. Chúng ta cũng vẫn rà soát lại xem thiếu gì, điều gì chưa phù hợp thực tế thì điều chỉnh kịp thời.
Bán nhà ở theo Nghị định 61 còn ách tắc, nhiều người chưa mua được. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ra nghị quyết về một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ. Riêng những trường hợp đã có nhà ở rồi còn được hóa giá thêm nhà khác hoặc đã thuyên chuyển công tác sang địa phương khác nhưng vẫn được mua nhà hóa giá, hoặc nhà nhỏ đổi thành nhà to... thì cách xử lý là nên thu hồi lại.
Người dân mong Nhà nước sẽ xử lý nghiêm, nhưng cũng có một bộ phận chưa tin tưởng lắm... Ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ, về nguyên tắc Nhà nước sẽ phải xử lý, không thể để tiếp tục tình trạng bất công, cũng không thể coi đó là tồn tại của lịch sử rồi không xử lý. Vấn đề là xử lý như thế nào cho thỏa đáng. Đây là bài toán phức tạp, nhưng chúng ta phải làm để vừa thể hiện việc thực thi luật pháp vừa nói lên tính đạo lý, tính công bằng của xã hội.
Tôi được biết lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo ráo riết về việc xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo hướng kiên quyết thu hồi những mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, lãng phí. Riêng việc bán nhà sở hữu nhà nước, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát kỹ để tránh trường hợp một người được giải quyết chính sách nhà đất hai lần. Nếu xử lý tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân và cũng là để có thể giải quyết được nhiều việc bất hợp lý khác nữa.
Theo Đoan Trang
Tuổi Trẻ