1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những lò gạch giữa lòng TPHCM

(Dân trí) - Chiều nào cũng vậy, cứ tầm 18h, đứng trên điểm cao của khu Làng đại học, Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM nhìn sang quận 9, sẽ thấy những cột khói khổng lồ bốc lên không trung, tưởng như ở đây đang có cháy lớn. Thật ra đó chỉ là những cột khói bốc lên từ gần 100 lò gạch đang hoạt động hết công suất.

Đất, than, khói và bụi

 

Theo thông báo của Bộ Xây dựng, năm 2005 là hạn cuối để di dời các lò gạch thủ công ở đô thị. Các lò gạch thủ công chưa di dời, không đủ vốn chuyển đổi công nghệ thì phải đóng cửa, chuyển sang ngành nghề khác phù hợp hơn.

 

Do điều kiện khó khăn, UBND TPHCM đã cho phép gần 120 lò gạch thủ công ở quận 9 “khất” lại đến cuối năm 2006. Nhưng khi chúng tôi đến đây vào những ngày cuối tháng 7/2007, nhiều lò gạch vẫn dập dìu lửa đỏ, khói đen.

 

Khói lò gạch rất độc hại, và nhiều. Ở quận 9, nghề sản xuất gạch xây dựng là một trong những nghề truyền thống của nhân dân. Các lò gạch này đan xen với khu dân cư, xây dựng theo công nghệ lạc hậu, khí thải phát ra từ nhiều nguồn rất khó thu gom. 

 

Đặc biệt, để giảm giá thành sản phẩm, nhiều chủ lò sử dụng thêm nguyên liệu vỏ trấu, vỏ hạt điều, vỏ xe để đốt gạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. UBND quận 9 đã yêu cầu các chủ lò gạch không được sử dụng các nguyên liệu trên nhưng họ vẫn phớt lờ.

 

Chị N.T.H, ngụ tại ấp Bến Đò, phường Long Bình, cho biết: “Lò đốt bằng vỏ trấu, vỏ hạt điều… nên khói đen kịt và mùi rất khó chịu. Mức độ ô nhiễm chúng tôi không biết thế nào nhưng mỗi lần khói xông vào nhà thì rất khó thở”. Nhiều nhà dân lân cận các lò gạch cũng bị khói ám đen xì. 

 

Đó là chưa kể đến bụi than đốt lò. Anh L.Đ.H, ngụ tại ấp Cầu Ông Tán, cho hay: “Nhà tôi gần một vựa than, mỗi lần xe cẩu xúc than lên là kể như khỏi ăn cơm. Chén cơm mới xới ra trắng tinh chỉ chưa đầy phút sau đã thành màu đen”.

 

Bà con cũng than phiền nhiều về nạn đất rơi vãi khi các xe tải chở đất đến các lò. Từng đống đất lớn rơi đầy đường số 11, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Xiển… Chưa kể những nguy hiểm khi lưu thông trên con đường toàn đất đá, chỉ riêng chuyện nắng bụi mưa lầy cũng đủ làm bà con khổ sở.

 

Và với lưu lượng hàng ngàn xe tải trọng lớn chở đất đá và gạch lưu thông, con đường xuống cấp rất nhanh. Như đường Nguyễn Xiển giờ chỉ dành cho xe tải vì xe máy không tài nào đi nổi trong những ngày mưa.

 

Vẫn còn nhiều vướng mắc

 

Ngày 13/5/2004, UBND quận 9 đã ra quyết định thành lập dự án Khu sản xuất vật liệu xây dựng tại ấp Long Sơn, phường Long Bình, với diện tích trên 20ha. Các lò gạch thủ công được chuyển vào khu sản xuất tập trung, thay đổi công nghệ từ lò thủ công sang lò tuy-nen. Thế nhưng, đã 3 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là dự án.

 

Theo một quan chức địa phương thì khu sản xuất vật liệu xây dựng Long Sơn sau khi hoàn thành cũng chỉ đủ diện tích để xây dựng 4-5 nhà máy sản xuất gạch tuy-nen, nghĩa là chỉ đủ chỗ cho khoảng 20% số lò gạch thủ công đang hoạt động tại địa phương. Vậy 80% còn lại đi đâu? 

 

Mặt khác, khi chuyển sang lò công nghệ mới, phải đầu tư vốn ban đầu rất lớn, không phải cơ sở sản xuất nào cũng đủ khả năng chuyển đổi. Đó là những vướng mắc khiến nhiều chủ lò phân vân, không muốn di dời.

 

Còn nếu đóng cửa hàng loạt thì gần 2.000 con người vốn sống bằng nghề làm gạch, giờ sẽ ra sao? Vì thế chính quyền cũng không dám mạnh tay cưỡng ép ngừng sản xuất. 

 

Một quan chức địa phương cho rằng chỉ có thể nhờ sự hỗ trợ từ thành phố. Để chủ lò gạch cũng như người lao động yên tâm chuyển nghề, cần có sự hỗ trợ của chính quyền trong việc đào tạo nghề, cho vay vốn ưu đãi. Việc này nếu chỉ trông chờ vào quận 9 thì không đủ khả năng giải quyết.

 

Tùng Nguyên