1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Những kỳ tích bạc tỷ của nhóm "kỹ sư nông dân"

(Dân trí) - Không hề có bằng cấp nhưng ông Võ Văn Sáng, một nông dân ở ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã làm lợi cho nhà nước hàng tỷ đồng nhờ tiết kiệm chi phí cho việc xây dựng hơn 40 công trình cầu giao thông ở nông thôn.

Xuất thân từ nghề nông, cuộc sống gắn với đồng áng nhưng vài năm trở lại đây, ông Sáng với vai trò là tổ trưởng công trình đã cùng nhóm cộng sự bất đắc dĩ trở thành “kỹ sư”, thi công hàng loạt công trình phúc lợi phục vụ lợi ích cộng đồng dân sinh ở khắp nơi trong ngoài, tỉnh.

Đội làm cầu do ông Sáng chỉ huy vỏn vẹn chỉ 24 người nhưng tất cả đều tâm huyết vì mục tiêu chung là chăm lo công tác xã hội, từ thiện ở địa phương hoặc những nơi có nhu cầu.

Điều đáng nói là mỗi công trình sau khi hoàn thành đều tiết kiệm khoảng 50% kinh phí do được sự đồng lòng của chính quyền, mạnh thường quân và bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ, trong đó nhóm từ thiện do ông Sáng đảm nhận chính việc thi công mà không đòi hỏi bất cứ khoản thù lao nào.

 

Ngày khánh thành cầu Ngã Cái bắt qua kênh Chắc Cà Đao ở xã nông thôn mới Vĩnh Lợi do nhóm ông Sáng thi công.
Ngày khánh thành cầu Ngã Cái bắt qua kênh Chắc Cà Đao ở xã nông thôn mới Vĩnh Lợi do nhóm ông Sáng thi công.

 

Một trong những kỳ tích mà nhóm làm cầu từ thiện của ông Sáng hoàn thành gần đây là công trình cầu Ngã Cái bắt qua kênh Chắc Cà Đao ở xã nông thôn mới Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Đây là công trình có vị trí rất quan trọng về giao thông, trên đường thủy cầu nằm ở ngã ba tiếp giáp kênh Chắc Cà Đao là nhánh rẽ sông Hậu, tiếp giáp kênh Bốn Tổng đầu nối sông Long Xuyên nên lưu lượng phương tiện giao thông qua cầu đông đúc.

Theo thiết kế ban đầu, cầu có dự toán gần 3 tỷ đồng vì phải xây dựng kiên cố bằng dầm bê tông cốt thép với chiều dài 45m, bề mặt toàn cầu 4,5 m, độ cao đáy dầm cầu dương 4,8 m, đường dẫn mỗi bên 1 m, tải trọng 8 tấn. Tuy nhiên trong quá trình phát động phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã xây dựng tiết kiệm chi phí gần phần nửa, tức là giảm hơn 1,4 tỷ đồng so dự toán được thẩm định.

 

Cầu Ngã Cái có dự toán ban đầu gần 3 tỷ đồng nhưng do nhóm ông Sáng thi công với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm nên đã tiết kiệm 1,4 tỷ đồng.
Cầu Ngã Cái có dự toán ban đầu gần 3 tỷ đồng nhưng do nhóm ông Sáng thi công với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" nên đã tiết kiệm 1,4 tỷ đồng.

 

“Sở dĩ tiết kiệm nguồn vốn quá lớn là vì xã đã huy động được sức dân, trong đó có nhiều nhân tố điển hình đã thấm nhuần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên có tâm huyết trong phong trào xây dựng nông thôn mới như thiết kế, thi công miễn phí, bán vật tư giảm giá, hiến đất, hỗ trợ thực phẩm tiếp tế cho lực lượng ngoài công trình thi công bởi họ thấy rằng chủ trương của Đảng nhà nước rất thiết thực nên tự nguyện tham gia đóng góp”. Ông Lê Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bộc bạch.

Cầu Ngã Cái hoàn thành đạt chất lượng cao, ngoài vẻ đẹp mỹ quan phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh, công trình còn là niềm từ hào rút ngắn lộ trình xây dựng nông thôn mới trên tinh thần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó như câu nói “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Bí thư đảng ủy xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Bé nhấn mạnh: “Ông Sáng là nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ngoài việc chỉ huy xây dựng 8 cây cầu bê tông cốt thép ở địa phương, ông Sáng còn tham gia vận động nhân dân đóng góp tiền, vật chất và hiến trên 1.600 ngày công làm đường giao thông nông thôn Tây Cò.

Ngoài ra, ông Sáng còn xây dựng thêm hàng chục cây cầu kiên cố trong và ngoài huyện đem lại lợi ích đáng kể cho nhà nước, nhiệt tình của ông Sáng cùng đội thi công làm cho chính quyền và người dân vô cùng cảm kích”.

 

Sau hơn 15 năm đội bắt cầu từ thiện của ông Sáng (người đứng thú 2 từ bên phải qua) đã thực hiện trên 40 công trình giao thông nông thôn, qua đó tiết kiệm cho nhà nước hàng tỷ đồng.
Sau hơn 15 năm đội bắt cầu từ thiện của ông Sáng (người đứng thú 2 từ bên phải qua) đã thực hiện trên 40 công trình giao thông nông thôn, qua đó tiết kiệm cho nhà nước hàng tỷ đồng.

 

Thật không đơn giản để hoàn thiện một cây cầu có quy mô lớn, có những công trình nằm trong “dự án” lớn ông Sáng phải “dầm mưa đội nắng” cùng đội thi công sớm hoàn thiện cho kịp tiến độ, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng trong lúc đóng cọc, đổ đà. “Một lần thi công cầu Nguyễn Thị Bạo ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn tôi đã bị nạn gãy ba sườn, mất nhiều ngày nằm viện nhưng vẫn nóng lòng đôn đốc đội ngũ ngoài công trình phải hăng say lao động, làm đúng kỹ thuật và rồi công trình cũng hoàn thành sớm hơn dự kiến ban đầu, tiết kiệm lượng chi phí đáng kể trong niềm vui mừng khôn xiết của bà con vùng nông thôn hẻo lánh”, ông Sáng nhớ lại.

Tính đến nay đã hơn 15 năm, ông Sáng đã rong đuổi khắp hang cùng ngỏ hẹp để tìm những chiếc cầu hư, xuống cấp trầm trọng rồi đề xuất chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến đất, mua vật liệu rẻ, tiếp tế lương thực thi công nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực. Tùy theo thiết kế mỗi cây cầu đều có kết cấu xây dựng bằng bêtông chắc chắn, bền và đẹp, chi phí sau khi hoàn thành hạch toán chỉ bằng phân nữa dự toán ban đầu. Như vậy, sau hơn 15 năm cất cầu từ thiện ông đã làm lợi cho nhà nước nhiều tỷ đồng.

Ngoài nguồn thu nhập hoa lợi từ 1 ha đất nông nghiệp, khi con cháu đã thành đạt với ông Sáng làm từ thiện là thú vui, là lẽ sống trong những lúc nông nhàn. “Xây dựng tình làng nghĩa xóm, sống tốt đạo đẹp đời cũng là phương châm thôi thúc tôi gắn với việc cất cầu từ thiện cho dân đi” - ông Sáng chia sẻ

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì đội thi công cầu của chú Võ Văn Sáng cũng đang  tiếp tục thi công hàng loạt công trình từ thiện tiếp theo ở các vùng nông thôn của huyện Châu Thành, An Giang.

Bảo Phong