1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những “kỵ sĩ nông dân” dũng mãnh trên lưng ngựa

(Dân trí) - Đầu năm mới, đông đảo người dân xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên lại cùng nhau về gò Thì Thùng tham gia hội đua ngựa. Những nông dân chân lấm tay bùn trên lưng ngựa bỗng hóa thân thành những kỵ sĩ thực thụ.

Những “kỵ sĩ nông dân” dũng mãnh trên lưng ngựa  - 1

Các kỵ sĩ bước vào đường đua. Những chú ngựa đua dù không chuyên nhưng cũng dũng mãnh lao về đích không kém ngựa đua thứ thiệt
 
Hội đua ngựa gò Thì Thùng xuất hiện từ lâu đời, thậm chí những người cao tuổi ở xã An Xuân cũng không nhớ rõ hội có từ bao giờ. Chỉ biết rằng mỗi độ tết đến xuân về, cũng là khoảng thời gian kết thúc một năm lao động mệt nhọc, các nam thanh niên lại dắt ngựa ra gò Thì Thùng tổ chức đua. Không phải là những “chiến mã” chuyên nghiêp, ngựa đua chính là những chú ngựa hàng ngày cùng họ lên rẫy, thồ hàng... Các kỵ sĩ cũng không có phương tiện bảo hộ, không yên nài, chỉ là những người nông dân hiền lành, chăm chỉ lao động quanh năm. 

 

Từ một nhóm người, hội đua ngựa ngày nay đã khá phát triển và thu hút nhiều người dân quanh vùng đến xem. Năm 2006, Sở VH-TT&DL Phú Yên quyết định đưa Hội đua ngựa gò Thì Thùng trở thành một trong những hoạt động truyền thống trong dịp tết và lấy ngày mùng 9 tết hàng năm để tổ chức. 
 
Những “kỵ sĩ nông dân” dũng mãnh trên lưng ngựa  - 2
Trao giải thưởng cho những kỵ sĩ về đích nhanh nhất

 

Đặc biệt năm 2009, gò Thì Thùng được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, hội đua ngựa tại di tích này càng thêm ý nghĩa. Du khách đến đây không chỉ để xem đua ngựa mà còn để tìm hiểu về một địa danh lịch sử của Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

Tham gia hội đua ngựa xuân Tân Mão này có 32 kỵ sĩ đến từ 5 xã trên địa bàn huyện Tuy An.

 

Ông Nguyễn Thành Trung, kỵ sĩ tham gia đua ngựa hào hứng nói: “Được đua ngựa trong ngày tết tôi thấy phấn khởi hơn, đó cũng là vinh dự và niềm vui của bản thân. Vì không chuyên nghiệp và không được tập luyện thường xuyên nên trong cuộc đua có lúc “ngựa một nơi, nài một nơi” nhưng không vì thế mà cuộc đua kém phần quyết liệt”. 

 

Chị Nguyễn Thị Thương ở xã miền núi Xuân Phước (Đồng Xuân, Phú Yên) thì hào hứng: “Nhà tui cách đây hơn 20km, nhưng cứ đến mùng 9 tết lại đưa các con đi xem hội đua ngựa vì thấy cuộc đua rất hấp dẫn. Đây là lần thứ 3 cả nhà tui về di tích gò Thì Thùng để xem đua ngựa đó”.  

 

Ngựa đã gắn bó với cuộc sống của nhân dân các xã miền núi Tuy An từ lâu đời. Đây là một vùng đất bán sơn địa, có nhiều vùng địa hình rất cách trở vì thế ngựa là phương tiện phổ biến và thuận tiện nhất để vận chuyển hàng hoá. Trong chiến tranh, ngựa giúp bộ đội thồ lương thực, vũ khí, đạn dược để phục vụ kháng chiến. Ngày nay, ngựa lại giúp nông dân vận chuyển hàng hoá nông sản từ các vùng cao về xuôi. 

 

Trải qua thời gian, ngựa và người gắn bó với nhau trong lao động sản xuất và ngày xuân ngựa lại có mặt trong hội đua cùng với nông dân, góp thêm hương vị ngày tết ở các xã miền núi.

 

 

  Biết - Thành Chung