1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An:

Những hộ dân sống bên miệng “thủy thần”

(Dân trí) - Đó là “thảm cảnh” tại xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) suốt 4 năm qua, bởi dòng sông Lam đang “nuốt” hàng chục ha đất sản xuất và từng bước “uy hiếp” đến đất ở của hơn 190 hộ với 800 nhân khẩu khi mỗi mùa mưa bão tới.

Bên cạnh đó, huyết mạch giao thông chính quốc lộ 7A (đi qua 4 huyện miền núi là Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn) cũng nằm trong diện có nguy cơ bị dòng sông cho theo con nước.

Đi thì nhớ, ở thì vương…

Chúng tôi có mặt tại xã Đỉnh Sơn vào một buổi chiều nắng vàng vọt, một bên dòng sông Lam nước giữa mùa hè nhưng vẫn đục ngầu sóng cuộn xoáy từng đợt nhìn mà rợn rợn.

Đứng trên dằm (chỗ nhà cũ), chị Võ Thị Hảo (xóm 2, xã Đỉnh Sơn) mắt nhìn về phía dòng sông đang chảy xiết bảo: “Các chú thấy đó, cả mảnh vườn nhà tôi khi ra đây ở (năm 1990) đến bây giờ đã “ăn” mất khoảng 20m chiều rộng rồi.

Chính căn nhà gia đình tôi đang ở cũng chỉ còn cách mép nước khoảng 15m, với đà này chỉ cần một đợt mưa lũ lớn cả nhà, đất của gia đình sẽ biến mất trên bản đồ địa chính. Nhưng đi thì nhớ, ở thì vương, chứ chính quyền mỗi lúc có mưa là lại thúc giục gia đình chuyển đi nơi khác cho an toàn…”.

Trong số những gia đình thuộc diện “điểm nóng” mà chính quyền địa phương chú ý tới ở khu vực này có 5 gia đình sẽ được di dời tái định cư trước mùa mưa năm nay (2008). Thế nhưng, trong những hộ thuộc diện di dời đại đa số họ là hộ cực nghèo, cả gia sản đã dốc vào làm nhà bây giờ biết lấy gì để làm chỗ mới, trong khi đó các cấp chính quyền chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.

Chẳng hạn hộ gia đình anh Đỗ Hữu Quảng chạy khắp nơi vay mượn làm căn nhà hết hơn 10 triệu đồng. Nụ cười vừa chợt nở trên môi thì cũng là lúc cơn lũ năm 2005 đã “bốc” đi nguyên căn nhà và một phần đất của gia. Và số tiền anh vay Ngân hàng thì cả lãi và gốc vẫn chưa thể trả.

Được biết, trong 5 hộ gia đình đó, thì 4 hộ là anh em ruột của chị Hảo, họ đang cùng nhau chạy vạy khắp nơi để làm nhà tạm chuyển đến nơi ở mới.

Làm nhà nợ nần 100%

Những hộ dân sống bên miệng “thủy thần” - 1
  

Vợ chồng chị Hảo vẫn sống
trong căn nhà cũ nơi chỉ cách
mép sông khoảng 15m.

Chị Hảo cho biết, số tiền 2 triệu đồng chính quyền hỗ trợ chỉ giống như “voi uống thuốc gió” chẳng thể làm nên được việc gì. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho gia đình trong mùa mưa năm nay, gia đình chị phải “cắn răng buộc bụng” rồi cho một đứa con nghỉ học đi miền Nam làm thuê, thế mà khi nhà làm gần xong thì 100% từ gạch ngói, xi măng, cát, sỏi… đều phải ghi nợ.

Trong khi đó nguồn thu nhập chính của những hộ gia đình sống ở khu vực này đều dựa vào nghề nuôi cá lồng trên sông. Thế nhưng bây giờ nuôi cá không dễ như trước.

“Chú thấy đó, bờ sông dựng đứng thế kia, chúng tôi vẫn nuôi cá nhưng không chăm sóc được, vì lên xuống khó khăn quá, nhất là những ngày mưa đất lở thì chết. Đành nuôi được chăng hay chớ” - anh Quảng cho biết.

Hiện trạng sạt lở đất bờ sông Lam trên địa bàn huyện Anh Sơn nói chúng và địa bàn xã Đỉnh Sơn nói riêng, không chỉ ảnh hưởng đến việc an cư, mà hàng năm cũng có hàng ngàn diện tích đất nông nghiệp bị mất.

Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho rằng, sạt lở ở những địa điểm này huyện đã biết và đã chỉ đạo cấp xã, xóm triển khai chương trình di dân, ban đầu là 5 hộ gia đình nằm ở khu vực nguy hiểm ra ở tái định cư.

Tiếp theo sẽ lập phương án cho 191 hộ tại 9 xã dọc bờ sông Lam tái định cư nhưng huyện đang khó khăn về tài chính. Theo bà Lam, nếu cứ tiếp diễn tình trạng sạt lở như hiện nay thì mùa mưa năm nay sẽ có gần 3.000ha đất sản xuất bị đe doạ.

Đáng nói hơn là hiện tượng lở đất cũng đang đe dọa đến quốc lộ 7A. Hiện ở địa bàn xóm 2, xã Đỉnh Sơn mép nước sông Lam chỉ cách quốc lộ 7A có đoạn từ 20 - 25m và theo người dân, với đà này thì chỉ cần 2 cơn lũ đi qua thì nhiều khả năng quốc lộ 7A bị chia cắt.

Được biết Chính phủ đã phê duyệt kinh phí bổ sung, để phát triển kinh tế 7 tỉnh Tây Bắc và các huyện miền núi thuộc 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An (trong đó có huyện Anh Sơn), giai đoạn từ 2008-2010, với nguồn kinh phí lên tới 4.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, công trình trọng điểm này có được xây dựng hay không thì người dân ở đây vẫn chưa biết thông tin.

Nguyễn Duy