Những giá trị bền vững để đời trong tư tưởng và Di sản Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Lý luận Hồ Chí Minh là lý luận khoa học và cách mạng, thấm nhuần sâu sắc giá trị nhân văn, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Hệ thống tư tưởng của Người thể hiện nổi bật lý luận Hồ Chí Minh về đường lối và phương pháp Cách mạng Việt Nam. Lý luận Hồ Chí Minh, như đã nói là lý luận khoa học và cách mạng, lại thấm nhuần sâu sắc giá trị nhân văn, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Đó là bộ phận cốt lõi, chủ đạo trong hoạt động phong phú của Người. Hoạt động của Người trong cuộc đời hơn 6 thập kỷ đấu tranh cách mạng tạo thành Di sản Hồ Chí Minh. Thời đại Hồ Chí Minh là di sản vĩ đại Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, có giá trị, ý nghĩa, sức sống muôn đời sau.
Trên bình diện tư tưởng lý luận, những giá trị bền vững để đời, cho muôn đời sau của Hồ Chí Minh có thể nhận biết, lĩnh hội để vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đổi mới, hội nhập hiện nay từ nhiều cấp độ và sắc thái lịch sử. Đó là TƯ TƯỞNG - ĐẠO ĐỨC VÀ PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH.
- Tư tưởng lớn ở tầm nhìn chiến lược soi sáng các vấn đề và sự kiện phải giải quyết trong sự nghiệp cách mạng.
- Đạo đức trong sáng, mẫu mực của Hồ Chí Minh có sức cổ vũ và tạo động lực tinh thần thúc đẩy mọi người, mọi thế hệ noi theo, làm theo.
- Phong cách đặc sắc của Hồ Chí Minh, nổi bật các chuẩn giá trị giản dị và chân thành - khiêm tốn và dân chủ - vị tha - nhân ái và bao dung có sức cảm hóa muôn người, làm nên chân dung một nhân cách vĩ đại, cao thượng, định hình và kết tinh các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.
Những giá trị bền vững, để đời, cho muôn đời sau của Tư tưởng và Di sản Hồ Chí Minh có thể tìm thấy trong các văn phẩm lý luận, cả trong văn chương nghệ thuật của Người, trong những luận điểm đặc sắc và cả trong ứng xử tinh tế của Người mà mỗi chúng ta cảm nhận được, mà lịch sử đã chứng thực và khẳng định.
Có thể hệ thống và khái quát hóa thành VẤN ĐỀ VÀ LUẬN ĐIỂM.
- Một, những giá trị bền vững thể hiện qua các vấn đề lý luận của Hồ Chí Minh. Đó là: 10 vấn đề sau:
+ Sợi chỉ đỏ, xuyên suốt, bao trùm và nổi bật trong tư tưởng và Di sản của Người: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
+ Hệ giá trị cốt lõi của Giải phóng và Phát triển: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
+ Tư tưởng về cách mạng và cách mạng đến nơi. Điều kiện tiên quyết để cách mạng thắng lợi: Đảng cách mạng chân chính và sức mạnh yêu nước, đoàn kết của toàn dân tộc.
+ Nhà nước của dân, do dân, vì dân và nền Dân chủ.
+ Chủ nghĩa xã hội Việt Nam và con đường đi tới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
+ Xây dựng gắn liền với bảo vệ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây đi liền với chống "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".
+ Đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đoàn kết, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước. Chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt "Dĩ bất biến ứng vạn biến".
+ Chủ thuyết phát triển Việt Nam, "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu", Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh, là đạo đức là văn minh, thực hành chính trị đoàn kết và thanh khiết.
+ Văn hóa, con người Việt Nam, động lực và mục tiêu của phát triển. Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo "Vì hạnh phúc trăm năm trồng người".
+ Việt Nam Đổi mới và hội nhập quốc tế. Thực hiện triết lý phát triển hài hòa, bền vững, hiện đại.
- Hai, những giá trị bền vững kết tinh trong các tác phẩm, Bảo vật quốc gia của Hồ Chí Minh, Quốc bảo đồng thời là Pháp bảo Hồ Chí Minh.
Cho đến nay đã có 6 tác phẩm của Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật quốc gia của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh:
+ Đường cách mệnh, 1927.
+ Nhật ký trong tù, 1942-1943.
+ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.
+ Lời kêu gọi cả nước đánh thắng Đế quốc Mỹ xâm lược, "Không có gì quý hơn độc lập tự do", 17-7-1966.
+ Di chúc (1965-1969).
+ Tập hợp các sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.
Điều cần nói là, tác phẩm "Tuyên ngôn Độc lập" - một văn kiện lập nước Việt Nam mới, một áng văn bất hủ, "thiên cổ hùng văn" vẫn chưa được xếp vào Bảo vật quốc gia, chỉ vì ta chưa tìm được bản gốc, bút tích gốc của Người do thất lạc vì chiến tranh. Nhiệm vụ của chúng ta, trước hết là giới lý luận phải chủ động đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Đảng và Nhà nước sớm có quyết định về việc hệ trọng này.
- Ba, những luận điểm, luận đề tư tưởng ở tầm danh ngôn của Hồ Chí Minh, có sức mạnh lan tỏa, truyền cảm hứng cho muôn đời sau.
Đây là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, có tác dụng giáo dục rộng rãi, lâu dài cho mọi thế hệ. Có thể xem đó là những hạt ngọc lấp lánh trong kho báu Hồ Chí Minh cần phải phát huy, quảng bá rộng rãi ở trong và ngoài nước.
Có những lời dạy của Người dành cho mọi đối tượng cụ thể, nói và viết trong một thời điểm, một hoàn cảnh cụ thể mà lại có giá trị phổ biến, phổ quát đến mọi tầng lớp người, ở mọi nơi, mọi lúc, có sức sống vượt thời gian.
Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu.
1. Luận điểm mang tầm kinh điển
"Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới. Phá cái xấu đổi ra cái tốt" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập. CTQG. H20211. Tập 2, Tr 284).
2. Dự cảm, linh cảm sáng suốt về nguy cơ thoái hóa của cách mạng:
"Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc" ("Đường cách mệnh". Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập. CTQG. H20211. Tập 2, Tr 292).
3. Cảnh báo cho đảng và cho những người cách mạng.
"Một dân tộc, một Đảng, một con người đã từng là vĩ đại, song không phải mãi mãi là như vậy, nếu hôm nay, lòng dạ không còn trong sáng nữa".
4. Tự ý thức sâu sắc về vai trò của nhân dân:
"Khi nhân dân đã giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn". (Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập. CTQG. H20211. Tập 7, Tr 270).
5. "Chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động. Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được".
6. Tiếp cận sáng tạo của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội (tiếp cận đạo đức học): "Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa". "Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân".
7. Đạo đức và văn hóa trong chính trị và trong Đảng.
"Chính trị cốt ở hai điều căn bản: Đoàn kết và Thanh khiết".
"Đảng là đạo đức, là văn minh".
8. Những lời dạy của Hồ Chí Minh với thiếu niên, nhi đồng từ 1945, 1946, 1961 và Người sửa lại khi viết Di chúc (1965-1969) trở thành lời dạy cho tất cả mọi người.
9. Danh ngôn Hồ Chí Minh về thanh niên trở thành giá trị cho muôn đời.
- Chỉ có một điều ham: Ham học, ham làm, ham tiến bộ.
- "Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên"…
G.S TS Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương