Những gia đình nhí ở ngoại thành TPHCM

Những cô nhóc, chú nhóc ấy lập gia đình khi vẫn còn trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cùng chung cảnh nghèo khó, túng quẫn, để lại những gánh nặng cho gia đình và xã hội... Thực trạng nhức nhối này đang xảy ra hàng ngày ở vùng nông thôn ngoại thành TPHCM.

Cô dâu “U 14”

 

Đứng trước ngôi nhà lá xiêu vẹo trống trước, trống sau của đôi vợ chồng L.V.C và N.T.T ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM, ai cũng lắc đầu ngao ngán.

 

Dù đã cưới nhau được 3 năm nhưng đôi vợ chồng trẻ này vẫn chưa được đăng ký kết hôn vì T. chưa đủ tuổi. Chị Nguyễn Thị Kiều, người cùng xóm với đôi vợ chồng trẻ này cho biết: Lúc cưới nhau thì T. mới 14 tuổi, không có nghề nghiệp gì, học vấn thì chưa vượt qua được lớp 5 trường làng. Chú rể là người ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi) cũng chỉ mới bước qua tuổi 17, không có nghề nghiệp lận lưng.

 

Cưới nhau, gia đình cô dâu có cho đôi vợ chồng trẻ này miếng đất nhưng do không nghề nghiệp nên đã cắt bán dần, giờ chỉ còn trơ lại cái chòi lá cho hai vợ chồng nhí này trú thân. Hàng ngày C. đi làm thuê mướn, ai kêu gì làm đó, nếu không thì chỉ biết ăn nhậu, đánh bài suốt ngày. Hiện nay cô T. đang bụng mang dạ chửa, không biết sau khi sinh rồi lấy gì nuôi con đây.

 

Chị L.T.M.H năm nay mới bước sang 17 tuổi, ở ấp 2 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. 3 năm trước gia đình ép gả chị cho một thanh niên ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Anh ta đến xã Hiệp Phước làm thuê và yêu cô H. Cả xóm cản ngăn nhưng gia đình H. vẫn kiên quyết làm đám cưới cho con gái với lý do “con gái trưởng thành, nếu ai ưng thì gả”. Sau 2 năm chung sống, chị H. sinh được một bé gái. Vì không chịu nổi cảnh nghèo, nên chồng của chị H. đã bỏ nhà trốn vợ con đi biền biệt mấy tháng nay. Giờ đây chị H. hàng ngày phải đầm mình dưới các kênh rạch để mò cua, bắt ốc nuôi con!

 

Hai năm trước, vừa học xong lớp 9 Trường THCS Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, H.T.H đã “vác” cái bụng to tướng. “Tác giả” của cái bụng ấy không ai khác chính là N.Q.V, bạn học chung trường với H., hơn em 2 tuổi. “Khi tụi trẻ lên xã làm đăng ký kết hôn thì “bị” chính quyền “cản” với lý do chưa đến tuổi. Thế là khỏi làm đăng ký kết hôn, khỏi làm đám cưới, cả 2 vẫn về sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng. hoàn cảnh kinh tế gia đình hai bên khó khăn, trong thời gian mang thai, H. không được ăn uống đủ chất, rồi làm việc vất vả nên khi sinh đứa con chỉ nặng hơn 2 kg.

 

cãi nhau; không có tiền mua sữa cho con, cũng cãi nhau. Chán vợ, buồn con, V. sinh tật nhậu nhẹt. Hôm nào H. “ngứa miệng” cằn nhằn vài câu là “ăn” đòn…

 

Vợ chồng “3 không”

 

Một cán bộ Hội phụ nữ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi cho biết chỉ riêng ở 2 ấp Bến Đò 1 và Bến Đò 2 của xã, nếu tính sơ sơ cũng có trên 5 cặp chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn cưới hỏi rình rang từ hai, ba năm nay. Điều đáng nói là những cặp vợ chồng ở tuổi  “nhi cô lai” này đều rơi vào tình cảnh túng quẫn và nằm “thường trực” trong danh sách xóa đói giảm nghèo vì họ thuộc diện “3 không”: không nghề nghiệp, không đất đai và không vốn liếng!

 

Một cán bộ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè nói vẻ lo lắng: “Có những đứa trẻ 3, 4 tuổi rồi vẫn không có giấy khai sinh. Không biết đến tuổi vào lớp 1 thì cha mẹ chúng có còn sống chung với nhau nữa hay không”. 

 

Bà Võ Thị Bạch Tuyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình & Trẻ em huyện Cần Giờ, cho biết: “Tình trạng tảo hôn ở đây năm nào cũng xảy ra, đặc biệt là xã Thạnh An”. theo bà, chính quyền địa phương có thể ngăn không cho đăng ký kết hôn, không cho làm đám cưới nhưng không thể can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của hai đứa trẻ, nhất là khi bé gái đã bụng mang dạ chửa…

 

Bà Phạm Kim Tuyến, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình & Trẻ em huyện Nhà Bè cũng lo lắng: “Những trẻ sơ sinh có cha mẹ trong độ tuổi tảo hôn đều không được làm giấy khai sinh theo đúng thời hạn mà phải đợi đến khi cha mẹ chúng đủ tuổi đăng ký kết hôn. Song, số vụ tảo hôn vẫn rải rác xảy ra ở xã này, xã khác. Những gia đình kết hôn sớm này đều rơi vào túng quẫn, thiếu thốn và trở thành một gánh nặng cho xã hội”.

 

Theo Quang Đạt

Sài Gòn Giải Phóng