1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những gánh hàng rong biên giới

(Dân trí) - Không chỉ tất tả buôn bán tại chợ thương mại Lao Bảo (Quảng Trị), những phụ nữ còn cần mẫn quẩy gánh hàng rong ngược xuôi sang đất Lào mưu sinh. Gánh hàng rong của họ đã mang hương vị quê nhà đến cho những Việt kiều trên đất Lào.

Gánh cháo oằn vai!

 

Mới tờ mờ sáng, cửa khẩu Lao Bảo đã khá đông đúc người. Những phụ nữ với gánh hàng rong trên vai đang chuẩn bị cho một ngày rong ruổi trên đất Lào. Từ 3-4 giờ sáng, họ đã thức dậy nấu những món cháo, bún đậm hương vị Việt mà người Việt trên đất Lào vẫn ưa thích.

 

Từ trong các làng Xuân Phước, Vĩnh Hoa, Tân Kim… những người phụ nữ này phải đi bộ 2-3 cây số mới tới được cửa khẩu. Với hai xoong cháo hai đầu quang gánh, họ qua biên giới và cuốc bộ suốt ngày, vào tận các bản làng để bán cho người dân định cư tại đây. Trời nắng hay mưa những phụ nữ này vẫn đều đặn với gánh cháo, như chiếc đồng hồ sinh học cần mẫn không sai một giây. Nếu họ đến trễ, sẽ có người khác chiếm “địa bàn” kinh doanh, coi như hôm đó họ sẽ phải “bóp bụng”!

 

Những bước chân rất vội, dì Trương Thị Hoà nói trong tiếng thở dốc: “Hôm nay phải đi sớm hơn một chút để bán cho mấy bác bốc vác ở chợ Karôn. Rồi buổi chiều đi tiếp vào mấy bản bán cho hết. Hôm nào cháo còn phải đem đổ thì không đủ tiền vốn, phải nợ tiền mua gà của mấy chị tiểu thương thôi”.

 

Rời cửa khẩu Lao Bảo, họ phải đi bộ thêm mấy cây số nữa mới tới chợ Karôn (huyện SêPôn, Lào). “Cực như thế này mà có lời được mấy mô! Đi xe ôm thì chỉ có sạch vốn thôi!”, một chị bán cháo cho hay.

 

Chợ Karôn là nơi tập trung khá nhiều người Việt sinh sống. Dân cửu vạn, buôn bán ở đây không quen dùng thúc ăn của cư dân Lào. Những món ăn quen thuộc từ gánh cháo bột mì, cháo gà, bánh lọc cuốn lá, luôn được những cư dân Việt ưa thích. Không chỉ bán cho những cư dân ở chợ Karôn để có thu nhập cao hơn những phụ nữ này không quản khó khăn; họ sâu vào trong các bản mang đến cho người Lào những món ăn mới lạ.

 

Dì Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi), một người đã có hơn 20 năm tuổi nghề, tâm sự: “Cái nghề ni phải thức khuya dậy sớm cũng vất vả. Tuổi già như chúng tôi có việc làm là may lắm rồi! Cũng may người Việt mình ở đây vẫn không thay đỗi thói quen ăn uống nên gánh cháo này cũng sống được”.

 

Mưu sinh trên đất Lào còn có những phụ nữ đến từ những vùng đất phía Bắc của tổ quốc. Họ lặn lội đến vùng biên này bán dạo đủ các mặt hàng, kiếm chút lãi gửi về quê. Chị Thơm, một người dân ở Hà Tây, cho hay: “Mỗi tháng mình phải ra quê một lần để lấy hàng vào đây bán. Người Việt thì ít mua song với người Lào, những mặt hàng này rất được ưa thích. Tuy nhiên lời lãi không là bao”.

 

Mưu sinh xứ người

 

Tuy đến từ những vùng đất khác nhau song hầu hết các chị em làm nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn, vì kế miếng cơm manh áo mà phải mưu sinh nơi xứ người xa xôi.

 

Tại chợ Karôn có khoảng 60-70% gian hàng của người Việt. Có những Việt kiều qua đây định cư đã lâu năm vẫn không quên được món ăn việt quen thuộc; và họ thầm cảm ơn những gánh hàng rong cần mẫn giúp họ được gần gũi hơn với quê hương.

 

Dì Thương, một phụ nữ người gốc Huế, tâm sự: “Tui bán bún bò Huế đã hơn mười năm nay. Nhiều người Việt mình ở đây thích ăn món này lắm! Tuy không làm giàu được nhưng cũng tạm đủ sống. Nhiều lúc muốn về nhà thăm gia đình mà cả năm bận bịu mãi đến tết mới về được”. Dì cho biết một ngày đi bộ mấy chục cây số, chai sần cả đôi chân, nhưng hôm nào khá mới kiếm được 50-70 ngàn đồng.

 

Còn như dì Hoa với gánh cháo lòng đã tha phương trên đất Lào hàng chục năm nay. Vốn là người gốc ở Quảng Trị, từ khi người chồng xấu số không may ra đi trong một tai nạn giao thông, dì đã ôm con sang hẳn nước bạn Lào sinh sống.

 

Dì tâm sự: “Mình vì miếng cơm manh áo cho con mà phải bỏ quê hương như thế này thôi. Ngày đi tui cũng day dứt lắm chứ, nhưng rồi cũng quyết! Chỉ mong sao gom góp được chút vốn trở về quê buôn bán nuôi con”.

 

Hầu hết chị em bán hàng rong trên đất Lào đều rất sành tiếng bản địa. Điều này giúp họ dễ dàng hơn trong việc hòa nhập cuộc sống cũng như thuận lợi trong buôn bán. Và cuộc mưu sinh của họ đã dần trở thành một hình ảnh quen thuộc, thân thương, không thể thiếu nơi miền biên giới này.

 

PH