1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những đường hầm bí mật ở Đà Lạt

Đà Lạt, thành phố du lịch hơn 100 tuổi, nổi tiếng với du khách trong, ngoài nước suốt nhiều thập niên qua. Tuy vậy, thành phố này vẫn còn nhiều điều bí mật chưa được khám phá.

Một trong những bí mật ấy là những đường hầm xuyên các tòa nhà nổi tiếng mà ngay cả những người dân đang sống ở thành phố này, không mấy người biết đến.

Khách sạn Palace

Đường hầm nối từ cổng phụ của khách sạn lên đến phòng khách cửa chính, chiều dài khoảng 40m, rộng 2m, nền đá, tường đúc xi măng, theo hình chữ Y, khá sạch sẽ và thông thoáng. Từ điểm bắt đầu đến hai ngã: một dẫn ra cửa chính khách sạn, một đi lên nhà bếp - tầng trệt của khách sạn. Trên nóc hầm có lắp đặt hệ thống bóng điện chiếu sáng. Hai bên đường hầm gắn các đường ống dẫn điện và nước (tách biệt) khá thẩm mỹ và an toàn.

Trong tầng hầm có kho chứa rượu và quầy bar (mở cửa từ 16 giờ chiều đến 22 giờ đêm để phục vụ du khách). Ông Phạm Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty DRI (tập đoàn Accor của Pháp), “ông chủ” của khách sạn Palace cho biết: "Ngay từ khi xây dựng (năm 1922), người Pháp đã tính toán đến đường hầm này. Vì khách sạn được xây trong thời chiến nên trước hết nó là con đường an toàn để thoát thân, đề phòng xảy ra bất trắc".

Một lẽ khác, đó là sự tận dụng khuôn viên để các nhân viên phục vụ đi lại. Ở đây, những chuyện “bếp núc” như đến các phòng thay trang phục, chuyển thực phẩm nấu ăn... không lộ thiên như các khách sạn, nhà hàng khác. Điều này cũng chứng tỏ tính hiện đại, chuyên nghiệp của chủ khách sạn và các nhà thiết kế xây dựng từ cả trăm năm trước.

Địa đạo bí mật ở Dinh I

Dinh I nguyên là tổng hành dinh của cựu hoàng Bảo Đại và cũng là nơi nghỉ dưỡng của Ngô Đình Diệm. Tòa nhà này là của một viên công sứ người Pháp, Bảo Đại mua lại (vào khoảng cuối năm 1951 đầu năm 1952), sau đó xây dựng thành dinh thự trên một quả đồi. Phía sau dinh, dưới chân đồi cách khuôn viên tòa dinh thự chừng hơn 200m có một đường hầm bí mật được đào xuyên qua quả đồi, có ngã rẽ vào Dinh I thông đến phòng khách Dinh II (Dinh Toàn quyền).

Hầm có chiều dài gần 3 cây số, cửa hầm ngụỵ trang trong một căn nhà xây nhỏ. Ông Nguyễn Đức Hòa (80 tuổi), từng là người hầu cận thân tín của cựu hoàng Bảo Đại và sau được tin dùng mấy đời “nguyên thủ quốc gia” kể: “Khi chúng tôi được lệnh đến sửa sang lại tòa nhà đã phát hiện ra đường hầm bí mật này. Đức Kim Thượng (vua Bảo Đại) dặn phải tuyệt đối giữ bí mật, không ai được hé răng". Đường hầm do Nhật đào để chuẩn bị cho cuộc đảo chính Pháp năm 1945, nhằm bắt sống Toàn quyền Đông Dương và quan Tây trong các biệt thự.

Do địa hình dốc uốn lượn, địa đạo nằm chếch về hướng bắc băng qua Dinh I, qua Sở Điện lực tỉnh (cách đó chừng 700m), rẽ nhánh vào 4 biệt thự trên đường Paul Doumer (nay là đường Trần Hưng Đạo). Tại các ngã rẽ này đều có một khu vực được đào rộng hơn bình thường, xuyên mặt đất và được ngụy trang bằng các cành cây phía trên, dường như là căn cứ của các Bộ tham mưu của Nhật. Cửa hầm rộng 3m, cao 1,8m, cách mặt đất 2m. Khi phát hiện ra đường hầm này, Bảo Đại mừng lắm và cho đặt một xe du lịch ngay cửa hầm, phòng khi bất trắc thì được đưa vào xe lánh nạn.

Những đường hầm bí mật ở Đà Lạt  - 1
Khuôn viên Dinh I. 

Cạnh đó, “ngài” cho xây dựng một sân bay. Thẳng hướng cửa hầm lên và lối đường hầm băng qua, Bảo Đại cho xây dựng vườn Thượng uyển làm nơi đãi tiệc và dạo chơi. Không biết lính Nhật đào từ bao giờ và chở đất đá đi đâu mà người Pháp không phát hiện được. Năm 1956, Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, ông ta chọn Dinh I làm nơi nghỉ dưỡng; ông Hòa được điều về phục vụ tại đây nên có điều kiện biết rõ hơn về đường hầm này.

Vốn tính tò mò, nhiều buổi trưa ông Hòa cùng mấy người bạn mang theo đèn pin, lén xuống hầm đi sâu vào bên trong. Họ phát hiện rễ cây đâm tua tủa xuống đường hầm (người Nhật không chặt rễ cây, sợ cây chết, quân Pháp nghi ngờ), dơi làm tổ ở đó, ông Hòa cùng mấy người bạn bắt về làm thịt ăn. Năm 1958, Dinh Độc Lập bị thả bom, ông Diệm sợ quá vội xuống lệnh yêu cầu đổ bê-tông “kiên cố hóa” đường hầm bí mật để phòng thân nhằm khi có biến động. Đích thân ông ta cho gọi nhà thầu Phan Xứng đến giao thực hiện nhiệm vụ “tuyệt mật” này.

Đoạn đường địa đạo bí mật nối vào Dinh I chưa khai thông, giờ bị xới lên “nối” tới tầng 2 (của Dinh), cửa hầm ngay trong phòng ngủ, cạnh đầu giường của tổng thống. Phía trước được ngụy trang bằng một giá sách, chỉ cần đẩy nhẹ sang một bên là bước vào cánh cửa dẫn xuống đường hầm. Bên dưới đường hầm có 3 phòng: phòng nghỉ ngơi và làm việc của tổng thống, phòng điện đài cơ yếu và phòng bảo vệ. Trên nóc dãy phòng này và bốn bề được kè đá, đóng cửa sắt cẩn thận.

Ông Hòa, người duy nhất biết rõ về đường hầm này luôn bị căn dặn phải ghi nhớ 3 điều: “không biết, không nghe, không thấy”. Ông kể: "Cứ mỗi lần quản gia ông Diệm báo “ngài sắp lên” là tôi lại phải mất mấy ngày chuyên tâm lau dọn đường hầm cho sạch sẽ. Và khi nào cũng vậy, vừa đặt chân đến dinh là ông Diệm vội vàng xuống kiểm tra an toàn của đường hầm bí mật trước tiên".

Nghe nói để xây dựng lại đường hầm này, ông Diệm đưa gần hai chục người từ Huế lên ăn ở tại chỗ và hì hục làm trong suốt gần hai năm liền. Sau đó, họ bị đưa đi đâu không rõ. Không ngoại trừ khả năng họ bị xử tử bí mật để đảm bảo an toàn.

Đường hầm Dinh II

Dinh Toàn quyền được xây dựng từ năm 1933 với sự tham gia thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát , nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Tại Dinh này, ngoài đường hầm nối từ Dinh I còn có một đường hầm bí mật khác được đào ra phía sườn đồi, hướng tây nam, dài chừng 500m, do Toàn quyền Jean Decoux khi về đây đã cho xây dựng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối ông ta và gia đình.

Đường hầm này khá kiên cố, được đổ bê-tông cao hơn 1m, rộng 1,5m, cửa hầm nằm phía sau nhà khách của dinh. Sau đó, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân đến ở, đã xem đường hầm là “sự quý giá” Toàn quyền để lại. Năm 1964, tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền ở miền Nam đã chọn Dinh II làm tổng hành dinh trong mùa nghỉ mát và lệnh cho tu bổ lại các đường hầm cũng mục đích hòng để thoát thân nếu chẳng may có đảo chính.

Tại trụ sở UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng (xưa là nhà Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại) và Bảo tàng Lâm Đồng (nguyên là nhà của Đại phú hào Nguyễn Hữu Hào, cha đẻ của hoàng hậu Nam Phương) cũng có đường hầm. Theo lời ông Hòa thì hầu hết các biệt thự lớn ở Đà Lạt đều có đường hầm do Nhật đào để bắt sống các quan Pháp thời đó. Hơn 60 năm trôi qua, nhất là sau năm 1975, nhiều đường hầm bí mật ở đây bị sập, hư hỏng nặng, người ta cho dùng đất đá lấp lại. Đến nay, các đoạn đường hầm kể trên hầu như không còn dấu tích.
 
Nếu như các đường hầm bí mật kể trên được phát hiện, xem xét đúng giá trị lịch sử và đầu tư phục hồi cho du khách tham quan thì chắc chắn Đà Lạt sẽ thu hút được nhiều du khách hơn nữa.

Theo Công An TPHCM