1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những đứa trẻ “n lần” bất hạnh!

(Dân trí) - Nguyễn Thị Thu Thủy 10 tuổi, Phạm Đình Đức 9 tuổi, Triệu Anh Tú 8 tuổi... những cái tên bình dị, những khuôn mặt thiên thần, những đứa trẻ nhiễm HIV... Và những định kiến nghiệt ngã của người lớn khiến các em lỡ hẹn với tiếng trống mở trường.

Xót xa những cảnh đời thơ bé

 

Nằm ngay dưới chân núi Ba Vì, Hà Tây, Trung tâm giáo dục, lao động, xã hội số 2 (TT) thuộc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP Hà Nội được biết đến với khá nhiều điều đặc biệt. Ngoài việc quản lý trên 1.300 người nghiện ma túy, gái mại dâm và người sống chung với AIDS, đây là nơi duy nhất ở miền Bắc có nhà trẻ dành cho trẻ em nhiễm HIV,  mồ côi hoặc bị bỏ rơi trên địa bàn Hà Nội.

 

Bà Nguyễn Thị Phương, giám đốc TT cho biết, nhà trẻ dành cho trẻ em nhiễm HIV là một "kế hoạch ngoài dự kiến" nhưng  đến nay nó đã là một phần không thể thiếu của TT.

 

Năm 2001, Trung tâm nuôi trẻ suy dinh dưỡng ở huyện Từ Liêm, thuộc Sở LĐ-TB&XH TP HN phát hiện một trẻ nhiễm HIV. Sợ bé lây nhiễm cho các trẻ khác, họ liên hệ với TT xin gửi tạm bé lên đây, lý do chính đáng bởi tại đây có người nhiễm HIV, các bác sĩ có điều kiện để chăm sóc.

 

TT đã tiếp nhận đứa trẻ này dù rất băn khoăn không biết sẽ làm như thế nào. Rất may, đứa trẻ này đã được chính các học viên, vốn là gái mại dâm nghiện ma túy, nhiễm HIV tận tình chăm sóc. Tiếng lành đồn xa,  những đứa trẻ bị bỏ rơi tại các bệnh viên, trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ do nhiễm HIV cũng được đưa lên. Có trẻ được bố mẹ “bỏ rơi” ngay tại cổng TT. Được các tổ chức xã hội quan tâm giúp đỡ, TT đã xây dựng đuợc một dãy nhà dành riêng cho trẻ, mua sắm các thiết bị chăm sóc trẻ.

 

Theo chân cán bộ TT đến thăm nhà trẻ, nhìn những đứa trẻ ở đây, nếu không nói ít ai nghĩ rằng chúng đang mang trong mình "căn bệnh thế kỷ". Hiếu động, thông minh và luôn tràn ngập tiếng cười, thấy có khách đến, không cần ai nhắc, tất cả đều đứng lên vòng tay "chúng con chào các ông, bà, các cô, các chú" rồi hồn nhiên chơi đùa với khách.

 

Nhà trẻ hiện có 29 em, lớn nhất trong số này là bé Nguyễn Thị Thu Thủy 10 tuổi, bé nhất là Lê Bích Ngọc, nặng có... 1,2kg mới được đưa lên TT cách đây 20 ngày, ngay khi bé vừa lọt lòng. Bác sĩ Phan Bích Vân ngậm ngùi: "Không biết có phải vì biết thân phận của mình mà tất cả các cháu đều rất dễ nuôi, sức khỏe hầu hết là tốt".

 

Linh hồn vô tội

 

29 đứa trẻ là 29 hoàn cảnh éo le, không ai giống ai. Bé Nguyễn Thị Thu Thủy, bố chết vì HIV, mẹ nghiện ngập, không ai quan tâm nên cô bé sớm hỗn láo. Lên TT được 3 năm, Thủy đã trở nên rất ngoan, trở thành chị thay cho các mẹ ở TT chăm sóc các em. Thủy mới 10 tuổi nhưng rất nhạy cảm, đang vui vẻ chơi đùa nhưng hễ ai nhắc đến HIV, khuôn mặt bé tối sầm lại rồi đi ra chỗ khác. Có lẽ những ngày tháng ở ngoài xã hội, bé đã nhiều lần bị xua đuổi vì căn bệnh đang mang trong mình.

 

Nhiều người tại TT này vẫn thường nhắc đến Huyền, bé được đưa lên TT từ năm 2003, bố nghiện nặng, nhiễm HIV rồi lây sang mẹ. Cả hai chết sớm để bé lại cho ông bà ngoại đã 80 tuổi, làm sao nuôi nổi. Ông bà ngoại đưa bé lên TT và tháng nào cũng lên thăm. Có thuốc thang điều trị, Huyền phục hồi nhanh chóng.

 

Bé rất đáng yêu, bụ bẫm và thông minh nhưng khi ở giai đoạn cuối, bé suy mòn rất nhanh. Các bà mẹ ở đây không thể nào quên được hình ảnh của bé trước khi mất. Bé ngồi buồn chẳng chơi với ai, không ăn gì mà chỉ đòi uống nước đá. Tiễn biệt linh hồn bé bỏng này có cả những "đại ca" giang hồ lừng lẫy, chính họ cũng không cầm được nước mắt.

 

 

Những đứa trẻ “n lần” bất hạnh! - 1
 

Những thiên thần vô tội

 

Tại đây, chúng tôi đã gặp Lâm Uyển Nhi, cô đã từng là người mẫu sáng giá, là hoa hậu xứ biển Nha Trang, sau những tháng ngày đen tối sai lầm. Sau thời gian cai nghiện, cô đã tình nguyện ở lại, an phận và hạnh phúc thực sự với vai trò của một người mẹ chăm lo cho từng bữa ăn giấc ngủ  của những đứa trẻ.

 

Cùng với Uyển Nhi còn có 13 cô gái khác cũng là học viên TT, nhiều người trong đó đã quyết định sẽ ở đây cho đến cuối đời.

 

Đến trường là điều "xa xỉ"!

 

Sẽ là không quá đáng nếu gọi những đứa trẻ tại TT này là "những đứa trẻ n lần bất hạnh". Trong số 29 trẻ tại TT, có 15 em đến tuổi đi học. Nhưng tất cả các em đều không được đến trường. Chuyện học hành là điều xa xỉ.

 

"Đây cũng là mối quan tâm và lo ngại lớn của chúng tôi", bà Phương cho biết. Việc học hành của những đứa trẻ tại TT đã được tính đến cách đây vài năm nhưng đều bị hoãn lại bởi cách nhìn nhận của xã hội về căn bệnh HIV còn nhiều định kiến. Người ta không chịu cho trẻ nhiễm HIV học chung... Mà lớp riêng, trường riêng thì chưa có.

 

"Năm học 2005-2006, chúng tôi có văn bản gửi phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, trường tiểu học địa phương đặt vấn đề xin đi học cho trẻ tại TT. Phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường tạo điều kiện cho trẻ đi học nhưng lại vướng bởi... phụ huynh. Trong nhiều buổi nhà trường lấy ý kiến, đã có phụ huynh phát biểu: "Trẻ con không ý thức được, nhỡ chúng nó đùa nhau lây sang con nhà tôi thì ai chịu trách nhiệm? Nhiều phụ huynh còn doạ rằng nếu nhà trường đưa trẻ ở TT vào học thì phụ huynh sẽ cho con... chuyển trường" - Bà Phương nói!

 

Luật đã quy định nhưng không thể thực hiện một cách áp đặt. "Đó là cái khó của chúng tôi và cũng là cái khó của nhà trường, dù chúng tôi rất muốn và bản thân các cháu cũng có nguyện vọng". Cũng vì những trở ngại như vậy mà hầu hết các bé trong độ tuổi đi học đã bị nhỡ lớp từ 1-2 năm, cá biệt như bé Nguyễn Thu Thuỷ là 5 năm.

 

Trong thời gian chờ đợi xã hội chấp nhận, các bé đã được các mẹ ở đây dạy đọc, viết, làm toán. Chị Minh, người được giao phụ trách giáo dục khoe: "Tự mua sách, tự soạn giáo trình không giống ai nhưng các cháu rất thích học và tiếp thu rất tốt, nhiều cháu đã biết đọc, làm tính".

 

Tìm một cậu bé có khuôn mặt rất sáng tên là Triệu Anh Tú, 8 tuổi, tôi lân la hỏi chuyện:

 

- Bây giờ chú đố con nhé, 2 cộng với 2 bằng mấy?

 

- Dạ bằng 4, chú đố khó khó đi - Bé cười nhe hàm răng sún

 

- Thế 5 cộng 8 bằng mấy?

 

- Dạ bằng 13.

 

Chị Minh đưa một tập truyện tranh cho bé bảo đọc cho các bạn nghe, bé đọc rất sõi,  nhiều bé ê a đọc theo.

 

Chúng tôi cần xã hội chung tay

 

Một cuộc điều tra mới đây cho thấy, cả nước ta hiện có khoảng 8.500 trẻ em nhiễm HIV và khoảng 22.000 trẻ em mồ côi do cha mẹ mất vì AIDS. 

 

Hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang bị kỳ thị, đối xử rất nặng nề, đa số không được đến trường, thất học, không được tham gia các hoạt động giáo dục...

Việc học của trẻ nhiễm HIV tại TT là một vấn đề không thể làm ngơ. Đã có ba phương án được vạch ra, thứ nhất là thông qua tuyên truyền vận động để các bé được đến trường như bao trẻ em bình thường khác. Thứ hai, nhà trường sẽ bố trí cho các em một lớp học riêng, tuy không chung lớp nhưng cùng chung một sân trường. Phương án ba, TT sẽ mở 1 lớp học để đưa các giáo viên vào dạy.

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nguyện vọng của các cán bộ ở TT là muốn các bé được học tại trường như trẻ bình thường. Ở đó, các bé sẽ có một không gian trường lớp thực sự giúp phát triển trí tuệ và các tố chất khác. Cũng vì thế mà trong thời gian qua, TT liên tục mở các đợt tuyên truyền vận động như cho các bé giao lưu với trẻ bình thường. Ánh mắt của nhiều phụ huynh nhìn những đứa bé vô tội này đã bớt gay gắt hơn. Năm học mới đã sắp bắt đầu, những rào cản liệu có được gỡ bỏ?

 

Cả 3 phương án đều khó và không ai dám hứa hẹn sẽ thành công. Ngay cả khi một trong 3 phương án được thực hiện thì trung tâm này vẫn phải đối mặt với một rào cản không kém phần ghê gớm: Kinh phí! Xin đâu ra tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ mồ côi ở đây? Rất cảm động là các cán bộ, thầy thuốc ở đây đã tính đến việc dùng khoản tiền thưởng từ một đề tài khoa học để lo cho các bé những việc trước mắt như mua sắm sách vở, giấy bút. Nhưng còn sau đó chưa biết tính sao!

 

Nguyễn Thái Sơn