1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những đứa trẻ mang “dòng máu tử thần”

(Dân trí) - “Mỗi khi chứng kiến những cái chết đau lòng, tôi lại muốn đi tìm công việc mới thanh thản hơn. Nhưng nhìn những gương mặt thơ ngây đã sớm phải gánh chịu nỗi đau của căn bệnh thế kỷ, tôi quyết định ở lại chỉ mong xoa dịu phần nào cho các em”.

Đó là lời tâm sự từ đáy lòng của chị Thu Tân ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV Tam Bình (TPHCM).

 

Nỗi đau căn bệnh thế kỷ

 

Ngay khi còn nằm trong bụng mẹ hoặc vừa mới sinh ra, những đứa trẻ nhiễm HIV đã bị tuyên án “tử hình”. Những đứa trẻ vô tội phải trả giá, gánh chịu cho những sai lầm sa ngã của cha mẹ. Mồ côi khi vừa mới sinh ra, bị người đời xa lánh, kỳ thị, đó là những gì mà các em đang phải gánh chịu. Cuộc đời của các em dường như đã khép lại ngay khi mới bắt đầu. 



Những đứa trẻ mang “dòng máu tử thần”  - 1

Thiên thần nhỏ không có một giấc ngủ trọn vẹn từ khi mới sinh ra đời.

 

Chúng tôi đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình 2, tận mắt chứng kiến một cảnh tượng cảm động: Những đứa trẻ nhiễm HIV được đón nhận, được cho một mái ấm và cao hơn cả là tình yêu thương của người cha người mẹ thứ hai có tấm lòng nhân ái tại trung tâm này.

 

Đã 33 năm gắn bó với các em tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình 2, chị Trần Thị Thu Tân trải qua bao kỷ niệm với trung tâm này. Hiện đang là Trưởng phòng quản lý giáo dục nên chị hiểu hơn ai hết về nỗi đau mà các em phải gánh chịu.

 

Chị Tân cho biết: “Đa số các em đến đây từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng đều trong tình trạng da bọc xương. Có nhiều trẻ sơ sinh khi vào đây mụn mọc đầy người nhìn rất đáng thương. Những em như vậy đòi hỏi phải có sự chăm sóc đặc biệt. Cũng có nhiều em khi chuyển vào bị sốt rất cao, các cô đã thay nhau thức cả đêm để chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh để xử lý kịp thời”.

 

Mỗi lần kiểm tra những em nhiễm bệnh ở vào giai đoạn cuối và biết các em sắp phải “kết thúc” cuộc sống, lòng các cô bảo mẫu như thắt lại. “Mỗi khi chứng kiến những cái chết đau lòng tôi muốn đi tìm công việc mới thanh thản hơn nhưng nhìn những gương mặt thơ ngây đã sớm phải gánh chịu nỗi đau căn bệnh thế kỷ tôi quyết định ở lại chỉ mong xoa dịu phần nào cho các em”, chị Tân tâm sự.
 
Những đứa trẻ mang “dòng máu tử thần”  - 2
Tình thương là phương thuốc thần diệu...

 

Không chỉ đau đớn về thể xác mà nỗi đau tinh thần của các em mới chính là điều mà các cô bảo mẫu lo lắng nhất. Ngoài những em sơ sinh còn quá nhỏ chưa hiểu biết, những em đã hiểu được căn bệnh đang mang trong người khó tránh khỏi mặc cảm. Chỉ có những tấm lòng thương yêu, chia sẻ mới có thể xoa dịu niềm đau ấy.

 

Nơi ấy, tình thương là vô tận

 

Nhắc tới căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ai cũng cảm thấy ghê sợ. Nguy hiểm, sợ hãi là vậy nhưng ngày ngày tập thể các cô tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình 2 vẫn coi đó như một công việc “bình thường” của mình vì trong mỗi con người ấy luôn tràn đầy nhiệt huyết, sự đồng cảm và tình yêu thương.

 

Để phòng tránh những nguy cơ lây nhiễm cao, các cô bảo mẫu tại trung tâm đều được qua một khoa huấn luyện và có những quy định cụ thể để hạn chế rủi ro khi tiếp xúc với các em mang bệnh. Quy định là vậy, nhưng trong nhiều trường hợp phải phá bỏ nội quy bởi nó giống như bức tường ngăn cách tình yêu thương mà các cô dành cho các bé bất hạnh.

 

Chị Trần Thị Mỹ Lan - hiện đang là trưởng nhóm chăm sóc các bé sơ sinh - chia sẻ: “Nhiều lần chứng kiến các bé chết trước mặt mình mà không giúp được gì, những lần như vậy tôi khóc rất nhiều, tôi cảm thấy sao số phận con người quá mong manh nhất là với các em nhỏ vô tội. Tuy không phải là máu mủ ruột thịt nhưng tôi coi chúng như con, mỗi đứa mất đi là một niềm đau không thể xóa”. 
 
Những đứa trẻ mang “dòng máu tử thần”  - 3
Chăm sóc trẻ bị viêm phổi.

 

Không chỉ các em nhiễm bệnh phải chịu sự kỳ thị mà chính các cô bảo mẫu cũng chung nỗi niềm ấy. “Trước đây sự kỳ thị của mọi người với những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn rất nặng nề. Họ cứ nghĩ chỉ cần tiếp xúc với người bệnh là có thể lây nhiễm, nghe tôi nói làm việc ở trung tâm chăm sóc trẻ em nhiễm HIV bạn bè đều e ngại khi tiếp xúc và dần xa lánh”, chị Lan tâm sự.

 

Nhưng thời gian cũng khiến nhiều người thay đổi quan niệm và có cái nhìn đúng đắn hơn về những người nhiễm bệnh và cả những người làm công việc chăm sóc. Cộng đồng đã cùng chung tay xoa dịu phần nào nỗi đau mà các em nhỏ vô tội đang phải gánh chịu.

 

Những ước mơ trong ngày Tết Thiếu nhi

 

“Con muốn được đi học như các anh chị, con muốn làm cô giáo mầm non, con muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người... nhưng không biết có sống được tới lúc đó không?”, câu nói vô tình bật ra từ một bé làm lòng tôi như thắt lại. Tôi thấy sâu trong ánh mắt trẻ thơ kia là những nỗi niềm tủi phận.
 
Những đứa trẻ mang “dòng máu tử thần”  - 4

 

Hiện Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình 2 có 6 em đang được cho theo học tại các trường bên ngoài cùng với trẻ khỏe mạnh để có sự hòa đồng, bình đẳng. Nhưng để đạt được điều đó là cả một quá trình vận động và nhiệt tình ủng hộ của tất cả những người có tấm lòng, có tình thương yêu với các bé. Điều làm mọi người vui nhất là thành tích học tập của các em đều đạt loại khá giỏi, trong đó có những em 6 năm liên tiếp là học sinh giỏi. 

 

Ngày 1/6 không chỉ mang ý nghĩa là Tết Thiếu nhi mà còn là ngày sinh nhật của tất cả các em và các cô trong trung tâm. Mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo để đón mừng ngày này. Những điều ước được các em ấp ủ từ lâu chỉ chờ đến dịp này để thổ lộ. Xin chúc cho các em có sức khỏe để những ngày tháng còn lại thật tươi đẹp và nhưng ước mơ đó luôn là động lực để các em vươn lên chiến thắng “tử thần”.
 
Những đứa trẻ mang “dòng máu tử thần”  - 5
Mấy ai không rơi nước mắt khi nhìn gương mặt vô hồn này của một em bé bị bại não (Trung tâm Tam Bình 1)

 

Rời cơ sở 2, chúng tôi ghé thăm cơ sở Tam Bình 1 nơi có nhiều em bị bại não đang phải sống đời sống thực vật. Cuộc sống của các em như “ngọn đèn trước gió”. Ngày 1/6, Tết của thiếu nhi, nhưng em vẫn nằm đó, vô hồn. Chúng tôi rơi nước mắt khi nhìn các em!

 

Trung Kiên