1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm

(Dân trí) - Rằm Trung thu, đứa trẻ nào cũng nhận được những món quà ấm áp tình thương yêu từ ông bà, bố mẹ; ăn bánh nướng, rước đèn trông trăng… Nhưng ngay tại Hàng Mã (Hà Nội), khu phố nhộn nhịp nhất Thủ đô dịp Trung thu, vẫn có những đứa trẻ không hề biết đến ngày rằm.

Đó là Tú, 10 tuổi, quê Phú Thọ, ra Hà Nội với mẹ được 3 năm, từng đi học ở lớp học tình thương 13 Ngô Văn Sở. Đó là Long, quê Thanh Hoá với khay kèn trên tay, ngày thường vẫn đánh giày cùng 4 người anh em, dịp gần tết Trung thu thì ra Hàng Mã bán đồ chơi… Đó là rất nhiều em nhỏ ngày ngày kiếm ăn dọc các con phố Hà Nội…

 

Vì gánh nặng của cái nghèo, vì miếng cơm manh áo, trong ngày vui của thiếu nhi, nhiều em nhỏ không niềm vui, với nỗi lo phải kiếm được tiền cho bữa cơm ngày mai. Giáp ngày rằm tháng 8, trời mưa bão, Long lo lắm vì khay đồ chơi vẫn đầy nguyên, biết có bán hết trước tối 15 âm lịch, hay đành lỗ vốn?!

 

Tôi cũng chỉ là một người bình thường, muốn giúp tất cả các em một điều gì đó nhưng khả năng có hạn. Thôi thì, cũng như một cách giúp đỡ các em nhắn nhủ ai đó ngày mai còn mua đồ chơi thì mua giúp các em một món và xin đừng mặc cả, coi như một lần mua hàng bị đắt, thiệt thòi vài nghìn…

 

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm - 1
 

Ánh mắt ngây thơ nhưng đã sớm vội lo toan.

 

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm - 2

Kèn kêu to lắm, mua giùm tớ một cái đi!

 

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm - 3

Vội bán hàng dưới mưa cho kịp hết hàng.

 

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm - 4

Trung thu của các em, nhưng chính các em bé lại bán đồ chơi cho các anh chị lớn.

 

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm - 5

Bao giờ em mới có người đưa đi chơi Trung thu như chị?

 

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm - 6

Ánh mắt ngạc nhiên của cô bé như muốn hỏi tại sao bạn không về nhà vui Trung thu mà lại đứng bán hàng trong mưa thế này?

 

Những đứa trẻ không ánh trăng rằm - 7

Bữa tối tranh thủ của Hằng, 12 tuổi, quê Triệu Sơn (Thanh Hoá). Hằng cùng mẹ ra Hà Nội được 2 năm nhưng em đã có "thâm niên" bỏ học được 4 năm vì nhà nghèo.

 

Bài và ảnh: V.Hưng