1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những đứa trẻ có lớn mà không khôn

(Dân trí) - P.H học lớp 5 nhưng chỉ biết tính cộng trừ những con số dưới 10, đánh vần còn rất khó khăn. Q.D thì run lập cập khi gặp khách lạ, 10 tuổi mà chẳng biết ăn món gì ngoài cơm muối vừng, không thể tự mình ăn cơm dù tay chân hoàn toàn khỏe mạnh…

Cha mẹ sĩ diện thiệt thòi cho con

P.H và Q.D chỉ là 2 trong hàng chục đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ đang theo học tại trường giáo dục chuyên biệt Hồng Phúc (huyện Bình Chánh, TPHCM). Với bệnh trạng của mình, các em rất khó hòa nhập vào môi trường giáo dục bình thường, nhưng vì thiếu kiến thức và sĩ diện, cha mẹ các em cố cho con đến trường cho “bằng bạn bằng bè” nhưng thực tế là đang đẩy trẻ vào thế bị động, càng khiến hội chứng tự kỷ của trẻ ngày càng nặng nề.

Những đứa trẻ có lớn mà không khôn
Trẻ tự kỷ cần được chẩn đoán để xác định đúng trở ngại mà các em mắc phải để có phương pháp giáo dục phù hợp

Như P.H (13 tuổi), biểu hiện rất lanh lợi trong sinh hoạt nhưng khả năng đọc và tính toán của em rất kém, không thể theo kịp chương trình học bình thường trên trường. Vì sĩ diện, bố mẹ vẫn cho em học tại các trường hòa nhập bình thường và em vẫn được thầy cô cho lên lớp để… em đỡ tủi.

Đến năm P.H 12 tuổi thì em lên lớp 5 nhưng đến phép tính 2 con số cũng không biết làm, khả năng đọc chỉ mới dừng ở mức… đánh vần. Lúc này, em có biểu hiện đặc biệt không thích đến trường thì bố mẹ mới bắt đầu… nhìn lại, đưa em đi thăm khám tìm cách chữa trị chứng tự kỷ và cho em đến trường giáo dục chuyên biệt Hồng Phúc để học tập.

Còn Q.D (9 tuổi) là 1 cậu bé rất bảnh bao, thanh tú và lanh lợi. Nhưng Q.D có chứng sợ người lạ nên khi tiếp xúc quá gần với người lạ là em co rút lại, núp 1 vào góc phòng mà run. Em cũng có sở thích ăn uống quái gở là chỉ ăn được cơm muối vừng, ăn bất kỳ thứ gì khác là nôn ra hoặc không chịu ăn.

Cô Tăng Thị Thùy Vân, Hiệu phó trường Hồng Phúc cho biết: “Trẻ tự kỷ thường làm việc theo thói quen. Có lẽ do cha mẹ thấy em ăn được món này, khi cho ăn món khác thì khó nên cứ cho ăn mãi một món thành thói quen. Khi muốn cho em ăn món khác thì cơ thể em phản ứng tự nhiên, tuyệt đối cự tuyệt”.

Về việc sợ người lạ thì theo cô Vân là do gia đình ít cho em tiếp xúc với người lạ. Bởi bố mẹ biết em “có tật” nên không muốn cho người xung quanh biết. Thậm chí có đưa con đi khám chữa ở đâu thì họ cũng dấu diếm đưa đi thật xa nên dần dà đứa trẻ tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, trở nên sợ hãi với tất cả những điều mới lạ, đặc biệt là người lạ.

Can thiệp sớm giúp trẻ tự lập tốt

Khi kể về những đứa trẻ trên, cô Vân đều không tránh khỏi cảm thán vì chính sự thiếu hiểu biết của cha mẹ khiến bệnh trạng của các bé càng trở nặng. Cô cho biết: “Có em đã 18 tuổi rồi gia đình mới chấp nhận là em mắc chứng này và đưa đến trường. Nhưng lúc này thì có thể làm được gì nữa, trường chỉ có thể cố gắng tối đa để dạy em cách sinh hoạt, đi đứng và bảo vệ mình chứ không thể cải thiện trí lực của trẻ. Nếu em được can thiệp ngay từ đầu thì tốt quá!”.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt trường ĐH Sư phạm TPHCM thì đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây chứng tự kỷ và không có cách chữa. Tuy nhiên, theo chứng cớ khoa học thì các phương pháp can thiệp có thể cải thiện chất lượng sống của người mắc chứng tự kỷ, giúp người đó tự lập và giảm các khiếm khuyết xã hội, giao tiếp và hành vi.

Những đứa trẻ có lớn mà không khôn
Theo kinh nghiệm nước ngoài, can thiệp sớm bằng liệu pháp giáp dục vẫn là cách tốt nhất để giúp trẻ tự kỷ phát triển bản thân, hòa nhập với xã hội

Phương pháp can thiệp tốt nhất hiện nay vẫn là can thiệp giáo dục. Theo kinh nghiệm thế giới thì tốt nhất là can thiệp sớm trước ba tuổi mà không chờ chẩn đoán chính xác; can thiệp tích cực với thời gian ít nhất là 25 giờ/tuần với các liệu pháp như: giáo viên kèm cặp học sinh, cho trẻ tương tác với trẻ bình thường, tổ chức phòng học phù hợp với bệnh trạng từng trẻ để trẻ tập trung tốt, đánh giá tuổi phát triển thực tế của trẻ để có chương trình giáo dục phù hợp…

Cô Vân cho rằng: “Nếu trẻ được học nội trú tại trường thì càng tốt hơn. Vì đặc trưng của trẻ tự kỷ là học khó nhớ nhưng quên rất nhanh. Có một số trường hợp, trường đã dạy cho trẻ cách thức sinh hoạt phù hợp, chiều gia đình đón về thì cha mẹ bé cứ quen nếp cũ, không yêu cầu trẻ phải sinh hoạt đúng cách. Sáng mai quay trở lại trường, giáo viên phải dạy lại nên trẻ rất khó tiến bộ”.

Cô Vân đúc kết: “Để giúp trẻ tự kỷ học tập và tự lập, cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phụ huynh. Đặc biệt là cha mẹ phải tự nhận thức đúng về con mình để có thể can thiệp sớm, giúp trẻ sớm hòa nhập với đời sống bình thường”.

Tùng Nguyên