1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Những dòng sông sắp “tắt thở” do khai thác vàng trái phép

(Dân trí) - Sự cố vỡ đập thải của Công ty 6666 ở mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh làm cá chết khiến dân bức xúc cũng chỉ là giọt nước tràn ly, vì lâu nay hệ thống sông Trà Sung, Bồng Miêu, Sông Tiên và nhiều khúc sông khác cùng trên hệ thống này đã ô nhiễm rất nặng.

Từ cầu sông Tiên ngay trung tâm huyện Tiên Phước, không khó để nhận thấy dòng sông này đục quanh năm. Sông Tiên chảy ngược từ Đông sang Tây, bắt nguồn từ khu vực mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.

Khu vực đầu nguồn thuộc sông Bồng Miêu bị ô nhiễm nặng nề từ việc khai thác khoáng sản trái phép
Khu vực đầu nguồn thuộc sông Bồng Miêu bị ô nhiễm nặng nề từ việc khai thác khoáng sản trái phép

Những ngày qua, việc Công ty CP Tập đoàn khoán sản công nghiệp 6666 (Công ty 6666) làm vỡ đập xả thải chỉ là một trong những nguyên nhân chính làm cá chết và ô nhiễm trên sông Bồng Miêu.

Từ khu vực Bồng Miêu, có hai nhánh sông là sông Trà Sung và Bồng Miêu. Hai con sông nhỏ này nhập vào con sông gọi là sông Quế Phương chảy về phía Tây, đến huyện Tiên Phước thì được gọi là sông Tiên.

Dòng sông Quế Phương đang bị ô nhiễm nặng nề
Dòng sông Quế Phương đang bị ô nhiễm nặng nề

Ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, ngoài Công ty 6666 xả thải, những người khai thác vàng trái phép cũng là một nguyên nhân chính khác làm ô nhiễm nặng hệ thống sông này. Mỗi ngày, có cả chục, thậm chí nhiều lúc cao điểm có hàng trăm “quặng tặc” chui rúc trong các hầm lò khai thác trái phép.

Họ dùng bơm áp lực cao xịt vào núi, bùn sẽ trôi ra suối chảy xuống sông. Quặng họ xay nhuyễn và dùng cyanua lắng vàng rồi cũng thải xuống sông. Tất cả đều đổ xuống sông nên các con sông này không thể không ô nhiễm.

Các đống xái quặng lộ thiên bốc mùi hóa chất
Các đống xái quặng lộ thiên bốc mùi hóa chất

Đi bộ dọc hai bên bờ sông Quế Phương đoạn giáp ranh giữa xã Tam Lãnh và xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước), chúng tôi chứng kiến nhiều đống đất, xái quặng thải đổ tràn lan ra mặt đất, có đống chất cao như gò đồi và bốc mùi hóa chất, còn dưới con sông Quế Phương thì đục ngầu, vàng chóe, chứng tỏ nguồn nước sông đang bị ô nhiễm nặng nề.

Anh Ng.V. T. (40 tuổi), một người dân địa phương bức xúc: “Việc tuyển quặng vàng dọc sông Quế Phương khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân sinh sống ở đây. Bà con ở đây phải mua ống dây dẫn nước từ các khe suối trên núi cách xa nhà hàng trăm mét để dùng cho sinh hoạt gia đình”.

Một đống quặng xái bên dòng sông Quế Phương
Một đống quặng xái bên dòng sông Quế Phương

Vấn đề ô nhiễm sông Quế Phương, cử tri huyện Tiên Phước rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ngày 15/3, ông Nguyễn Chính – Phó Chủ tịch HĐND huyện Tiên Phước – đã ký báo cáo gởi Thường trực HĐND, UBND và Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam về việc khai thác, chế biến khoáng sản vàng gây ô nhiễm nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo, tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép ở khu vực giáp ranh hai xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và Tiên Lập (huyện Tiên Phước) gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước hai con sông Quế Phương và sông Tiên làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân huyện Tiên Phước.

Lực lượng chức năng truy quét, tiêu hủy lán trại của những đối tượng khai thác trái phép
Lực lượng chức năng truy quét, tiêu hủy lán trại của những đối tượng khai thác trái phép

Huyện Tiên Phước cũng đã gửi văn bản đến huyện Phú Ninh và Sở TN-MT để phối hợp truy quét “vàng tặc” nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Huyện Tiên Phước cũng nhiều lần tổ chức truy quét các đối tượng làm vàng trái phép tại xã Tiên Lập, tình hình đã lắng xuống.

Nhưng từ sau Tết Nguyên đán, các đối tượng hoạt động khai thác vàng rầm rộ trở lại ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu khiến con sông Quế Phương và sông Tiên ô nhiễm nặng nề.

Đặc biệt hơn, sông Tiên là nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trên địa bàn khiến người dân càng lo lắng, bất an, không thể yên tâm sản xuất… Gần đây trên các diễn đàn xã hội, người dân huyện Tiên Phước đề nghị di dời nhà máy nước đến nơi khác để người dân được dùng nước sạch vì con sông Tiên đã quá ô nhiễm.

Trước tình hình trên, huyện Tiên Phước đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép thôn Bồng Miêu và khu vực giáp ranh giữa xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước) và Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường tại địa phương.

Công Bính