1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những đồng lương tủi cực và hệ luỵ của việc lương không đủ sống

(Dân trí) - Vô số những câu chuyện rơi nước mắt được kể tại hội thảo về thu nhập của ngành may ở Việt Nam hòng tìm ra giải pháp cho một mức lương “đủ sống”, do các tổ chức vận động phát triển thực hiện chiều 11/4.

Chỉ dám về quê thăm con 6 tháng/lần

Chị Minh, 39 tuổi, đang sống và làm việc ở một tỉnh nông nghiệp miền Bắc. Nhà máy nơi chị làm việc sản xuất các sản phẩm váy và áo khoác cho các thương hiệu thời trang toàn cầu. Trong sáu ngày làm việc một tuần và ít nhất 9 giờ làm việc mỗi ngày, chị Minh may tay áo cho khoảng 500 áo khoác/ngày, kiếm được khoảng 21.000 đồng/giờ (gần 1 USD).

Chị Minh đã kết hôn, nhưng chồng mất khả năng làm việc do bị bệnh mãn tính. Chị trở thành người có thu nhập duy nhất trong gia đình, lo cho cả mẹ chồng và con trai. Vì vậy, chị không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc làm thêm giờ mỗi ngày để kiếm đủ tiền cho gia đình. Với chị Minh, mối quan tâm lớn nhất là gia đình. Cuộc sống sẽ như thế nào nếu chị bị ốm và không thể làm việc? Là người có thu nhập duy nhất, điều này gây áp lực lớn cho chị, khiến chị và gia đình dễ bị đẩy vào vòng nghèo đói.

Kể câu chuyện của chị Minh, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam nhận định, tình cảnh như nữ công nhân may này không hiếm. Phần lớn các công nhân may ở Việt Nam đều đang làm việc quá sức, bị trả lương thấp và hiếm khi được tận hưởng cuộc sống.

Những đồng lương tủi cực và hệ luỵ của việc lương không đủ sống - 1

Dệt may mà ngành có mức thu nhập thấp nhất trong số 7 lĩnh vực sản xuất công nghiệp được khảo sát 

Nghiên cứu khác của Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) từ những khảo sát tại các khu công nghiệp tại Hải Phòng, Đồng Nai cho thấy, lương cơ bản của công nhân ngành may hiện thấp hơn mức sống tối thiểu của người lao động. Mức đáp ứng cao nhất của tiền lương với nhu cầu sống chỉ là mua thực phẩm cho đủ no (chưa phải là thực phẩm có dinh dưỡng). Với các nhu cầu đi lại, quần áo, học hành, mức độ đáp ứng của lương chỉ ở mức trung bình (tạm đủ). Với các nhu cầu như “nghỉ hè”, “đi chơi” thì tỷ lệ gần như không thể đáp ứng lên tới 76%.

Một công nhân tại Hải Dương kể: “Con tôi đang sống ở quê với mẹ tôi. Tôi thường về quê với con khoảng 6 tháng/lần.  Đi về nhà tôi mất đến 10 giờ ngồi ô tô, trong khi tôi chỉ có 1 ngày nghỉ/tuần nên tôi không hay về thăm con được. Tất cả những gì mà tôi muốn là làm việc nhiều nhất có thể, và khi đó tôi sẽ có tiền để gửi về nhà”.

Lương cơ bản quá thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống là lý do chủ yếu nhất khiến công nhân may luôn phải làm thêm, phải tăng ca vì với họ, làm thêm giờ càng nhiều càng tốt để đủ tiền nuôi sống bản thân và gia đình, con cái.

Một công nhân khác ở Đồng Nai cũng than, thật ra tâm lý chung không ai muốn tăng thêm giờ làm vì đứng cả ngày đã đủ mệt nhưng tăng ca là tăng thêm thu nhập. Nếu không tăng ca thì lương quá thấp, không đủ sống.

Nữ công nhân khác rớt nước mắt kể: “Càng tăng ca nhiều thì càng không thể hoàn thành nhanh công việc. Thời gian làm năng suất nhất là buổi sáng và chỉ có thể duy trì đến 3-4h chiều. Thời gian tăng ca căng thẳng nhất, dễ sai hỏng và làm hỏng hàng sẽ phải ở lại xin lỗi khách hàng và làm lại cho đến khi xong mới được về”.

Thống kê cho thấy có những công nhân có số giờ làm thêm tới 110 giờ/tháng (tức làm thêm gần 4 giờ/ngày, không có ngày nghỉ).

Nữ công nhân ở Hải Dương kể tiếp, có đợt tăng ca nhiều đến mức trong 3 tháng cô sụt đi 10kg, người gầy sọp đi, mắt mờ đi trông thấy. “Bọn em thường nói với nhau “Công nhân đi làm khi chó còn chưa dậy, về khi chó đã ngủ rồi” để biết làm nhiều như thế nào” - cô cho biết, có những lần làm kéo dài suốt 32 giờ, tức sau 1,5 ngày làm việc không ngủ mới được rời xưởng về nhà.

Tỷ lệ làm thêm giờ lên tới gần 80% với những công nhân đã lập gia đình, vì áp lực cuộc sống quá lớn. Một người lao động ở Đồng Nai nhớ lại lúc con gái mới được 8 tháng, còn đang bú sữa mẹ, chị phải vắt sữa để ủ lạnh cho con bú và cho ăn thêm sữa ngoài. Nhưng dùng sữa ngoài không quen, cháu bé đau ốm. Mà con đau ốm thì không đi làm được, lương không bao nhiêu, bị trừ hết các khoản phụ cấp, bị nói nặng không ra gì, bị ép làm những công việc không phải việc của mình… Sau cùng chị phải xin nghỉ.

“Công nhân thường ở trong tình trạng sống “giật gấu vá vai”, chưa hết tháng đã hết tiền. Em thường sống tiết kiệm lắm, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu nhưng có lần con ốm, phải lên Bệnh viện Nhi trên Hà Nội khám, mất hơn 2 triệu. Tháng đấy đến tiền ăn nhà em cũng không đủ, phải đi vay. Nghĩ lại em thấy sao cơ cực quá” – một công nhân khác tại Đông Anh, Hà Nội thốt lên.

Lương tối thiểu tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 37% Sàn lương châu Á

Những đồng lương tủi cực và hệ luỵ của việc lương không đủ sống - 2

Đại diện các tổ chức thực hiện các nghiên cứu và báo cáo về vấn đề lương công nhân dệt may Việt Nam

Nói về thực trạng trả lương của ngành may và những rào cản để người lao động có mức lương đủ sống, ông Lê Đình Quảng – Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khái quát, những năm qua, tiền lương, thu nhập dù có tăng nhưng đời sống của đa phần công nhân vẫn không được cải thiện đáng kể. Thực tế, chỉ 17% công nhân thu nhập đủ để có chút ít tiết kiệm, trong khi 26,5% phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ và vẫn còn 12,5% không đủ sống, phải làm thêm.

Theo đó, 37% số công nhân luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè, người thân để bù lấp thiếu hụt chi tiêu, 68% hiếm khi hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh sau giờ làm, 96% không bao giờ đi ăn hàng…

Ông Quảng cho biết, trong 7 ngành được khảo sát thì ngành may có mức lương thấp nhất. Vậy nên cái giá phải trả cho phát triển dệt may, ngành được coi là cứu cánh của nền kinh tế vì mức sử dụng lao động cao, tạo việc làm lớn, theo ông… đầy cay đắng.

“Thống kê của cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là 7 triệu đồng/tháng/công nhân may nhưng thực tế đó chỉ là kết quả khảo sát tại 20 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành. Còn lại hầu hết tình cảnh chung của công nhân may là tiền lương chỉ vừa đủ sống, thậm chí không đủ sống. Cuộc sống của hầu hết các gia đình công nhân đều rất khó khăn, tỷ lệ người lao động hài lòng với cuộc sống rất thấp, chỉ 17%. Theo đó, dệt may hiện trở thành ngành bất ổn nhất với tỷ lệ cao công nhân bỏ việc, số lượng các vụ đình công cũng lớn nhất” – ông Quảng nhấn mạnh, đây thực sự là vấn đề cần quan tâm.

Báo cáo của Oxfam nêu vấn đề, mức lương tối thiểu theo quy định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức lương một người cần để trang trải các chi phí cần thiết như thực phẩm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ngay cả khi mức lương mà hầu hết công nhân may kiếm được cao hơn mức lương tối thiểu thì cũng chưa bằng mức lương được coi là lương đủ sống. Mức lương tối thiểu trung bình quốc gia tại Việt Nam là 3,34 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 37% mức lương của Sàn lương châu Á và 64% mức lương của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu tính cho Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều ví dụ cho thấy, tăng lương tối thiểu hàng năm không giúp cải thiện bao nhiêu điều kiện sống của người công nhân vì mức độ tăng giá tiêu dùng và hành vi “bớt xén thu nhập” của doanh nghiệp sử dụng lao động như nâng định mức lao động lên, giảm tiền phụ cấp… để sau cùng, thu nhập của người lao động luôn chỉ cao hơn mức lương tối thiểu đôi chút.

Cái giá của tiền lương không đủ sống dễ thấy nhất là nhiều công nhân bày tỏ cảm giác tự ti trong cuộc sống. Cuộc sống của nhiều gia đình công nhân chỉ bó hẹp trong công việc với mong đợi kiếm thêm thu nhập. Họ phải hy sinh mọi nhu cầu, mong muốn và ước mơ khác để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu hàng ngày như ăn uống, nhà ở, điện nước. Nhiều công nhân có kế hoạch và ước mơ cho tương lai, nhưng không nhìn thấy công việc hiện tại có thể giúp họ đạt được ước mơ như thế nào.

Đó là hệ quả day dứt nhất được nêu ra…

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm