1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Những đổi thay của “người nguyên thủy” sau nửa thế kỷ rời hang đá

(Dân trí) - Một tộc người từng sống tách biệt trong các hang đá hẻo lánh và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng sau khi được Bộ đội Biên phòng vận động “hạ sơn”, giờ đây đồng bào Rục ở miền Tây tỉnh Quảng Bình đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi và hòa nhập với cộng đồng.

Người Rục thuộc nhóm dân tộc Chứt, ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) được Bộ đội Biên phòng 585 - Cà Xèng phát hiện vào năm 1959. Lúc mới phát hiện, nhóm “người nguyên thủy” này chỉ có vỏn vẹn 34 người, họ lấy hang đá làm nhà và quần áo làm bằng vỏ cây. Cuộc sống của họ dựa vào săn bắt, hái lượm nên quanh năm bị cái đói, cái rét bủa vây và gần như đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Phải mất khá nhiều thời gian sau đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình mới vận động được nhóm người này “hạ sơn” định canh, định cư tại bản Ón, Yên Hợp và Mò O - Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa để sớm ổn định cuộc sống. Họ “miễn cưỡng” theo chân các chiến sĩ biên phòng rời hang đá về dựng lều trại dưới các thung lũng để cùng làm nương, phát rẫy. Thế nhưng, trồng trọt đối với đồng bào Rục lúc này quả là một điều quá xa lạ, họ quen với tay cầm rìu, cầm nỏ và sống một cuộc sống hoang dã chứ không quen với tay cầm cuốc, cầm xẻng. Bởi thế, nỗi nhớ rừng vẫn cứ luôn thường trực trong con người họ nên “dăm bữa, nửa tháng” nhóm người này lại quay trở lại rừng. Và mãi đến năm 1971, những người Rục cuối cùng mới chịu rời khỏi hang đá về định cư ổn định lâu dài.

Sau khi vận động được bà con đồng bào Rục rời hang đá, xuống núi, những người lính biên phòng ở Đồn Biên phòng 585 - Cà Xèng đã phát rẫy, trồng ngô, trồng sắn và làm cho đồng bào xem, chỉ cho họ cách tra hạt, nhưng “bày trước quên sau” nên sau khi tra hạt xong họ lại “phó mặc” cho trời và thú rừng phá hoại và đến mùa chẳng thu hoạch được gì.

Bộ đội Biên phòng Đồn 585 – Cà Xèng “bắt tay chỉ việc” cho đồng bào Rục trồng lúa nước
Bộ đội Biên phòng Đồn 585 – Cà Xèng “bắt tay chỉ việc” cho đồng bào Rục trồng lúa nước

Những tháng ngày sau đó, những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng 585 - Cà Xèng kiên trì vận động rồi “cầm tay, chỉ việc” để họ làm theo, quyết không để họ thiếu cái ăn và quay trở lại rừng nữa. Cùng với đó, các lớp học dạy chữ cho bà con dân bản cũng được mở ra. Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, dần dần người dân trong bản đã biết cách trồng trỉa và chăn nuôi nên đã không còn thiếu cái ăn trong những mùa giáp hạt nữa, nhiều gia đình kinh tế đã khấm khá, no đủ hơn.

Và có lẽ bước đột phá lớn nhất để thay đổi nhận thức của đồng bào Rục đó là việc đưa cây lúa nước vào trồng thử nghiệm tại thung lũng Rục Làn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vào năm 2009. Sau những ngày bám dân, bám bản, “cầm tay, chỉ việc”, đồng bào Rục ở Thượng Hóa đã quen dần với cây lúa nước. Nhờ vậy, đến nay số diện tích lúa nước đã tăng lên hơn 10ha. Bây giờ, đồng bào Rục đã dần thay đổi nếp nghĩ, và quan trọng hơn là giúp bà con thoát được cái nghèo cứ đeo bám họ hàng chục mùa rẫy qua.

và được mùa bội thu
và được mùa bội thu

Không giấu được niềm tự hào, Đồn trưởng Đồn 585 - Cà Xèng, Thượng tá Bùi Văn Tiến chia sẻ: “Thời gian đầu, dân làng vẫn không dám làm vì sợ trồng lúa nước sẽ bị trách phạt vì làm trái với tập tục “chặt, đốt, cốt, trỉa” của người Rục, nhưng bây giờ người Rục đã thạo lắm việc cày ra đường thẳng, cấy cày lúa đẹp, cầm liềm gặt nhanh tay và hạt lúa đã chất đầy bồ, no ấm đã đến với bà con”.

Thế là sau gần 50 năm rời hang đá, nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng 585 - Cà Xèng, người Rục đã tự tay làm nên những hạt lúa. Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón phấn khởi: “Đời sống của đồng bào Rục ở đây tuy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi cây lúa nước đến được với đồng bào đã làm đổi thay rất lớn trong cách nghĩ của dân bản. Bây giờ nhiều gia đình người Rục đã có lúa gạo cất trữ trong nhà và không còn lo cái đói nữa, nhiều hộ đã biết làm giàu từ việc chăn nuôi, trồng trọt”.

Cùng với đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế và đặc biệt là kéo hệ thống lưới điện vào tận sâu trong bản đã từng bước thay đổi cuộc sống, nhận thức của người dân nơi đây. Từ chỗ chỉ có 34 người sống trong các hang đá thì giờ đây đã có 100 hộ với 384 nhân khẩu.

Trẻ em đồng bào Rục đã không còn “đói” cái chữ Bác Hồ
Trẻ em đồng bào Rục đã không còn “đói” cái chữ Bác Hồ

Giờ đây, nhìn những ngôi nhà khang trang được lợp ngói đỏ dọc theo con đường bê tông vững chắc, hẳn rằng nhiều người vẫn không dám tin vào mắt mình. Một tộc người trước đây từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nay đã hồi sinh kỳ diệu và gần như đã hòa nhập được với thế giới văn minh bên ngoài. Họ đã biết trồng trọt, chăn nuôi và không còn thiếu ăn, thiếu mặc và đặc biệt nhiều gia đình đã mua ti-vi, xe máy và biết sử dụng các đồ dùng bằng điện… Không những vậy, 100% bà con dân bản đã được xóa mù chữ và biết làm phép tính với những con số phức tạp.

Đối với đồng bào Rục hiện nay, tình trạng bỏ làng để trở lại sống hang đá, di trú tự nhiên trong rừng đã không còn. Đồng bào đã tự ý thức được cuộc sống định canh định cư và giá trị của sức lao động để làm ra cái ăn, cái mặc. Họ đã từng bước “thay da đổi thịt”.

Văn Lịnh – Đặng Tài