1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBSCL:

"Mùa mưa nhờ trời, mùa khô kênh rạch cạn đến mức trẻ con có thể đá bóng"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Đến mùa mưa thì nhờ nước trời. Còn mùa khô có thời điểm kênh rạch cạn đến mức trẻ con có thể làm nơi đá bóng", lãnh đạo Sở Nông nghiệp Cà Mau trăn trở tình trạng thiếu nguồn nước ngọt.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước ngọt 

Đánh giá những khó khăn về nguồn nước tại hội nghị thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL ngày 21/9 diễn ra ở tỉnh Bạc Liêu, Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, ảnh hưởng của biến đối khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước ngọt vùng ĐBSCL đang có xu hướng giảm về trữ lượng và chất lượng.

Từ đó, gia tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt các địa phương ven biển; tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu vào đất liền.

"Hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 và 2019-2020 kéo dài gần 5 tháng, có khoảng 200 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng, dẫn đến gần 100.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt", Cục Thủy lợi dẫn chứng.

Mùa mưa nhờ trời, mùa khô kênh rạch cạn đến mức trẻ con có thể đá bóng - 1

Một con kênh nước ngọt ở Cà Mau bị khô cạn (Ảnh minh họa: H.H).

Cũng theo Cục Thủy lợi, tình trạng sụt lún đất vùng ĐBSCL gia tăng, trong đó có việc khai thác nước ngầm quá mức. "Mỗi năm mức độ sụt lún từ 0,5cm đến 3cm, trong khi đó tỷ lệ nước biển dâng khoảng 0,3cm/năm, dẫn đến ngập nước, ô nhiễm khó kiểm soát", Cục Thủy lợi đưa ra những con số đáng lưu ý.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh là một trong những địa phương ở cuối nguồn nên rất khó khăn về nguồn nước mặt sinh hoạt, buộc phải khai thác nước ngầm nhưng không phải nơi nào cũng có.

"Đến mùa mưa thì nhờ nước trời. Còn mùa khô có thời điểm kênh rạch cạn đến mức trẻ con có thể làm nơi đá bóng", ông Nam trăn trở về nguồn nước ngọt ở địa phương.

Tìm giải pháp 

Tại hội nghị, đại diện các địa phương cũng nêu ra một số bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nguồn nước.

Đại diện tỉnh Trà Vinh cho biết, việc đầu tư cấp nước chủ yếu tập trung đi theo tuyến đường giao thông quốc lộ hay tỉnh lộ, nhưng khi đào ống dẫn nước rất phức tạp.

"Nếu từ tỉnh lộ trở xuống do tỉnh quản lý thì xin phép trong vòng 3 ngày xong, còn quốc lộ phải ra tới cơ quan của Bộ Giao thông xin 3 tháng mới xong. Tuy nhiên, lại không cho tuyến ống qua cầu trên quốc lộ, trong khi ĐBSCL sông ngòi nhiều. Xã nào có cây cầu bắc ngang phải đầu tư 2 công trình tốn phí lớn, rất khó", đại diện tỉnh Trà Vinh nêu bất cập.

Mùa mưa nhờ trời, mùa khô kênh rạch cạn đến mức trẻ con có thể đá bóng - 2

Nhiều người dân ở vùng ĐBSCL phải dự trữ nước mưa để phục vụ sinh hoạt (Ảnh: H.H).

Theo đại diện tỉnh Vĩnh Long, trong tiêu chí của nông thôn mới có việc kiểm kê đánh giá nước mặt. "ĐBSCL nước dưới sông 6h sáng khác, 12h trưa khác thì sao kiểm kê được mà tỉnh nào cũng bỏ mấy tỷ để đạt tiêu chí này. Đề nghị Bộ Nông nghiệp kiến nghị Bộ Tài nguyên sửa hoặc bỏ tiêu chí này", đại diện tỉnh Vĩnh Long nêu ý kiến.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ĐBSCL là hạ nguồn, bị xâm nhập mặn, trong khi sử dụng nước ngầm là chính nên ảnh hưởng đến tương lai rất nhiều.

"Dân số ĐBSCL hiện nay hơn 17 triệu người, có khoảng 5 triệu người đang thiếu nước sinh hoạt. Đến 2030 có thể tăng dân số lên. Vùng khai thác nước mặt 30%, nước ngầm 70%. Khai thác nước ngầm càng ngày càng lún rồi bị xâm nhập mặn, vậy sau này lấy nước ngọt ở đâu, đó là vấn đề nan giải", Thứ trưởng Nam đặt vấn đề cho các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho rằng, từ 2030 trở đi phải tính toán đến phương án có đường ống dẫn nước như đường cao tốc Bắc - Nam để đưa nước từ vùng trên về.

Mùa mưa nhờ trời, mùa khô kênh rạch cạn đến mức trẻ con có thể đá bóng - 3

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: H.H).

Ông Nam cũng chia sẻ, khi bàn quy hoạch vùng ĐBSCL, có ý kiến hạn chế xây hồ chứa nước quá lớn. Do vùng này nền đất yếu, lún, nếu làm hồ lớn bao nhiêu năm phải gia cố lại và tốn kém hệ thống truyền tải nước, trong khi đất còn dành cho sản xuất.

"Chúng ta có thể xây dựng một số mô hình trữ nước cộng đồng tại từng hộ gia đình, cụm dân cư có sẵn như ao, hồ,… và vấn đề chủ yếu là công nghệ xử lý nước đảm bảo đạt chuẩn thôi", Thứ trưởng Nam gợi ý một trong những giải pháp để có nguồn nước lâu dài phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân miền Tây.