DNews

Những điểm đáng chú ý trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập với quan điểm cốt lõi "con người là trung tâm của sự phát triển".

Những điểm đáng chú ý trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 12/12 đã ký quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Con người là trung tâm của sự phát triển

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra những "cơ hội mới - giá trị mới" để phát triển thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quan điểm cốt lõi của quy hoạch xác định "con người là trung tâm của sự phát triển", với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: "Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc".

Những điểm đáng chú ý trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội - 1

Diện mạo Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại (Ảnh: CTV).

Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm

Về quan điểm tổ chức không gian, Hà Nội được xắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng, cả nước và quốc tế; gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa; phát triển hài hòa đô thị và nông thôn.

Đồng thời phát triển, khai thác có hiệu quả, hài hòa 5 không gian gồm không gian công cộng, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa - sáng tạo và không gian số.

Những điểm đáng chú ý trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội - 2

Sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của thủ đô (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo quy hoạch, sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô Hà Nội, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Không gian đô thị được phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Phát triển các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù đô thị theo định hướng giao thông (TOD), đô thị khoa học công nghệ, đô thị sân bay, đô thị du lịch...

Phát triển không gian nông thôn bảo đảm hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường; tạo điều kiện sống hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống đặc trưng; bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử.

Quy hoạch xác định, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Đồng thời, Hà Nội là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bên cạnh đó, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Mục tiêu GRDP bình quân đầu người ở Hà Nội khoảng 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.

5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế

Trong quy hoạch, 5 nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội đặt ra là bảo vệ môi trường và cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, 4 khâu đột phá gồm thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan.

Theo quy hoạch, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của Hà Nội theo mô hình 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực phát triển - 5 vùng kinh tế, xã hội - 5 vùng đô thị.

Trong đó, 5 không gian phát triển gồm không gian trên cao, không gian ngầm dưới mặt đất, không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo và không gian số.

Các hành lang, vành đai kinh tế thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia.

Những điểm đáng chú ý trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội - 3

Hà Nội sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông (Ảnh: CTV).

5 trục động lực gồm trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài, Hồ Tây - Ba Vì và trục phía Nam.

5 vùng kinh tế xã hội gồm vùng trung tâm (gồm khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng); vùng phía Đông; vùng phía Nam, vùng phía Tây và vùng phía Bắc.

5 vùng đô thị được phát triển gồm vùng đô thị trung tâm; vùng thành phố phía Tây; vùng thành phố phía Bắc; vùng đô thị phía Nam và vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ để triển khai lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Tổ chức mô hình chùm đô thị

Theo quy hoạch, hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội sẽ được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng gồm phương án phát triển các khu chức năng, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh hoạt, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp gồm huy động, sử dụng vốn đầu tư, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về bảo vệ môi trường, giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế chính sách liên kết phát triển; giải pháp quản lý, kiểm soát, phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.