1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những địa chỉ đã “mượn” xe của Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến

Cơ quan Điều tra (CQĐT), Bộ Công an đã có thông tin chính xác những địa chỉ đã nhận 34 chiếc ôtô của Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến “cho mượn”. Những chiếc xe này đều được mua bằng tiền dự án, và hành vi cho mượn vô tội vạ của các bị can đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Khi các điều tra viên lấy lời khai về việc này, Bùi Tiến Dũng thừa nhận đã ký duyệt cho mượn rất nhiều xe nhưng không nhớ rõ ông ta đã cho mượn bao nhiêu chiếc xe ôtô; không nhớ cụ thể ai là người đề xuất, ký duyệt việc cho mượn đối với từng chiếc xe.

 

Bùi Tiến Dũng chỉ thừa nhận mình đã yêu cầu nhà thầu mua chiếc xe Mercedes 2.5 biển "lộc phát" 31C-6868 (mua năm 2004) với giá 1,571 tỉ đồng trong dự án cầu Bãi Cháy, để mang lên "biếu" ông Nguyễn Việt Tiến sử dụng, nhưng vì thấy quá lố nên đi được vài tuần, Thứ trưởng Tiến sai người mang trả lại cho PMU 18.

 

Trong danh sách các đơn vị được cho mượn xe thì cơ quan Văn  phòng Bộ GTVT có 6 chiếc, mượn từ năm 1995-2001. Mục đích được PMU 18 xác định là để "phục vụ công tác quản lý chung". Trong số này, năm 1995-1997, ông Nguyễn Việt Tiến ký cho mượn 2 xe: Landcruiser (29G-6696), Nissan (31A-3808); năm 1998-2001, Bùi Tiến Dũng ký cho mượn 3 xe: Mitsubishi Pajero (31A-4220), Toyota Camry (31A-4217), Toyota Camry (31B-2179).

 

Đáng chú ý, có 1 ôtô PMU 18 cho Văn phòng Bộ GTVT mượn từ năm 1995 cho đến nay trong hồ sơ không có chữ ký của người điều động xe (Toyota Crown 29G-6714). Một đơn vị khá quan trọng là Cục Giám định, Bộ GTVT cũng được Bùi Tiến Dũng ký cho mượn 2 ôtô: Toyota Corrolla (31A-4233), Toyota Cressida (31A-3124) từ năm 1996-1998, với mục đích "để phục vụ công tác quản lý chung".

 

Đặc biệt, có 8 xe được cho mượn mà không thấy nói rõ lý do, mục đích như: Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội mượn xe Mitsubishi Pajero (31A-3790) từ năm 2000 (xe của dự án Giao thông nông thôn 1); Công an quận Đống Đa mượn xe Isuzu (31A-5545) từ năm 2004 (xe của dự án Giao thông nông thôn 2); Công an quận Thanh Xuân mượn xe Toyota Corola Altis (31A-5535) từ năm 2002 (xe của dự án QL 2).

 

Riêng ban Tả Ngạn (TP Hà Nội) không hiểu vì lý do gì cũng được cho mượn chiếc xe Isuzu (31A-5544) từ năm 2004 (xe từ dự án Nông thôn 2) và chiếc Toyota Landcruiser (31A-6226) từ năm 2004 (xe từ dự án QL 18). Còn một chiếc xe rất đắt tiền, Toyota Camry biển số  31A-6886 (nhập về năm 2005) cũng được cho Cục Đường sắt mượn mà không hề nói rõ mục đích cho mượn.

 

Trước đó, năm 2003, Bùi Tiến Dũng còn hào phóng ký luôn cho 2 tờ báo của ngành giao thông mượn 2 xe: Tạp chí Con đường xanh mượn xe Mitsubishi Pajero (29M-2847) và Báo Bạn đường mượn xe Isuzu (29M-2270) với mục đích "tăng cường năng lực công tác thông tin". Công đoàn ngành GTVT cũng được Bùi Tiến Dũng cho mượn một xe BMW (31A-4645) từ năm 1999 với mục đích để "phục vụ hoạt động công đoàn". Rồi Trường đào tạo cán bộ GTVT, Trường Cao đẳng GTVT, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ GTVT 3, Hội Cầu đường, Viện Khoa học Công nghệ GTVT... cũng được Bùi Tiến Dũng duyệt mỗi đơn vị mượn 1 ôtô với mục đích rất chung chung "tăng cường năng lực quản lý".

 

Chưa hết, Bùi Tiến Dũng còn đích thân ký cho UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) mượn một chiếc xe Isuzu (31A-4459) từ năm 2003 (xe của dự án QL 10).

 

Danh sách các sở GTVT địa phương mượn xe của Bùi Tiến Dũng gồm: Hà Tĩnh, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình.

 

Ông Mai Văn Dâu từng cho phép PMU 18 nhập khẩu 7 ôtô đắt tiền

 

7 chiếc xe tạm nhập tái xuất có giá hơn 200.000 USD là số xe năm 1995 nhập về phục vụ công tác thiết kế và giám sát thi công dự án cải tạo và nâng cấp 38 cầu trên quốc lộ 1A.

 

Cụ thể là các xe: Toyota Crown 29G-6714 giá khi mua 463,1 triệu đồng; Toyota Landcruiser 29G-6696 giá 452,1 triệu; Toyota Crown 31A-3267 giá 463,1 triệu; Honda 31A-3448 giá 250 triệu, Toyota Landcruiser 31A-3083 giá 452 triệu, Toyota Landcruiser 31A- 3240 giá 452 triệu; Toyota Hiace 31A-3084 giá 290 triệu.

 

Ngày 8/6/1995, ông Nguyễn Việt Tiến, khi ấy là Tổng giám đốc PMU 18 đã ký văn bản gửi Bộ Thương mại đề nghị được cho phép nhập khẩu. Trong công văn số 417 của PMU 18 gửi Bộ Thương mại, ông Tiến nêu: "Để có xe sớm phục vụ cho dự án Ban quản lý các dự án 18, đề nghị Bộ Thương mại cho phép Ban được nhập 7 xe trên". Chỉ sau đó vài ngày, ông Mai Văn Dâu, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Thương mại, đã ký văn bản số 1547/TM-XNK với nội dung: "Đồng ý cho Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18 - PV) được thực hiện hợp đồng nhập khẩu các xe trên".

 

Một số cán bộ làm việc tại PMU 18 lâu năm cho biết, hợp đồng mua sắm 7 xe ôtô trên với tổng giá trị khi mua (ở thời điểm năm 1995) với giá 256.700 USD là quá đắt. Một số ý kiến cho rằng ông Nguyễn Việt Tiến nhận tiền đút lót để đề xuất nhập khẩu ôtô từ công ty của Hồng Kông với giá cao hơn giá thị trường, hợp đồng nhập 7 xe trên cũng có dấu hiệu bất thường như không mời thầu, không chào hàng cạnh tranh.

 

Trong công văn số 2010 do Phó thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ngày 14/4/1995 gửi Bộ GTVT đã nêu rõ: Riêng đối với thiết bị phục vụ thi công của nhà thầu sẽ được áp dụng chế độ tạm nhập tái xuất. Sau khi hoàn thành việc thi công phải đưa các thiết bị đó (trong đó có 7 chiếc ôtô) ra khỏi VN, nếu để lại chuyển nhượng thì nhà thầu phải nộp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, không chiếc xe nào được tái xuất mà được đem đi cho mượn, bất chấp việc Tổng cục Thuế yêu cầu PMU 18 phải nộp 4,8 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu. Trong 7 chiếc xe này, có 2 chiếc nằm trong danh sách 34 chiếc nói trên. Đó là chiếc Toyota Crown 29G-6714 và chiếc Toyota Lancruiser 29G-6696 cho Văn phòng Bộ GTVT mượn.

 

Theo Nguyễn Bình - Thanh Phong
Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm