1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bạc Liêu:

Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở "khu F0"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Mỗi khi nghe tiếng xe cấp cứu từ ngoài vào là sốt ruột lắm, thêm một ca bệnh nữa rồi, trách nhiệm cũng nặng hơn. Nhưng lúc thấy F0 khỏi bệnh xuất viện mình cũng nhẹ nhõm hẳn", Thiếu tá Tuân chia sẻ.

Một buổi tối tuần đầu tháng 8, đang ngồi trực trong căn lều trước khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 (khu F0) tại khoa Nhiễm của Bệnh viện tỉnh Bạc Liêu, nghe tiếng xe cấp cứu chạy từ ngoài vào trong, Thiếu tá Hoàng Văn Tuân, cán bộ Công an tỉnh Bạc Liêu, sốt ruột thở dài: "Hôm nay chắc thêm một ca mắc mới nữa vào đây điều trị".

Rời ngay bàn trực, Thiếu tá Tuân đi nhanh về phía trước, kéo hàng rào bảo vệ vòng ngoài để xe cấp cứu từ từ đi vào tiếp cận khu điều trị. Từ trên xe xuống, người bệnh mặc đồ bảo hộ kín mít, được đưa nhanh vào trong khu vực cách ly đặc biệt.

"Vậy là cả chục ngày nữa rồi, chỉ mong người bệnh sẽ luôn mạnh khỏe", Thiếu tá Tuân tự nhủ.

An toàn cho "khu F0" là trên hết

Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở khu F0 - 1

Thiếu tá Hoàng Văn Tuân trong một ca trực trong khu cách ly, điều trị ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện tỉnh Bạc Liêu.

Đó là những hình ảnh và tâm tư không chỉ của Thiếu tá Tuân mà còn là của các cán bộ, chiến sĩ Công an Bạc Liêu trực chiến ở khu vực được cho là "nhạy cảm" nhất hiện nay trong Bệnh viện tỉnh Bạc Liêu trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.

Thiếu tá Hoàng Văn Tuân cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành, trong đó có tỉnh Bạc Liêu khi có nhiều ca mắc Covid-19 đã xuất hiện trong cộng đồng.

Bên ngoài chính quyền địa phương quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Còn ở bên trong "khu F0", trong khi đội ngũ y, bác sĩ tích cực điều trị cho bệnh nhân thì lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an cũng "trắng đêm" với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cả khu này.

Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở khu F0 - 2

"Lúc đầu mới vô trực anh em cũng sợ bị lây nhiễm nhưng trấn an nhau, phải làm tốt nhiệm vụ mà ngành, lãnh đạo tỉnh và nhân dân giao phó. Cũng lo lắm chứ, lo khi có nhiều ca bệnh xuất hiện, lo việc bảo vệ nếu có sơ hở gì về mức độ an toàn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị cũng như việc chống dịch.

Cũng có chút lo cho bản thân khi phải thường xuyên ở khu vực kế cạnh nơi cách ly những ca bệnh. Nhưng vì công cuộc chống dịch chung, vì sức khỏe nhân dân mà mình luôn vững tin trong công tác này", Thiếu tá Tuân chia sẻ.

"Khu F0" nằm trong khu vực của bệnh viện, nơi ra vào thường xuyên của người dân đến khám, chữa bệnh. Xung quanh khu này đều có hàng rào nhưng cũng không thể chủ quan vì có khu dân cư ngay ở bên ngoài. Các cán bộ, chiến sĩ công an túc trực 24/24 đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập", chính vì thế cũng có những áp lực, vất vả riêng, đặc biệt vào ban đêm.

Ngồi trên ghế trong một căn lều khác trước "khu F0", Đại úy Huỳnh Thanh Tâm (chiến sĩ Công an TP Bạc Liêu) luôn trong tư thế cảnh giác cao độ. Anh nói, ngoài nhiệm vụ được lãnh đạo công an thành phố phân công phải chấp hành thì anh cũng mong muốn góp phần nhỏ chung tay vào cuộc chiến chống dịch của tỉnh nhà.

"Khu này cách ly, điều trị những ca mắc bệnh nên nếu ai không có nhiệm vụ thì ít khi đến gần. Nhưng không vì thế mà mình lơ là được. Lo từ vòng ngoài, cũng như nghe ngóng bên trong để khi có những tình huống an ninh trật tự thì sẵn sàng hỗ trợ, xử lý nhanh nhất", Đại úy Tâm chia sẻ.

Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở khu F0 - 3

Đại úy Huỳnh Thanh Tâm (phải) trong ca trực. Anh đổ nước từ trên mái căn lều còn đọng lại sau một trận mưa.

"Gác" chuyện gia đình lo việc chung

Đêm xuống, "khu F0" vắng lặng, gió từ các hướng bệnh viện thổi đến hun hút. Đại úy Huỳnh Thanh Tâm cho biết, mỗi ca trực đêm của anh em công an chia nhau khoảng 3 tiếng, có những đêm khuya thức trắng cùng gió sương, chưa kể lúc trời mưa rất vất vả.

"Có hôm mưa tạt vào lều, nước chảy lênh láng, anh em chỉ biết cố tìm chỗ nào trong lều khô ráo đứng đó vừa tránh mưa vừa canh chứ không thể bỏ lều được", Đại úy Tâm nói.

Đại úy Huỳnh Thanh Tâm là một trong cán bộ, chiến sĩ trực trong đợt dịch thứ 4 này. Anh có vợ và 2 con nhỏ, có bé mới 2 tuổi. Đã hơn một tháng không về nhà vì sau ca trực phải ở khu vực cách ly riêng nên anh nói nhớ gia đình, nhớ con da diết nhưng cũng đành nén lại để làm nhiệm vụ chung.

"Khi trực lúc có thời gian rảnh rỗi chỉ có thể thăm hỏi gia đình qua điện thoại, nhìn mặt con qua mạng xã hội mà thôi", anh Tâm tâm sự.

Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở khu F0 - 4

Tranh thủ lúc thời gian rảnh khi trực, Thiếu tá Tuân gọi điện về hỏi thăm gia đình.

Thiếu tá Hoàng Văn Tuân kể, đợt trực khoảng cuối tháng 7 vừa qua, có mấy trận mưa lớn kèm gió dông đã làm sập luôn lều trực của anh em công an. Rất may là căn lều làm bằng bạt nhẹ nên không ai bị thương tích gì.

Có vợ và 2 con, Thiếu tá Tuân nói mình "khỏe" hơn nhiều anh em công an khác là các con của anh cũng đã lớn nên anh không lo lắng nhiều. Anh em trong này ai cũng có gia đình riêng song đều "gác" gia đình lại một bên để tập trung làm nhiệm vụ.

"Dịch bệnh có khi cả tháng không thể về nhà, lần nào gọi điện về vợ cũng hỏi thăm trong này ra sao, ăn uống thế nào, nhớ giữ gìn sức khỏe. Mình luôn trấn an vợ cứ yên tâm vì có anh em hỗ trợ, động viên nhau rồi", Thiếu tá Tuân bộc bạch.

Những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ ở khu F0 - 5

Mỗi một ca F0 khỏi bệnh xuất viện là các cán bộ, chiến sĩ công an trực cảm thấy nhẹ nhõm vì đã góp phần vào nhiệm vụ phòng, chống dịch hiệu quả.

Làm nhiệm vụ ở "khu F0", điều mà các cán bộ, chiến sĩ công an vui nhất là mỗi khi thấy xe của ngành y tế vào đón ca F0 khỏi bệnh xuất viện.

"Cứ mỗi ca bệnh vào viện rồi nhiều ngày sau xuất viện là anh em vui lắm. Y bác sĩ điều trị ca bệnh thành công, người bệnh được trở về nhà thì bản thân mình cũng thấy nhẹ nhõm vì hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả của địa phương mình", Thiếu tá Hoàng Văn Tuân bày tỏ.