1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa

(Dân trí) - Có 2 thứ được các chiến sĩ Trường Sa quý hơn vàng: rau xanh và nước ngọt. Rau xanh thì nuôi trong chậu, rất gian nan; nước ngọt thì chờ sự tiếp tế từ đất liền hoặc xin… ông trời. Và Trường Sa còn có một “đặc sản” - thịt “hải cẩu”, rất đặc biệt….

Lênh đênh trên biển hơn 2 ngày trời, chúng tôi cũng đến được Trường Sa, vùng hải đảo thiêng liêng của tổ quốc. Hành trình 14 ngày đi thăm được hơn 10 đảo, điểm đảo nằm trong quần đảo Trường Sa với mỗi người trong chúng tôi là những kỷ niệm khó quên trong đời… Có những chuyện chỉ ra Trường Sa mới nghe, mới thấy.
 
Rau xanh “made in Trường Sa”

“Nuôi rau trong chậu cứ như nuôi con so, phải chăm chút từng ngày, mình mà sểnh tý là rau chết sạch, lúc đó thì chỉ biết ăn cơm với đồ hộp ớn lắm”, anh Nguyễn Xuân Hải, chiến sĩ trên đảo chìm Đá Đông kể với chúng tôi về công cuộc nuôi rau trong... chậu.

Không phải loại rau nào cũng có thể sống được khi đem ra Trường Sa nuôi trồng. Theo anh Hải chỉ có 11 loại rau có thể chịu đựng “phong ba bão táp, gió quật mưa gào” của Trường Sa. Rất may trong 11 loại rau thì có nhiều rau rất dân dã như rau muống, mồng tơi, cải, bầu, mướp… sống được nên bữa ăn của các chiến sĩ cũng tương đối dễ nuốt.

Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa - 1

Rau được trồng theo từng chậu, chủ yếu là rau muống và cải...
Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa - 2

Để có được những chậu rau xanh tốt là mồ hôi, công sức lao động của các chiến sĩ trên đảo

Nói là sống được, nhưng để rau sống tốt, sống khỏe thì bàn tay chăm sóc của người chiến sĩ còn hơn cả người mẹ tận tụy. “Chúng tôi phải canh từng hướng gió, chỉ cần gặp gió nam của biển thổi vào đem theo hơi muối là rau “tiêu” ngay. Hoặc là phải phủ bạt che chắn, hoặc phải di chuyển chậu tránh gió rau mới lớn được”, chiến sĩ Hải nói.

Ngoài chuyện che chắn gió, tưới nước ngọt cho rau lớn được cũng là cả một vấn đề. Nước ngọt để uống và tắm hằng ngày đã tiết kiệm từng ly từng tý, nên dùng cho việc tưới rau cũng phải tính toán hết sức. “Chúng tôi khi tắm thường ngồi vào chậu lớn, rồi dùng nước đó để tưới rau, đó là cách sử dụng nước “2 trong 1” tiết kiệm tối ưu nhất”, anh Hải nói vui.
 
Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa - 3

Che chắn gió, tưới nước ngọt để có được những bữa rau xanh trên đảo là không dễ dàng gì
 
Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa - 4
Không phụ lòng các chiến sĩ, bầu ra quả to khác thường
 
Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa - 5
Nhưng mỗi bữa ăn, các chiến sĩ cũng chỉ cắt một nửa để tiết kiệm nguồn rau xanh quý hiếm

Rau xanh hiếm là vậy, nhưng trong bữa cơm nào tiếp đón đoàn chúng tôi, các chiến sĩ cũng ưu ái dành những bó rau tươi ngon nhất. “Ra đây ăn một bữa rau “made in đảo Trường Sa” để làm kỷ niệm các bạn nhé”, câu nói của chiến sĩ Xuân Nghiêm khiến chúng tôi vừa xốn xang vừa thật ấm lòng.

Thèm thịt bò, no nê… “hải cẩu”

Ngoài rau xanh, nguồn thực phẩm tươi sống cải thiện cho bữa ăn của các chiến sĩ cũng luôn được tính toán từng ngày. Trên mỗi đảo luôn có một “tiểu đội” làm nhiệm vụ đánh bắt cá. Nguồn cá tươi giữa biển dồi dào, phong phú là thực phẩm chính trong các bữa ăn. Nhưng ăn cá mãi cũng chán. Thứ mà các chiến sĩ thèm nhất là được một bữa thịt bò, thịt lợn kho hoặc xào như trong đất liền nhưng không mấy khi có.

Ở đảo Trường Sa lớn có hồi cũng tổ chức nuôi lợn nhằm cải thiện đời sống anh em chiến sĩ. Nhưng được một năm rồi cũng thôi vì quá vất vả. Nước ngọt ở đảo hiếm, mà lợn là thứ gia súc thường xuyên phải cho uống nước hàng ngày, lại phải chăm bằng rau, bằng cám mới béo được.

Đại tá Nguyễn Xuân Phùng, đảo trường đảo Trường Sa kể lại, hồi đảo nuôi được 1 con heo nặng chừng 50 kg mà không dám ăn vì… tiếc. Công chăm bẵm, nuôi nấng đến ngày heo lớn đem mổ thịt bỗng thấy tiếc vô cùng. Nhưng cũng chưa bao giờ trong đời các chiến sĩ được ăn miếng thịt heo mà ngon như lúc ấy.

Heo thì dành dụm nước ngọt mới nuôi được, nhưng bò, trâu thì ở đảo đành chịu vì không tìm đâu ra cỏ. “Nhiều lúc anh em chỉ ước được ăn một miếng thịt bò ở quê nhà thôi, thèm lắm chú ạ, ở đảo thịt heo, thịt bò là hàng xa xỉ phẩm, nhưng thịt… hải cẩu thì chúng tôi ăn thoải mái”, anh Phùng nói.

Nghe thịt hải cẩu, chúng tôi cứ trố cả mắt ra. Nhưng hóa ra đó là cách gọi cho có phần “cao lương mỹ vị” của các chiến sĩ hải đảo, bởi hải cẩu chính là thịt... chó. Trung bình mỗi đảo ở Trường Sa cũng nuôi tầm 50 chú chó để làm nguồn thực phẩm tươi trong các bữa ăn. Các dịp lễ, tết, các ngày vui như sinh nhật của anh em chiến sĩ, đảo sẽ làm thịt một chú chó mà nói như anh Phùng là để “anh em thêm sức chiến đấu”. Điều thú vị là ở đảo Trường Sa, anh em chiến sĩ trồng được cả cây xả, lá mơ là thứ rất hợp với thịt chó. Đặc biệt, thịt chó ăn kèm với lá non của cây phong ba, vị ngon không nơi nào có.
 
Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa - 6

Nhiều đảo ở Trường Sa đã tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống chiến sĩ bằng nghề nuôi ngan, gà, vịt

Ngoài thực phẩm tươi sống là thịt chó, những năm gần đây, các đảo ở Trường Sa đã chủ động nuôi thêm được vịt, ngan, thậm chí cả gà. “Gà, vịt hay ngan ở đây ăn có hương vị khác hẳn trong đất liền vì chúng được nuôi lớn không phải bằng thóc lúa mà bằng cá xay nhỏ. Ngan là gia cầm dễ nuôi nhất, có phân đội trên đảo nuôi được cả trăm con cơ đấy”, thiếu tá Nguyễn Xuân Nghiêm, đảo Trường Sa Đông cho hay.

Đen một “mầu Trương Sa”

Đối với các chiến sĩ đảo Trường Sa, thứ họ quý và tằn tiện cho mình nhất là nước ngọt. Thế nhưng, khi có khách đến, các anh vẫn sẵn sàng nhường và chia sẻ cho mọi người trong đoàn, mới biết các anh quý người trong đất liền ra thăm đảo nhường nào. Đối với các đảo nổi, việc trữ nước ngọt tương đối đảm bảo nhờ hệ thống bể chứa đào dưới đất. Nhưng với các đảo chìm thực sự là khó khăn.

Thiếu úy Lê Văn Hải ở đảo chìm Tốc Tan cho biết, diện tích của đảo quá nhỏ chỉ chứa được 2 bồn nước ngọt, dùng cho cả nấu ăn lẫn tắm giặt, chưa kể còn tiết kiệm tưới rau hàng ngày. “Ở đây mỗi anh em cứ 5 ngày mới được tắm một lần, tắm cũng phải tắm trong chậu lớn để còn dùng nước này mà tưới rau. Được cái là anh em ở đây cũng không cần phải “làm đẹp” như trong đất liền nên không thấy khó chịu cho lắm”, anh Hải cho biết.

Nói là nói vậy, vì thiếu nước tắm giặt nên da dẻ của các chiến sĩ anh nào cũng đen sạm. Đen vì nắng, vì sóng, gió Trường Sa. Đen vì ngày đêm đứng gác bảo vệ vùng trời, vùng biển. “Chúng tôi vẫn gọi là đen một “mầu Trường Sa” đấy, nói thật anh em nhìn nhau quen rồi, nhìn da của các cô gái miền Bắc thích thật”, thiếu úy Hải có quê ở Thái Bình thú nhận khi lâu lắm mới được nhìn thấy nhiều thành viên nữ trẻ tuổi da trắng như trứng gà bóc - đều là đoàn viên thanh niên thuộc 57 tỉnh thành trong cả nước ghé đảo.
 
Những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa - 7

Những trận mưa ở Trường Sa chính là "mưa vàng" khi tiếp tế nguồn nước ngọt luôn luôn thiếu thốn ở đảo

Nước ngọt là nguồn sống của đảo, nên mỗi trận mưa ở Trường Sa cứ như mưa vàng. Ở Trường Sa Đông, chúng tôi được chứng kiến những cơn mưa dông chợt đến, chợt đi, nhưng để lại cho đảo nguồn nước ngọt quý hiếm vô cùng. Như để chia sẻ điều này, thuyền trưởng tàu HQ 957 Phạm Văn Hưng cho biết: “Trung bình mỗi chuyến tàu ra biển tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho các đảo mất ít nhất 200 lít dầu, tính ra tiền cũng trên dưới 300 triệu đồng/chuyến. Nhờ mưa mà việc tiếp tế nước không tốn công, tốn của như trước đây, phần lớn các đảo hiện đều có thể chủ động được nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt, ăn uống”.

Ăn uống, sinh hoạt trong điều kiện túng thiếu, nhưng với các chiến sĩ không lúc nào các anh cảm thấy cô đơn. Mỗi đồng đội là mỗi anh em, mỗi phút giây ở đảo là mỗi khoảnh khắc lịch sử mà họ ghi dấu vào tâm tưởng: bảo vệ quê hương. Đúc kết những ngày thăm Trường Sa, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu của anh Phan Văn Mãi, Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: “Chúng ta đi Trường Sa là mang ra tình cảm, và mang về niềm tin”.
 
Sông Lam