Những cuộc đời trong hình hài kẻ khác
Dù mang hình hài nam giới nhưng, để trở thành “bóng hát” trong các đoàn lô tô, họ phải chấp nhận “lột xác” thành con gái. Vốn dĩ, hai từ “lô tô” từ bao đời nay đã được gán cho những số phận đẫm nước mắt. Số phận những “bóng hát” dù thời thế có đổi thay, xã hội có mở lòng thấu hiểu đến đâu thì, ở một khoảng trời nào đó, họ vẫn là kẻ mua vui bằng tiếng cười.
“Hồn bướm thân sâu”
Nguyễn Thanh Trí, tự Nhã Vy, năm nay 25 tuổi (quê Gò Công, Tiền Giang), lớn lên trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của Trí là chuỗi ngày lam lũ cùng ba mẹ ngoài đìa tôm, ruộng lúa. Năm lớp 8, Trí phát hiện cơ thể không bình thường của mình khi không biết đá cầu lông, không thích chơi đá bóng.
Ngày thi học kỳ, Trí trốn ở nhà và bị ba phát hiện. Ông gầm lên, thét vào mặt thằng con trai đang dần trở thành... con gái và cầm roi đuổi Trí ra khỏi nhà. Trí cắn răng chịu trận vì không thể tìm được một chốn để ra đi. Vừa hết lớp 9, Trí quyết định nghỉ học. Ba tiếp tục đuổi, cho đến lần thứ ba, vào lúc 11 giờ đêm, Trí khóc đến 4 giờ sáng rồi ra đường đón xe lên Sài Gòn.
Rời nhà, Trí làm thợ sơn, theo nghề chụp. Sau chuỗi ngày lang bạt tìm kiếm cơ hội việc làm ở TP Hồ Chí Minh, Trí vẫn bí bách, tù túng trước ngã rẽ cuộc đời. Cậu quay về nhà gặm nhấm nỗi buồn và chịu sự tức giận tột cùng của gia đình. Lúc này, đoàn lô tô Minh Đức về biểu diễn ở chợ huyện Gò Công. Trí kiếm được một chân bán nước thuê trong hội chợ. 14 ngày bán nước, Trí có thời gian theo dõi các “bóng hát” trên sân khấu. Cậu mê đắm, chỉ muốn lao mình lên mà hát...
Ngày cuối cùng của hội chợ, một “chị” trong đoàn hát đến ẻo lả với Trí: “Ê cưng, có đi theo bọn này hát không? Thấy cưng cũng “bóng lộ” thế kia chắc là hợp đó!”. Chỉ chờ có thế, Trí gật đầu ngay. Trí theo đoàn lô tô đi về miệt Cần Giờ cắm trại.
Thời điểm tháng 3 năm 2011, khu đất ở cạnh phà Bình Khánh ngập quá gót chân, rạp hội chợ phải kê thật cao. Một ngày bán nước, Trí được trả 80 ngàn. Bị vài ngày nước ngập không có khách tới xem, họ trả Trí 20 ngàn, sau xuống còn 10 ngàn. Ngày chạy chợ, đêm về Trí rúc vào tấm bạt sân khấu ngủ lăn lóc cùng với mấy con chó mèo.
Cơn bão đầu mùa ảnh hưởng trực tiếp lên Cần Giờ, người dân được lệnh sơ tán, các gánh hàng hội chợ cũng hối hả gom hàng rời đi lánh nạn. Riêng Trí không biết đi đâu, người dân bảo tới ủy ban ở nhờ nhưng cậu sợ đến đó rồi khi bão tan không tìm được đoàn hát thì bơ vơ. Trí trốn một mình trong mái che sân khấu sập gần sát đất, gió táp đổ xiêu vẹo các cột chống lều.
Khát khao được đứng trên sân khấu, được hát khúc nhạc mình đam mê khiến Trí không còn cảm giác sợ hãi trước cảnh cô độc, đói rách. Suốt 7 ngày, Trí nằm lạnh lẽo, chỉ ăn mì tôm cầm cự. Tối, Trí đốt đèn cầy rồi ôm bức tượng ông Địa ngủ, với niềm an ủi duy nhất là ông tổ nghiệp sẽ phù trợ cho con đường ca hát của mình được phần khởi sắc.
Bão tan, đoàn lô tô trở về tiếp tục hoạt động. Trí được chuyển sang làm khuân vác, bưng bê. Trí nói với trưởng đoàn: “Em thèm hát lắm, cho em lên sân khấu đi”. Trưởng đoàn nhìn Trí một hồi rồi hất hàm: “Giờ muốn hát thì phải làm con gái”. Trí sẵn sàng, bởi vốn dĩ trong cái hình hài con trai này là một cơ thể mềm yếu của một dòng máu nữ giới từ lâu rồi.
Làm con gái nhưng Trí vẫn chưa được hát, vẫn chỉ là “con tốt” khờ dại ở đoàn. Cơn bão tháng 10 năm 2011 tiếp tục hoành hành biển Cần Giờ. Xã đảo Thạnh An bị ảnh hưởng trực tiếp, đoàn lô tô lại phải sơ tán. Lần này Trí chọn lánh nạn tại một ngôi chùa nhỏ. Trải qua quá nhiều sóng gió, đã rất nhiều lần Trí muốn từ bỏ ước mơ đứng trên sân khấu nhưng rồi lại nuốt nước mắt vào trong, tự nhủ sẽ cố gắng bấu víu vào ông tổ nghề. Những lúc thèm hát, Trí thường lấy cuốn băng được thu sẵn ra gối đầu giường rồi ứa nước mắt nằm nghe.
Nghe mãi thành thuộc lòng: “Cờ ra con mấy, con mấy cờ ra. Con ba gì đây. Công cha em chưa trả, nghĩa mẹ em chưa đền...”. Hình ảnh sôi động trên sân khấu như hiện lên trước mắt Trí theo từng lời hát... Khán giả cứ vừa dỏng tai nghe xướng số, vừa dán mắt vào tờ giấy dò lô tô, gạch ngang từng con số được xướng sau mỗi câu ca. Lâu lắm, một ai đó có tấm vé kín hết con số hoặc hàng ngang, hoặc hàng dọc, họ hồ hởi kêu lên: “Kinh!”.
Rồi ào lên, chìa vé nhận thưởng. Bao nhiêu khách chơi khác xung quanh vỗ tay rào rào nhưng không giấu được sự ghen tị và tiếc rẻ bởi người trúng thưởng không phải là mình. Và cứ thế, trò chơi quay lại từ đầu. Đợt vé mới được phát ra. Chiếc loa rè lại nhấp nha nhấp nhổm “cờ ra con mấy, con mấy cờ ra...”.
Năm 2012, “bóng” Thanh của đoàn hát phải về quê đột xuất nên sân khấu không có người thay thế. Tình hình rất nan giải, trưởng đoàn cho Trí lên thay thế. Cơ hội ngàn năm mới có, Trí hát như chưa bao giờ được hát. Lần đầu tiên được lên sân khấu, Trí sung sướng không sao diễn tả được. Cậu mượn được chiếc yếm màu hường, một tấm váy ngắn củn “hóa thân” thành đào hát.
Đêm ấy, Trí chỉ biết cháy hết mình mà thôi, mặc kệ ánh mắt kinh ngạc cùng tiếng cười bỡn cợt dưới ánh đèn sân khấu. Trí hát như người say, quên hết tất cả. Khi nhìn lại mình, cậu mới giật mình bởi sự nhàu nát, lẳng lơ của “bộ cánh” ả đào.
Trí thổ lộ: “Bộ đồ em mặc hở toàn bộ vùng bụng, rốn và lên tới ngực. Em cũng không có tóc giả, không có son phấn, bông tai. Nhìn em kệch cỡm, nham nhúa lắm. Em thấy ớn mình luôn. Suốt thời gian theo đoàn lô tô, phải sống bằng thân hình con gái, em chỉ có bộ đồ duy nhất”.
Bài đầu tiên của Trí là “Bỗng dưng muốn khóc”, đúng với tâm trạng và nỗi niềm của cậu. Khán giả thích cô “bóng” này quá liền đề nghị với trưởng đoàn cho hát tiếp, nếu không thì sẽ tẩy chay hội chợ. Giọng hát của một “cô bóng” đậm chất “nước sông kẻ chợ”, chất chứa niềm đam mê cháy bỏng đã bị dồn nén rất lâu. Giọng hát khỏe khoắn, truyền cảm và đầy nội lực.
“Bóng” Thanh trở lại. Chỉ một đêm huy hoàng, Trí phải trả lại vị trí cho người cũ để trở về đúng thân phận của mình. Trí ức lắm nhưng không thể vùng lên được bởi thân phận tôi hèn không danh giá. Trí quyết nói với bà chủ: “Con làm rất lâu rồi mà cô Tư không lên lương. Con xin hát hoài mà cô Tư không cho, vậy con sống sao nổi”.
Bà Tư xuống nước liền cho Trí lên sân khấu nhưng không cho hát mà phải đóng hài. Vai Trí đóng là kẻ bị ăn hiếp hoặc nô lệ hầu hạ cho nhà giàu... Trí ngậm ngùi: “Đúng là đời sao, sân khấu vậy”.
Trí không thể chịu nổi cơn bĩ cực ở đoàn lô tô này nữa, sẵn có người quen bên đoàn Kim Phượng do ông bầu Nghĩa “đen” làm chủ, Trí liền xách túi ra đi. Hành trang của Trí trong những ngày “lều chõng” lô tô chỉ vỏn vẹn 3 bộ quần áo. Sang bên này, Trí được lên sân khấu hát, một bài người ta trả 250 ngàn. Đây là khoản thù lao quá lớn với Trí. Cậu hạnh phúc lâng lâng mấy đêm liền.
Từ đó, Trí thoát xác, trở thành “cô bóng” chuyên hát trên sân khấu lô tô. Trí lấy tên Nhã Vy và chính thức bước sang cuộc đời mới, thân phận mới. Tiếng tăm của “bóng” Nhã Vy dần được khẳng định trong giới lô tô. Nhiều đoàn có lời mời cô về đầu quân, ngay cả đoàn đầu tiên từng “đóng cửa” sân khấu với cô cũng đặt vấn đề.
Cuối cùng, Nhã Vy chọn bến đỗ ở đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời do ca sĩ, diễn viên Lộ Lộ (Lâm Quốc Khải) làm chủ. Sang “nhà mới”, Nhã Vy phụ trách thể loại nhạc trẻ và múa lửa. Sau nhiều lần đi diễn, cô mới bị tai nạn một lần khi ngọn lửa bùng lên không kiểm soát được làm phỏng một vùng bụng. Nhã Vy vén vết sẹo lên khoe, rồi cười thủng thẳng: “Bị vầy là nhẹ rồi chị. Làm nghề như em gặp tai nạn là điều không thể tránh khỏi”.
Nhọc nhằn danh phận
Lộ Lộ là “trai thẳng”, đang có gia đình hạnh phúc. Từ ngày làm bầu lô tô, Lộ Lộ đã thoát xác thành cô nàng đào hát dẻo dai và đẫy đà nhưng đã phải chịu không ít búa rìu dư luận. Hai con của Lộ Lộ cũng quen với hình ảnh người cha mặc áo dài, tóc xõa ngang vai, đi guốc cao gót, tô son điểm phấn lộng lẫy. Vợ Lộ Lộ thì tin tưởng tuyệt đối chồng. Hơn ai hết, cô biết chồng mình ra sao. Bây giờ thì Lộ Lộ mặc kệ, ai gọi anh cũng được, gọi chị cũng chẳng sao.
Là một diễn viên trong bộ phim “Lô Tô” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, Lộ Lộ đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc thật của mình vào phim. “Cô” cho biết, “Lô Tô” đã tái hiện lại tuổi thơ giản dị, trong sáng của mình, đồng thời khơi dậy tình cảm thủy chung, nỗi đau thân phận của những cuộc đời quanh gánh hát lô tô. Nhân vật chính là cô đào Lệ Liễu (NSƯT Hữu Châu thủ vai), là người đàn bà một mình gồng gánh cả đoàn lô tô Phù Hoa.
Sau những tháng năm bôn ba khắp mọi vùng miền, những cuộc đời bên gánh lô tô vẫn là những kẻ “trôi sông lạc chợ”, không chốn nương thân, bấu víu. Trở về từ bộ phim, Lộ Lộ đã quyết tâm xây dựng đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời.
Ban đầu, đoàn chỉ có vài người gia nhập, hoạt động chật vật để tìm kiếm đối tượng khán giả. Cô bầu Lộ Lộ tuần nào cũng phải cắm giấy tờ và tài sản để lấy tiền cho cỗ máy lô tô hoạt động. Lộ Lộ thu nhận tất cả những “bóng hát” có chung thân phận. Đầu tiên phải kể đến “bóng” Mai Thiên Tai, tên cúng cơm là Nguyễn Ngọc Sơn. Sơn 25 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh.
Ngày mới ra trường, Sơn loay hoay kiếm việc làm, ai thuê hát ở đâu đều đi, miễn có tiền trang trải cuộc sống. Sơn cho biết, để tồn tại được trong thế giới “bóng hát”, đào phải là đào đặc biệt. Phải biết chường mặt ra cho thiên hạ xì xầm bàn tán, dũng cảm vượt qua định kiến và kỳ thị.
Sơn đã nhiều lần ngậm đắng nuốt cay khi nhận cuộc điện thoại từ thầy cô: “Em đi làm ở đâu đừng có xưng là học trò của thầy cô nhé”. Sơn đau lắm nhưng vẫn phải “lột xác” để tồn tại. Biệt danh Mai Thiên Tai do cô bầu Lộ Lộ đặt cho với dụng ý, giọng hát sẽ mang mưa gió, thậm chí cả bão tố thiên tai nhằm tạo sự khác biệt của lô tô ngày nay.
Ngoài ra, lô tô Sài Gòn Tân Thời còn tập trung xây dựng hình ảnh “bóng hát” với phong cách thời trang kín đáo, chỉn chu chứ không hở hang, hớ hênh như đào hát của hội chợ ngày xưa.
Lô tô Sài Gòn Tân Thời hội đủ các thể loại giới tính. Cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) và người bình thường giả gái đi hát. Mai Thiên Tai tâm sự: “Dù là ai thì khi vào đoàn đều có chung một mục tiêu, lý tưởng, đều phải “cháy” hết mình phục vụ khán giả. Chúng em không phân biệt “trai thẳng” hay LGBT”.
Phục dựng lại lô tô hội chợ, Lộ Lộ mong muốn loại hình này sẽ có chỗ đứng trong lòng khán giả như một loại hình văn hóa nghệ thuật chính thống và hiện đại chứ không phải chỉ là một trò chơi dân gian đem đến tiếng cười giải trí đơn thuần. Khán giả sẽ đón nhận sôi nổi giống như thời hoàng kim của lô tô vào những năm 2005, 2006. Điều đó đòi hỏi sự “lột xác” mạnh mẽ trong hình thức hoạt động và phương thức thể hiện.
Người biểu diễn trên sân khấu sẽ được gọi là nghệ sĩ, chứ không mang thân phận “bóng hát”, sống bằng tiền lẻ, bạc cắc như vốn dĩ nó đang tồn tại. Mong muốn là vậy nhưng loại hình văn hóa nào muốn phát triển đều phải tuân thủ quy định của luật pháp, phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc mới có thể tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Theo Ngọc Hoa
Công an nhân dân