Thanh Hóa:
Những công trình tiền tỷ bỏ hoang phí giữa xã nghèo
(Dân trí) - Những công trình dân sinh nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân miền núi được khởi công, đã mang niềm vui cho bà con. Nhưng trên thực tế, công trình xây dựng dở dang rồi bỏ hoang gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Xã Bình Lương là một xã miền núi của huyện Như Xuân, toàn xã có 209 hộ dân với 680 nhân khẩu. Theo thống kê thì hộ nghèo trong xã còn chiếm tới hơn 30%. Do điều kiện phát triển kinh tế của xã còn hạn chế nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở hạ tầng của xã chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, trong đó có Trạm y tế và Trường mầm non.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở vật chất của Trạm y tế xã Bình Lương đã xuống cấp, chật chội. Bà Đỗ Thị Thủy - Trưởng trạm y tế cho biết: “Trạm y tế vốn chật chội đã đành, nhưng trạm có ba phòng sản thì cả ba phòng đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Cả ba phòng này đều được đổ bằng, những ngày mưa nước ngấm xuống khắp nơi không thể nào làm việc được, bên cạnh đó còn nhiều công trình phụ như: không có bếp ăn, nước sinh hoạt còn nhiều phụ tuộc…”.
Trước sự xuống cấp của Trạm y tế, tháng 8/2009, nhà nước đã đầu tư xây dựng Trạm y tế mới, công trình được khởi công do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng 2,8 tỷ đồng. Trạm y tế có tổng diện tích 500m2 với 11 phòng, trong đó có 5 phòng bệnh. Theo kế hoạch thì đến 4/2010, Trạm sẽ được xây dựng xong và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, hiện tại theo quan sát của chúng tôi nhiều hạng mục của công trình Trạm y tế này đang bị bỏ dở. Trên thực tế công trình chỉ mới xây xong phần móng và tường, giờ đây công trình đang bỏ hoang và là nơi chăn thả trâu của người dân.
Ông Đinh Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lương cho biết: “Công trình được khởi công 8/2009, do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 2,8 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến 4/2010, trạm sẽ đưa vào sử dụng, nhưng đến nay huyện mới chuyển được 300 triệu cho nhà thầu, nhà thầu họ tính toán phân bổ tiền công, tiền vật liệu thì đã vượt quá 300 triệu nên họ dừng thi công, từ đấy đến bây giờ trạm bỏ dở trông như một bãi đất hoang”.
Ông Sơn cho biết thêm, không chỉ trạm y tế xây rồi bỏ giữa chừng, mà 5 nhà mẫu giáo đang xây ở 5 thôn của xã, do huyện làm chủ đầu tư cũng đang diễn ra tình trạng tưng tự. Mỗi nhà mẫu giáo theo thiết kế có 2 phòng, trị giá 297 triệu đồng, hiện cũng chỉ mới được xây xong phần thô, còn các công trình phụ cũng còn bỏ dở gần một năm nay. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nhà mẫu giáo tại xã Bình Lương là hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng đến nay, huyện Như Xuân cũng chỉ mới chỉ giải ngân được 270 triệu đồng nên các nhà thầu đành phải rút lui bỏ dở công trình.
Trong khi 5 nhà mẫu giáo đang xây dở dang rồi “đắp chiếu”, thì nhiều trẻ em trong xã Bình Lương, hàng ngày phải vượt quãng đường hơn 5 km đường đất để đến trung tâm xã học. Do đường xa, các trẻ đến được trường phải có người lớn đưa đón, nhiều trẻ ở xa trung tâm xã không có người lớn đưa đi nên đành phải nghỉ học. Đây là lý do khiến cả xã chỉ có 142 trẻ tới trường.
Trước thực trạng xây rồi “đắp chiếu” những công trình dân sinh có tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng, chính quyền xã Bình Lương, đã nhiều lần có kiến nghị lên UBND huyện Như Xuân cũng như UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng mọi việc vẫn chưa được tháo gỡ.
Nguyên nhân chủ yếu khiến những công trình được xây dựng dở dang là do nguồn vốn thiếu, chưa được giải ngân nên nhà thầu không thể tiếp tục thi công đành rút lui. Trong khi đó, cơ sở vật chất để phục vụ phát triển kinh tế và giáo dục của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Hoàng Văn