1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những công trình dân sinh làm dân… ngán

(Dân trí) - Dự án “treo”, công trình chậm tiến độ giờ đây không còn xa lạ với người dân. Chuyện công trình làm xong nhưng không đưa vào sử dụng cũng không mới. Những công trình dân sinh như thế đang trở thành “cái gai” trong mắt người dân.

Phòng khám 4 tỷ cài then, dân lội ruộng đi xa khám bệnh

 

Phòng khám khu vực Tân Bình, huyện Tân Bình (Đồng Tháp) là công trình phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương. Phòng khám xây dựng trên diện tích quy hoạch 2.500m2, gồm 22 phòng chức năng (phòng Siêu âm, phòng Xét nghiệm, phòng Cấp cứu…) với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, đã hoàn thành một năm nay nhưng không họat động.

 

Ngày nào cũng vậy, cánh cửa phòng khám im lìm đóng, trong khi người dân địa phương phải đi nhiều cây số sang nơi khác mới có chỗ khám bệnh, cấp cứu.

 

Theo một số người dân cho biết, đơn vị thi công công trình triển khai xây dựng hoàn thành công trình đúng với tiền độ so với hợp đồng. Tuy nhiên không hiểu sao, từ khi hoàn thành (tháng 6/2007) đến nay, nó vẫn chỉ nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, không hoạt động gì.

 

Nhiều người dân sống gần phòng khám này kể lại câu chuyện cười ra nước mắt: Cách đây vài tháng, đêm khuya có một nhóm người dân từ tỉnh An Giang qua Đồng Tháp, không may bị tai nạn giao thông. Họ phát hiện Phòng khám khu vực Tân Bình nên vội vàng đưa người vào cấp cứu.

 

La hét thảm thiết một hồi lâu, các nạn nhân mới được biết là phòng khám này chưa đưa vào hoạt động. Đoàn nguời lại phải hối hả đưa người bị nạn lên xe về Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Châu (An Giang) cấp cứu.

 

Ông Lê Văn Bé Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, cho biết: “Phòng khám Tân Bình chưa đưa vào hoạt động được là do thiếu hệ thống điện 3 pha, đài nước và hệ thống cung cấp nước sạch. Tất cả các vấn đề trên đang được triển khai thực hiện nhưng tiến độ thực hiện chậm, nên chậm đưa công trình vào sử dụng, ít nhiều cũng gây lãng phí”.

 

Đã nhiều lần người dân của 5 xã cù lao thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp phản ánh, kiến nghị qua những lần tiếp xúc cử tri với Đại biểu Hội Đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, về việc sớm đưa công trình vào hoạt động, đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.

 

Nhà vượt lũ thành chuồng nuôi vịt

 

Một công trình xây dựng khác có giá trị hàng trăm triệu đồng nhiều năm nay cũng làm chướng mắt người dân địa phương, đó là công trình đồ sộ nhà vượt lũ nằm ở ấp 3, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).

 

Anh Năm Phương (người dân địa phương) cho biết: Khoảng năm 2001, một nhóm công nhân chở sắt, đá, xi măng… đến đây xây dựng công trình này, nhiều người dân đến hỏi thì được biết đó là công trình mô hình “nhà vượt lũ” cho bà con nghèo thường xuyên bị ngập nước.

 

Lúc đầu công trình thi công khá nhanh, sau đó chậm dần, cuối cùng dừng lại hẳn và dang dở cho đến nay. Qua quan sát, công trình đã cơ bản hoàn thành phần sàn nhà khoảng 400m2, riêng phần nhà thì chưa xây dựng.

 

Người dân địa phương cho biết: “Tụi tui ở đây nghiên cứu thấy mô hình “nhà vượt lũ” này không có hiệu quả cao vì chỉ riêng phần chi phí sàn nhà đã quá cao, cả cái nhà thì… ngoài khả năng của người nghèo, nói thật “nhà vượt lũ” này không phù hợp nên dân nghèo thà sống chung với lũ”.

 

Thấy công trình giá trị hàng trăm triệu đồng bị bỏ hoang nên một số người dân đã tận dụng phần trên của sàn nhà để phơi lục bình, dùng lưới bao phần dưới sàn nhà để nuôi vài chục con gà và vịt…

 

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, mô hình “nhà vượt lũ” là đề tài nghiên chứu khoa học của Bộ Xây dựng, được triển khai thực hiện thí điểm ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhưng đề tài vẫn chưa nghiệm thu và bàn giao công trình cho địa phương quản lý sử dụng.

 

Nhật Trường