“Những con số về lỗi chính tả làm tôi rất sốc”
(Dân trí) - TS Nguyễn Ái Việt, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, dù biết trước tình trạng lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt là rất tệ, nhưng sau khi có kết quả nghiên cứu về vấn đề này, ông vẫn rất… “sốc”.
Viện Công nghệ thông tin, nơi TS Nguyễn Ái Việt làm Phó Viện trưởng là đơn vị vừa đưa ra Báo cáo về Tình hình chính tả trong văn bản tiếng Việt. Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông xung quanh bản báo cáo này.
Thưa ông, những con số, kết quả từ đợt nghiên cứu lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt vừa qua có khác nhiều so với hình dung ban đầu của ông về thực trạng lỗi chính tả?
Trước khi có kết quả nghiên cứu mình cũng biết lỗi chính tả trong văn bản ở tình trạng rất tệ. Nhưng khi mình thấy các con số thống kê, mình không ngờ lại đến mức độ như thế.
Trước đây mình chỉ biết chung chung, nhưng các con số từ thực tế làm mình rất… sốc. Đúng là con số nói lên nhiều điều hơn mình cảm giác. Mình cảm giác còn có ít nhiều mơ hồ và dẫu sao cũng lẩn tránh được sự trực diện, còn khi con số đưa ra mình phải đối diện với nó.
Từ kết quả nghiên cứu các ông đã đưa ra nhận định, lỗi chính tả của khu vực đại học và viện nghiên cứu xấp xỉ mức chung của xã hội. Điều này có vẻ… phi lý?
Kết luận đó được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu tổng số mấy chục ngàn mẫu của khu vực đại học, viện nghiên cứu (sai sót 7% - PV) nên không thể nói là “oan” được. Trong bản báo cáo tôi đã viết, viện nghiên cứu và đại học được chờ đợi đi trước xã hội, làm khuôn mẫu cho xã hội, nói cách khác, khu vực đó là mực thước.
Nhưng ông thầy là mực thước mà trung bình so với xã hội thì… có vấn đề. Không phải ông thầy kém chính tả mà bộ phận truyền thông của các trường đại học, các viện nghiên cứu kém chính tả, nhưng chưa được quan tâm của các thầy.
Các thầy phải quan tâm đến những gì mình phát ngôn ra, những sản phẩm của mình đưa ra xã hội… Khu vực của các thầy chưa phản ánh được mực thước của xã hội thì đúng là điều đáng buồn.
Sinh viên không thuộc đối tượng nghiên cứu trong công trình của các ông, nhưng nếu thực hiện nghiên cứu với đối tượng này, theo cá nhân ông tình trạng lỗi chính tả liệu có lớn?
Nghiên cứu tình trạng lỗi chính tả với đối tượng này cũng là một gợi ý và có thể làm được. Nếu mình muốn đánh giá chính xác về sinh viên mình phải đánh giá qua luận văn, qua niên luận, bài tập… Theo kinh nghiệm riêng của tôi, lỗi rất nặng.
TS Nguyễn Ái Việt: Lỗi chính tả là một hiểm hoạ chung
Tôi đã từng đi chấm luận án và từng gặp những luận án sai chính tả… kinh khủng. Tôi cũng đã phỏng vấn rất nhiều thầy và ai cũng kêu về lỗi chính tả của sinh viên.
Nếu tìm lỗi chính tả của sinh viên trên diễn đàn thì nặng hơn nhiều, nhưng tại các diễn đàn là văn nói, văn nói trên internet lại là chuẩn mực khác.
Kết quả nghiên cứu của các ông đã chỉ đích danh các tổ chức, đơn vị có tỷ lệ lỗi chính tả cao. Có thể các ông sẽ nhận được phản hồi của các đơn vị này?
Thứ nhất, nếu xếp hạng để đo hơn kém hay đấu chọi thì tất cả các mục tiêu của đợt đánh giá này thất bại hoàn toàn. Mục tiêu ở đây là để nâng cao nhận thức chung của xã hội về một vấn đề chung của chúng ta.
Lỗi của một tờ báo, lỗi của một đơn vị thuộc Bộ nào đó cũng chính là lỗi của chúng ta. Đó là một hiểm họa nói chung và chúng ta phải cùng sửa. Của ai đó nhiều hơn thì cả xã hội cùng xúm vào sửa và chúng tôi công bố lên cũng là hành động đầu tiên để giúp họ sửa.
Thứ hai, phương pháp thống kê không thể nói hoàn toàn chính xác, nhưng cũng nói lên phần nào thông tin về chất lượng chính tả.
Ông có nói, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành tiếp các đợt đánh giá tiếp theo với quy mô rộng hơn, nhằm mở đường cho một chiến dịch cộng đồng về quét lỗi chính tả. Lỗi chính tả ngày càng trầm trọng hơn trong thời gian qua nên nhiều người vẫn băn khoăn về tính khả thi của điều ông nói?
Tôi từng nói, có lẽ vì lỗi chính tả nhiều quá nên người ta đã trở nên chai lỳ với lỗi, không thể làm gì được. Nhưng tôi hi vọng, các tờ báo đồng lòng vào cuộc thì có thể khả thi. Mình phải tạo sức ép rất lớn và liên tục.
Chính vì vậy, tôi không nghĩ chỉ đánh giá một lần mà cứ ba tháng một lần và theo đuổi đến khi nào chuyển thì thôi.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)