1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Những “cơn lũ lành” sau cơn lũ dữ

(Dân trí) - Ngành Giáo dục Hương Khê (Hà Tĩnh) đang có một “cơn lũ” khác sau ngày cơn lũ dữ đi qua, đó là hàng ngàn thanh niên tình nguyện, thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh đang ngày đêm dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai để chuẩn bị cho năm học mới.

Sự ấm nồng đang trở lại

 

Chuyến xe đò đưa chúng tôi vượt qua những ngôi làng tiêu điều ngập chìm trong bùn đất. Dọc hai tuyến đường, cây cối ngổn ngang, nhà cửa bị đổ nát, xiêu vẹo, đường sá bị cuốn trôi, sạt lở.

 

Hà Linh, một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất, có tới hơn 400 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng, hàng chục con trâu bị chết, hàng trăm ha lúa, đậu bị lũ san phẳng, cầu cống, đường sá bị tàn phá chia cắt... Thiệt hại lên đến hơn 14 tỉ đồng.

 

Xã Lộc Yên có 1 cụ già chết trong lũ, 146 ngôi nhà bị tàn phá hoặc cuốn trôi, trong đó 12 ngôi nhà bị cuốn phăng hoàn toàn, 24 ngôi nhà bị đổ sập. Khúc sông Hội Nai qua xã đã biến thành một đầm lầy.

 

Những ngày qua, các đoàn xe chở hàng cứu trợ của người dân khắp mọi miền tổ quốc và từ nước ngoài liên tục ngược lên Hương Khê để tiếp thêm sức sống cho những người đã trắng tay sau lũ. Gạo, muối, chăn màn... đã đến được với người dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn khiến chúng tôi không thể cầm lòng.

 

Trên nền nhà của mình, vợ chồng anh Trần Văn Sinh (xóm Bình Thọ - xã Lộc Yên) đã kịp căng lên tấm bạt vừa đủ kê một cái giường để ngủ, bé gái con anh cứ nhìn quanh ngơ ngác như thể tìm kiếm ngôi nhà hàng ngày mình vẫn ở giờ biến mất đâu. Lũ rút rồi, hàng cứu trợ cũng đã nhận, đã qua cơn đói khát nhưng bây giờ vợ chồng anh Sinh vẫn ngơ ngác nhìn nhau không biết bắt đầu từ đâu để gây dựng lại nơi ăn chốn ở cho mình.

 

 

Những “cơn lũ lành” sau cơn lũ dữ  - 1

 

Cùng với sự giúp đỡ của đội quân tình nguyện, của Đoàn thanh niên, công an tỉnh, một số ngôi nhà bị sập đang được dựng lên, những nền nhà bị xói lở đang được đắp lại. Những hạt gạo cứu trợ cũng đang được thổi thành cơm. Sự ấm nồng đang dần trở lại trong nhiều gia đình.

 

Ngành Giáo dục bị thiệt hại nặng nề

 

Trong số những thiệt hại do lũ gây ra, ngành Giáo dục của huyện Hương Khê chịu thiệt hại nặng nề nhất. “30% các công trình trường học, sách vở, dụng cụ dạy học mà người dân Hương Khê gắng xây dựng trong 10 năm triển khai chương trình xã hội hoá học tập đã bị lũ tàn phá cuốn trôi”, thầy giáo Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Hương Khê đau xót nói.

 

53/95 ngôi trường bị ngập sâu, khi nước rút hầu hết các ngôi trường đều bị tàn phá nặng nề. Tường rào đổ nát, bàn ghế bị cuốn trôi hoặc hư hỏng. Nặng nhất là những thiệt hại từ thiết bị dạy học, sách vở của nhà trường. Do ngập sâu trong nước, nhiều xã như Phương Mỹ, Hoà Hải nước ngâm tới một tuần liền nên hàng chục ngàn đầu sách giáo khoa, sách khoa học phục vụ công tác giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh bị hỏng hoàn toàn. Sau lũ, hệ thống trường học ở Hương Khê ngổn ngang dưới bùn đất, có nơi những phòng học bị bùn lấp dày tới gần nửa mét.

 

Tương lai bắt đầu từ ngôi trường

 

Nhưng ngành Giáo dục Hương Khê đã có một “cơn lũ” khác sau ngày cơn lũ dữ đi qua, đó là “lũ” của dòng người tập trung sửa sang, xây dựng lại hệ thống trường học để kịp ngày khai giảng năm học mới. Hàng ngàn người dân, trong đó có rất nhiều thanh niên tình nguyện trong tỉnh Hà Tĩnh đã có mặt tại những ngôi trường.

 

Những “cơn lũ lành” sau cơn lũ dữ  - 2
 

 

“Khó nhất là dọn lớp bùn đất đọng lại trong các phòng học”, thầy Lê Hữu Thiên - Hiệu phó trường Tiểu học Phương Mỹ cho hay. Tại ngôi trường của thầy Thiên, lũ phủ một lớp bùn đất dày tới hơn nửa mét nhấn chìm toàn bộ bàn ghế trong lớp bùn non. Hơn một tuần qua, phụ huynh học sinh, giáo viên và thanh niên tình nguyện đã làm cật lực nên ngôi trường đang dần hồi phục. Gần 20 phòng học đã được dọn hết lớp bùn, bàn ghế đã được lau sạch, có chăng là cả một khuôn viên rộng hàng ngàn m2 vẫn còn bạc một màu đất xám.

 

Tại trường Tiểu học Hương Đô, nhóm phóng viên chúng tôi đã ghi lại được những câu chuyện “cứu trường” rất  cảm động. Nhiều người dân lũ cuốn trôi mùa màng, vườn tược, lo cái ăn, cái đói hằng ngày nhưng mỗi gia đình đều có các thành viên thay nhau tới trường dọn dẹp, làm vệ sinh môi trường.

 

Anh Tiến - người có hai cháu nhỏ học tại ngôi trường này - nói với chúng tôi: “Hôm lũ nước ngập tới hơn 3m, cả gia đình chỉ biết leo lên nóc nhà tránh lũ. Lũ đã cướp đi tất cả những gì mà vợ chồng tui vun đắp cả chục năm ni. Chỉ có điều còn người là còn của. Nó ở trong những đứa con nhỏ của tui, tương lai của chúng bắt đầu từ cái trường ni”.

 

Những người như anh Tiến đã góp sức biến những phòng học vốn ngập trong bùn đất thành những chỗ học tươm tất sẵn sàng cho năm học mới.

 

Chạy đua với ngày khai giảng

 

Chiều 21/8, như bao chuyến xe khác chở hàng cứu trợ lên vùng rốn lũ Hương Khê, chuyến xe chở sách vở, thiết bị dạy học cho giáo viên, đồ đùng học tập cho học sinh của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh đã mang lại nhiều hy vọng cho bà con nơi đây.

 

Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, lũ gây thiệt hại lớn cho Hương Khê nhưng ngành Giáo dục Hà Tĩnh vẫn quyết tâm bằng mọi giá để học sinh vùng rốn lũ Hương Khê được đến trường đúng ngày khai giảng. Ngoài những nỗ lực của ngành, Sở cũng đang làm mọi cách để huy động nguồn hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Chuyến hàng có giá trị 500 triệu đồng này là kết quả của việc huy động trong những ngày qua.

 

Tuy nhiên, cũng theo thầy Quý, những chuyến hàng cứu trợ còn quá nhỏ bé trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Cho đến trước ngày khai giảng cơ sở vật chất cho giáo viên và học sinh lên lớp có thể sẽ hoàn thành kịp nhưng có những khó khăn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục tại đây. Phần lớn sách vở bị nước ngâm không thể sử dụng được; nhiều gia đình nước lũ cuốn trôi, tiền cũng chẳng còn cho con đóng học chứ chưa nói đến sách vở.

 

Để giải quyết tình trạng học sinh đến trường học “chay”, ngành Giáo dục huyện Hương Khê đặt mục tiêu bằng mọi giá trước ngày khai giảng năm học mới, trung bình mỗi học sinh vùng lũ sẽ được phát 3 cuốn vở tới trường.

 

Trong bão lũ, vẫn khát khao đến lớp

 

Ngoài học sinh, hàng trăm giáo viên cũng đang gặp nhiều khó khăn về chỗ ở, phương tiện đi lại, phương tiện giảng dạy. Ngoài ra, sẽ có một bộ phận giáo viên mầm non, tiểu học gặp nhiều khó khăn vì một phần kinh phí do người dân chi trả sẽ khó thực hiện; bởi dân đã trắng tay trong lũ.

 

Điều mà chúng tôi ghi nhận sau chuyến đi, người dân Hương Khê gắng gượng dậy cóp nhặt dưới những đống đổ nát mong tìm kiếm những gì còn sót lại để tiếp tục hướng về phía trước. Những đứa trẻ tại nhiều gia đình đang sống trong cảnh tạm bợ, đói khát, thiếu thốn vẫn ánh hồng lên những khát khao của cuộc sống, khát khao được đến trường...     

 

Nhóm PV Hà Tĩnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm