1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những “con cá lớn” ở APEC sẽ kích hoạt vòng đám phán Doha!

(Dân trí) - Nối lại vòng đàm phán Doha sẽ là ưu tâm chính của Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy, khi tham dự APEC lần này. Chủ nhà Việt Nam cũng hy vọng APEC 2006 sẽ là điểm nhấn cho vòng đàm phán này. Vậy APEC 2006 sẽ “kích hoạt” vòng đàm phán Doha theo cách nào?

Bên lề Hội nghị quan chức cao cấp CSOM, ông Ngô Quang Xuân, đại sứ Việt Nam tại WTO đã có cuộc trao đổi với các phóng viên về vấn đề nêu trên.

 

Được biết, trong chuyến sang Việt Nam lần này, ông Pascal Lamy - Tổng giám đốc WTO - sẽ tham dự hội nghị Tổng giám đốc các doanh nghiệp APEC. Ông có thể nói gì về điều này?

 

Chắc chắn ông Pascal Lamy sẽ tham gia cuộc họp Liên Bộ trưởng (sáng 15/11), trong khi ông ấy cũng nhận được giấy mời cuộc họp các lãnh đạo doanh nhân. Theo như tôi hiểu, tất cả mọi nỗ lực đang được thúc đẩy ở Geneva và ở các trung tâm khác đều nhằm kéo vòng đàm phán Doha trở lại và bản thân ông Pascal Lamy đang rất nỗ lực để  nối lại vòng đàm phán này.

 

Có thể nói, trọng tâm của ông khi sang dự APEC 2006 là để vận động nối lại vòng đàm phán. Tôi tin, nếu dự hội nghị Tổng giám đốc các doanh nghiệp, ông Pascal Lamy cũng ra thông điệp cho các doanh nhân của APEC vì ông ấy biết khu vực APEC là khu vực quan trọng - như WTO thường hay nói, những con cá lớn trong vòng Doha là nằm ở vùng châu Á - Thái Bình Dương.

 

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng  việc APEC 2006 sẽ ra một tuyên bố về nối lại vòng đám phán Doha?


Vòng đàm phán Doha là gì?

 

Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đàm phán về mục tiêu giảm bớt các rào cản thương mại trên toàn thế giới, với tiêu điểm là thực hiện thương mại công bằng đối với các nước đang phát triển.

 

Các cuộc đàm phán hiện nay vẫn đang bế tắc do bất đồng trong quan điểm của các nước phát triển giàu có với các nước nghèo đang phát triển. Trợ cấp cho nông nghiệp đang là vấn đề được chú ý nhất bởi thỏa thuận về việc này là một chủ đề gay cấn trong quá trình đàm phán.

 

Vòng đàm phán Doha  được bắt đầu ở Doha (Qatar) tháng 11/2001 và vòng mới đây nhất là tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tháng 12 năm ngoái. Mục tiêu của các thành viên WTO sẽ kết thúc vòng đàm phán Doha vào cuối năm nay.

CSOM hôm nay chuẩn bị cho hai cuộc họp cuộc họp liên bộ trưởng và cuộc họp các nhà lãnh đạo các nền kinh tế. Những nội dung được bàn bạc là để ra tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao. Hầu hết các nước đều bày tỏ thái độ ủng hộ ra một tuyên bố riêng về vòng Doha. Điều này như một thông điệp, một quyết tâm chính trị của các nền kinh tế APEC để thúc đẩy Doha mà chúng ta đều biết, vai trò của APEC rất lớn trong đàm phán thương mại đa phương.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng có nói rằng, ông hi vọng tuần lễ cấp cao APEC sẽ là một điểm nhấn, một bước đột phá cho vòng đám phán Doha. Ông bình luận thế thế nào về điều này?

 

Tôi cho rằng điều đó đúng. Tôi cũng vừa có một báo cáo trong hội nghị về vòng đám phán Doha. Chúng tôi ở Geneva theo dõi vòng Doha thì thấy rõ, từ tháng 7 mọi người rất lo vì trước kì nghỉ hè tất các các bên đều đồng ý tuyên bố là tạm ngưng, nhưng ngưng đến lúc nào thì không ai biết.

 

Cái ngưng này nguy hiểm cho nền thương mại toàn cầu, không riêng gì các nền thương mại lớn bị thua thiệt mà các nước đang phát triển cũng bị thua thiệt rất nhiều. Vì thế, suốt cả tháng 8 - tháng nghỉ hè cao điểm của các tổ chức quốc  tế nói chung và của WTO nói riêng, ở tất cả các các trung tâm, các thủ đô, các nhóm nước, mọi cố gắng vẫn tiếp tục để thúc đẩy vòng này.

 

Tháng 9 vừa rồi có một số hoạt động rất lớn như ASEAN ở Kuala Lumpur, nhóm G20 của các nước đang phát triển họp ở Rio de Janeiro thể hiện những cố gắng nối lại vòng đàm phán. Hiện tại ở WTO lại có một nhóm như một cầu nối (không phải nhóm để có đồng quan điểm đàm phán) giúp móc nối lại giữa các nhóm và giữa các nền kinh tế lớn, tạo cơ hội kéo trở lại cuộc đàm phán.

 

APEC gồm các nền kinh tế lớn, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Australia… cũng là những nước đám phán tích cực trong vòng Doha nói chung, cho nên APEC được coi như một cơ hội. Khi đã đạt được sự đồng thuận thúc đẩy vòng Doha, lại phải có biện pháp cụ thể, thúc đẩy như thế nào thì đó cũng là điều quan trọng sẽ được bàn tiếp tại APEC. Tôi nghĩ, nếu các nền kinh tế APEC cùng nhau thúc đẩy thì sẽ có một tác động rất lớn.

 

Quay trở lại với chuyến sang Việt Nam của vị quan chức cao cấp nhất WTO , ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa sự có mặt của ông Pascal Lamy đối với chủ nhà Việt Nam khi chúng ta vừa gia nhập tổ chức này?

 

Theo thông lệ, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới thường dự các cuộc họp Liên bộ trưởng của Hội nghị thượng đỉnh APEC, nhưng việc Việt Nam làm chủ nhà thì điều này có rất nhiều ý nghĩa.

 

Tôi nghĩ, suốt một năm qua chúng ta chủ trì các hội nghị nhưng lúc đó chúng ta chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Bản thân tôi là Chủ tịch của Ủy ban APEC tại Geneva về để báo cáo về vòng đàm phán Doha nhưng chúng ta chưa là thành viên nên có nhiều cuộc họp kín chúng ta không được tham dự.

 

Bây giờ chúng ta đã được kết nạp, đang chờ Quốc hội phê chuẩn, nhưng ít ra tôi cũng có tư cách là đại sứ của một thành viên mới của WTO. Trong đóng góp vòng Doha tôi cũng có một vai trò mà tôi cảm thấy có ý nghĩa khác hơn. Cũng vì lẽ Việt Nam vừa gia nhập WTO, chuyến sang Việt Nam của ông Pascal Lamy cũng sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.

 

Ông ấy là người ủng hộ Việt Nam, giúp Việt Nam kết thúc đàm phán EU từ tháng 10/2004 và bây  giờ ông ấy giúp Việt Nam với tư cách cao hơn, Tổng giám đốc WTO...

 

Xín cảm ơn ông!

 

Cấn Cường (ghi)

Dòng sự kiện: APEC 14 - Vietnam 2006