1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những cỗ máy in tiền dưới hầm “nhà bát giác”

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, một nhà nước cách mạng Việt Nam non trẻ bước ra từ nô lệ, đói nghèo. Trong hoàn cảnh phong ba bão tố ấy, “giấy bạc Cụ Hồ” đã ra đời...

Đất nước loạn lạc, tiền cũng… loạn!

 

Trong những năm 1940 trở về trước, dân Việt sống trong cảnh không chỉ nước nhà nô lệ mà còn buộc phải sử dụng đồng tiền nô lệ, đó là những đồng bạc giấy Đông Dương (Indochine) to bản sặc sỡ, mặt tờ giấy bạc chỉ in bằng tiếng Tây.

 

Nhưng loại tiền này thường chỉ được người dân sống ở những đô thị sử dụng vì giá trị cao, người nhà quê, sống ở nông thôn ít khi được nhìn thấy. Ở nông thôn thường chỉ xài những đồng tiền xu, hào kim loại của Đông Dương hay tiền xu của triều đình nhà Nguyễn.

 

Ngày ấy 1 đồng Đông Dương ăn tới 10 đồng franc Pháp, lương một viên quan huyện đủ nuôi vài chục con hầu, đầy tớ mà cũng chỉ 100 đồng/tháng. Ngoài chợ, cả tạ gạo chỉ bán được 3 đồng. Thế rồi khủng hoảng kinh tế tư bản, Chiến tranh thế giới thứ hai cộng với mất mùa đói kém, loạn lạc ở Đông Dương, đồng tiền ngày càng mất giá. Và đến khi nạn đói chết người hàng loạt ở miền Bắc, Nhật đảo chính Pháp, Mỹ ném bom... thì 900 đồng Đông Dương chỉ mua được 1 tạ gạo.

 

Còn đồng tiền Việt của triều đình phong kiến lúc ấy là tiền xu đúc bằng đồng có lỗ vuông ở giữa. Bình thường gọi là đồng chinh nhưng đi chợ người ta gọi là xèng. Xèng có giá trị rất thấp so với tiền Đông Dương.

 

Đồng xèng của triều đình lúc ấy chỉ được sử dụng để mua thuốc lào, quả cau, quả chuối, củ khoai... chốn quê nghèo. Khi đồng xèng Bảo Đại ra đời chỉ bằng 1/3 giá trị những đồng xèng Khải Định thì dân gian lại có câu ca: “Ba con đổi lấy một cha, làm cho thiên hạ xót xa vì tiền...”. Chưa hết, khi Nhật đầu hàng quân đội đồng minh thì ở các tỉnh phía Bắc còn xuất hiện thêm nhiều loại tiền lạ hoắc như tiền quan kim, tiền quốc tệ của Trung Quốc theo chân các đội quân Trung Hoa sang giải giáp quân Nhật...

 

Cuộc sống người dân trước cách mạng không chỉ loạn lạc trong chiến tranh, đói nghèo mà còn điêu đứng vì... loạn tiền!

 

Tiền tệ và phiên họp đầu tiên của nhà nước non trẻ

 

Ông Nguyễn Ngọc Oánh, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, kể lại: ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân thì ngay trong phiên họp đầu tiên 3/9/1945, nhà nước non trẻ đã bàn đến vấn đề cấp thiết là tài chính, tiền tệ. Chịu trách nhiệm điều phối thị trường tiền tệ ở VN lúc đó là Ngân hàng Đông Dương, nếu quốc hữu hóa thì ta cũng phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền cho vay và số tiền đang nợ. Cuối cùng Chính phủ đưa ra một giải pháp là không tiếp quản nhưng phải kiểm soát ngân hàng.

 

Ông Đặng Đình Hòe, nguyên vụ phó Vụ Tài vụ Bộ Nội thương, người trực tiếp được giao nhiệm vụ kiểm soát Ngân hàng Đông Dương, kể lại: ngày 22/8/1945 ông được Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp gọi đến Bắc bộ phủ và giao nhiệm vụ tháp tùng Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng đến làm việc với giám đốc ngân hàng đặt cơ chế kiểm soát.

 

Ban đầu, viên giám đốc người Pháp không đồng ý, hôm sau ông Hòe cùng ông Hoàng Minh Giám và Trịnh Văn Bính thành lập phái đoàn vào kiểm soát nhà băng. Đoàn đi hai xe cắm cờ đỏ sao vàng. Xe trước chở phái đoàn và xe sau là bộ đội hộ tống. Tới nơi, ông Hòe còn thấy một tiểu đội vệ quốc đoàn đứng sẵn. Lúc này thì giám đốc nhà băng mới chấp nhận sự kiểm soát của Chính phủ VN.

 

Chúng ta kiểm soát ngân hàng và sử dụng tiền phục vụ cho Chính phủ hoạt động đến ngày 23/10/1945 thì quân Pháp đã quay lại xâm lược Nam bộ.

 

Những đồng xu trong hầm bát giác

 

Giáo sư Văn Tạo cho biết thực dân Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp đô hộ thông qua chính sách tiền tệ nên đời sống nhân dân càng thêm cực khổ.

 

Một mặt chúng nắm giữ toàn bộ nền kinh tế thông qua phát hành tiền Đông Dương, mặt khác chúng vẫn cho dập tiền xu Bảo Đại để làm tiền lẻ và làm bình phong cho chính sách bảo hộ “độc lập trong khối liên hiệp Pháp”.

 

Để vơ vét lương thực triệt để hơn, dưới sự chỉ đạo của Nhật, Pháp đã in loại tiền mệnh giá lớn là tờ 500 đồng để thu mua lương thực và ngay sau đó chúng tuyên bố đồng tiền này không có giá trị. Hàng vạn người đổ xô đi đổi tiền và ai không kịp thì mất trắng.

Pháp tái chiếm Nam bộ, việc rút tiền qua tài khoản ở nhà băng Đông Dương chấm dứt, ngân hàng cách mạng đã thành lập nhưng không thể hoạt động. Hơn bao giờ hết, đồng tiền của nước VN độc lập cần phải gấp rút ra đời. Chính phủ phê duyệt phương án vừa dập tiền kim loại, vừa in giấy bạc. Tuy nhiên việc in giấy bạc còn phụ thuộc mẫu vẽ, nhà in..., còn tiền kim loại thì đơn giản hơn nên được làm trước.

 

Theo ông Trần Huy Bá, nguyên giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia (nay là Bảo tàng lịch sử), trụ sở này thời đó được gọi là “nhà bát giác”. Ông kể một chiều cuối năm Ất Dậu, trời se lạnh, ông đang ngồi trong nhà riêng ở số 18- 20 Harmand (nay là phố Trần Xuân Soạn) thì thấy một ôtô con đỗ trước cửa. Hai người đàn ông xuống xe, đi vào và tự giới thiệu là ủy viên chính phủ lâm thời.

 

Sau này ông Bá mới biết một trong hai người đó là Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng. Ông Đồng hỏi thẳng: “Máy dập tiền chinh Bảo Đại mà Tây sử dụng hiện nay ở đâu, ông đưa chúng tôi đến xem!” - “Dạ, hiện ở dưới hầm nhà bát giác trong viện bảo tàng. Nhưng nay hết giờ, không vào được. Xin mời các ông 6h30 sáng mai đến thẳng viện, tôi đợi để đưa các ông đi xem”.

 

Như kế hoạch, hôm sau mọi người mở cửa căn phòng có máy dập tiền, ở đây vẫn còn những đồng chinh đang dập dở, một số mảnh nhôm chưa cắt còn vương vãi cạnh máy. Hai người xem xét rất kỹ và bày tỏ sự mừng rỡ khi thấy máy vẫn sử dụng tốt. Ông Đồng hỏi tên và địa chỉ những người trực tiếp vận hành cỗ máy rồi dặn ông Bá hết sức bí mật chuyện này.

 

Hai ngày sau, anh Hoàng Như Ngọc, người điều khiển máy dập tiền và anh Đặng Thế Khải, nhân viên của viện, đến gặp ông Bá bàn công việc được giao. Ông Phạm Văn Đồng nói: “Loại tiền đầu tiên ta sẽ dập là đồng 5 hào, chất liệu nhôm. Hình ảnh mặt thứ nhất là cái đỉnh vàng. Xung quanh phía trên có sáu chữ “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Dưới chân đỉnh có số: 1946. Mặt sau đồng tiền có hình ngôi sao năm cánh. Trong nền sao có chữ 5 hào. Năm khe cánh của ngôi sao khắc năm cái triện quả trám. Ở cạnh rìa xung quanh đồng tiền có khía răng cưa.

 

Anh Khải được giao năm hình mẫu làm bằng đất, to gấp ba lần kích cỡ thật. Anh Khải chụp ảnh rồi thu nhỏ đúng bằng kích cỡ thật. Khuôn được tạo xong, mọi người tập trung dập thử. Cỗ máy chạy rì rì với những bánh răng, cần trục cũ kỹ và rất quen thuộc nhưng hôm nay đối với mọi người nó rất trọng đại, thiêng liêng. Đồng tiền đầu tiên sáng bóng, trắng lấp lóa, leng keng rơi xuống. Một người cầm lên, mọi đôi mắt đều dán vào dòng chữ quốc ngữ Việt Nam dân chủ cộng hòa mà nghẹn ngào đến rơi nước mắt...

 

Ít hôm sau, xưởng dập tiền được lệnh làm mẫu 1 đồng. Đồng này có một mặt in ảnh nghiêng của Bác Hồ, xung quanh có sáu chữ: “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Dưới hình Bác khắc thêm chữ “H.Ngọc” rất nhỏ. Đây là tên tắt anh Hoàng Như Ngọc, vì ghi nhận công sức của anh, cấp trên cho phép ghi vào mặt đồng tiền. Mặt sau là hình bông lúa, số 1946 và vành cũng có răng cưa.

 

Mấy ngày sau thì kháng chiến bùng nổ, máy dập tiền phải chuyển đi nơi khác nhưng những đồng tiền cách mạng đầu tiên đã kịp đưa vào cuộc sống phục vụ kháng chiến...

 

Theo Quang Thiện
Tuổi trẻ