1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những chuyện tình cảm động ở trại phong

(Dân trí) - Bỏ xứ ra đi tìm chốn dung thân, những người mắc bệnh phong chỉ mong tìm được nơi bình yên. Và chính từ trại phong này có những chuyện tình cảm động ngọt ngào.

Tìm hạnh phúc trong “bóng tối”

Những người không may mắc phải căn bệnh phong, họ phải đối diện với “bản án” khắc nghiệt, bị mọi người ruồng bỏ, xa lánh, họ gần như bị “tẩy chay” khỏi cuộc sống. Không có được sự bao bọc của người thân hoặc bất lực trước sự xa lánh của mọi người, họ đành bỏ quê hương ra đi. Thời điểm những năm bệnh phong còn hoành hành, người mắc bệnh phong gần như chìm trong tăm tối, họ khép mình trước sự hành hạ của bệnh tật, xa lánh của mọi người.

Bệnh nhân đánh cờ giải trí lúc chiều muộn.
Bệnh nhân đánh cờ giải trí lúc chiều muộn.

Người ta nói tình yêu có một sức mạnh phi thường, có thể vượt qua mọi nghịch cảnh và tạo nên những kỳ tích trong cuộc sống. Ở trại phong Ba Sao cái nơi mà những bệnh nhân phong xem như là nơi bấu víu cuối cùng, nơi cho họ cuộc sống, cho họ tìm thấy tình thương chân thành… Cũng chính từ nơi này, nhiều bệnh nhân đã tìm thấy được tình yêu từ những người đồng cảnh ngộ. Không ít những người trong trại phong Ba Sao tìm thấy hạnh phúc gia đình, thứ mà trước đó họ cho rằng đó là thứ gì đó xa xỉ đối với bản thân.

Không được đẹp và lãng mạn như những vần thơ trong những câu chuyện tình của các thi sĩ. Nhưng chuyện tình yêu của những bệnh nhân trong trại phong Ba Sao lại có một kết thúc có hậu. Từ nơi tăm tối nhất của cuộc đời, họ sống vật vờ sống trong nỗi sợ hãi, khinh bỉ, nhưng tình yêu đã cho họ ánh sáng, soi lối trên đường đời. Vào điều trị cùng nhau, thấu hiểu nỗi khổ của những người bị bệnh phong, từ đồng cảm, chăm sóc bao bọc lẫn nhau, nhiều bệnh nhân nảy sinh tình cảm rồi nên duyên vợ chồng. Đối với họ đó là thứ quý giá nhất trong cuộc đời tưởng chừng như đã tắt.

Chuyện tình của bà Vũ Thị Hiu (SN 1944), quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng và ông Bùi Văn Kiều (SN 1942), quê ở Vụ Bản, Nam Định là một trong những câu chuyện tình yêu cảm động ở trại phong Ba Sao. Hai con người ở hai nơi khác nhau, cùng nhau vào điều trị lúc trại phong mới được thành lập. Bà Hiu vào trại phong Ba Sao từ năm 24 tuổi, ông Kiều vào từ năm 26 tuồi. Từ quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, họ nảy sinh tình cảm với nhau.

Ban đầu họ cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện sẽ kết hôn, sinh con đẻ cái, vì căn bệnh quái ác còn hành hạ. Đến năm 30 tuổi, căn bệnh phong của 2 người được điều trị khỏi. Thế rồi, một đám cưới “tự túc” ngay trong trại phong được tiến hành. Khách mời chủ yếu là tập thể y bác sỹ cùng các bệnh nhân. Không cỗ, không bàn, không bánh kẹo, chỉ là những chén nước chè…

 Sân bóng chuyền của trại phong Ba Sao luôn đông đúc mỗi khi chiều đến.
 Sân bóng chuyền của trại phong Ba Sao luôn đông đúc mỗi khi chiều đến.

Cũng từ đấy, hai ông bà xin ra ở riêng, do trại phong rộng đến 86 ha, nên ban giám đốc cũng tạo điều kiện cho hai ông bà dựng một cái nhà tạm bợ để sinh hoạt. Sau hơn 30 năm kết hôn, hai ông bà cũng đã có cháu, từ lúc bỏ quê ra đi, hai người cũng không dám nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay.

Cũng như chuyện tình của bà Hiu ông Kiều, câu chuyện tình của ông Đặng Xuân Thành (81 tuổi) và bà Nguyễn Thị Toán (80 tuổi) cũng là câu chuyện cảm động về tình yêu. Dù tuổi đã cao, nhưng hai ông bà vẫn chăm lo và hết mực yêu thương nhau. Ông Thành và bàToán vào điều trị cùng một năm. Hai số phận đồng cảm quyết định “góp gạo thổi cơm chung”, họ xem trại phong Ba Sao chính là mái nhà, là một gia đình của mình.

Trong trại phong Ba Sao, ngoài mối tình nên duyên vợ chồng của bà Hiu, ông Kiều, bà Toán, ông Thành còn phải kể đến nhiều những cặp đôi là bệnh nhân nên duyên vợ chồng khác. Họ đang và vẫn sống hạnh phúc trong mái ấm bình dị ấy.

Hạnh phúc bắt đầu từ điều bình dị nhất

Những người mắc bệnh phong đa phần đều khuyết tật một phần cơ thể, những bệnh nhân lập gia đình cũng không ngoại lệ, ngoài việc gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, họ còn đối mặt với rất nhiều thứ khác. Nhưng chưa bao giờ họ kêu than, với họ có được một mái ấm gia đình đó là cả “gia tài” không thứ gì có thể đánh đổi.

Nhiều đôi vợ chồng không con cái, nhưng họ luôn chăm sóc bảo vệ nhau, với họ thế là hạnh phúc lắm.
Nhiều đôi vợ chồng không con cái, nhưng họ luôn chăm sóc bảo vệ nhau, với họ thế là hạnh phúc lắm.

Bà Đinh Thị Hợi (80 tuổi), quê Nam Định kết hôn với ông Phạm Sỹ Hào, quê ở Hà Nam, nhưng ông Hào mất cách đây 10 năm trước, còn mình bà vẫn gắng gượng sống. Mặc dù thời gian ở bên nhau không dài , nhưng với bà Hợi, những ngày tháng được ông Hào chăm sóc là quãng thời gian bà không bao giờ quên.

Bà Hợi tâm sự: “Chúng tôi về ở với nhau cũng được hơn chục năm, mỗi người mỗi quê, đồng cảm với nhau thì đến với nhau. Nói thật với chú chứ, nếu cách đây mấy chục năm thì chẳng ai dám bén mảng đến gần chúng tôi, người dân sợ chúng tôi như sợ ma vậy. Chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới đủ sức bao bọc nhau. Ông ấy là người sống tình cảm, chân thành lắm, thời gian đó với tôi rất hạnh phúc”.

Cũng như bà Hợi, ông Thành tâm sự: “Vợ chồng chúng tôi bây giờ cũng già cả rồi, tháng ngày trước kia đen tối cũng có, hạnh phúc cũng có. Rất may chúng tôi đã vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất khi bệnh tật bủa vây. Mặc dù chúng tôi không có con cháu, chỉ biết sống dựa vào nhau, bầu bạn. Lúc còn trẻ khỏe, hai chúng tôi còn làm được ruộng như trồng ngô, sắn, kiếm thêm cái ăn. Bây giờ già cả rồi, những lúc tôi ốm đau thì có bà ấy xoa bóp và ngược lại. Chúng tôi cũng chỉ cẩn có thế, hạnh phúc lắm”.

Nhiều đôi vợ chồng không con cái, nhưng họ luôn chăm sóc bảo vệ nhau, với họ thế là hạnh phúc lắm.
Từ khi chồng mất bà Hợi một mình lủi thủi, bà không bao giờ quên tháng ngày hạnh phúc khi lập gia đình.

Cuộc sống với những người trong trại phong Ba Sao vô cùng vất vả, mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 540 nghìn đồng. Những người khỏe mạnh một chút có thể tăng gia sản xuất, nhưng họ vẫn không còn lành lặn gì, dù khó khăn vất vả, nhưng chưa bao giờ họ kêu than.

Chiều muộn dần, sân bóng chuyền của trại phong đông đúc, từ các y bác sỹ, bệnh nhân và con cháu của những bệnh nhân nơi đây tham gia tập luyện, những tiếng vỗ tay, tiếng hò reo, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của mỗi người. Bên cạnh đó, khu điều trị cũng nhộn nhịp với những bàn cờ căng thẳng… Với họ cuộc sống vốn dĩ công bằng lắm, hạnh phúc cũng từ những điều tưởng chừng như rất đơn giản…

Đức Văn