1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bản án” khắc nghiệt của những người từng mắc bệnh phong

(Dân trí) - Những người mắc bệnh phong, họ có một điểm chung là đều sống xa gia đình, xa người thân, có người còn quên cả lối về. Họ đều xem trại phong Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam là gia đình, nơi đem đến cho họ niềm an ủi trong cuộc sống...

Tha hương tìm chốn dung thân

Những năm 50 - 60 của thế kỷ 20, căn bệnh phong (hủi) gây ra nỗi sợ kinh hoàng, gieo rắc chết chóc và nỗi đau li tán với nhiều gia đình. Đây đó vẫn còn những câu chuyện đau lòng, những hoàn cảnh éo le mà nguyên nhân cũng từ căn bệnh quái ác này. Những số phận không may mắc phải căn bệnh phong, họ phải đối diện với “bản án” khắc nghiệt, bị mọi người ruồng bỏ, xa lánh, họ gần như bị “tẩy chay” khỏi cuộc sống. Người mất bố mẹ, người mất con, tàn nhẫn hơn có người có gia đình nhưng không dám nhận, phải bỏ xứ mà đi biệt tích.


Ngày nay, những người mắc bệnh phong không còn bị kỳ thị , xa lánh, nhưng nỗi đau mà căn bệnh này gây ra vẫn còn quá lớn. Đến thăm trại phong Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam chúng tôi mới thấu hiểu được những cảnh đời không may mắc phải căn bệnh này. Họ, những con người đã giằng xé tâm can, chịu đựng đớn đau, dù có người đã được điều trị hết bệnh lý, nhưng nỗi đau về tâm hồn có lẽ khó nguôi ngoai.

Theo quốc lộ 21B, hướng Chi Nê - Hòa Bình, trại phong Ba Sao nằm cách thành phố Phủ Lý gần 20km, được thành lập vào năm 1968, nơi đây được chính những bệnh nhân lúc đầu vào xây dựng cơ sở. Chủ yếu họ là những bệnh nhân từ các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Bắc Ninh... tập trung về.

Trại phong Ba Sao hiện nay có hơn 80 người đang sống tại đây, đa phần họ đều là những người già cả, người ít nhất cũng hơn 60 tuổi, người nhiều tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Đinh (101 tuổi), tất cả họ gần như không nơi nương tựa. Có người gắn bó với trại phong ngay từ những ngày đầu, người ít nhất cũng gần 20 năm.

 Nhiều bệnh nhân còn khỏe mạnh vẫn tiếp tục cuộc sống mưu sinh.
 Nhiều bệnh nhân còn khỏe mạnh vẫn tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

Bà Đinh Thị Hợi (SN 1934), quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là một ví dụ điển hình, bà có lẽ là người hiểu rõ và gắn bó lâu nhất với trại phong Ba Sao. Bê bát cơm lên, đôi mắt nhìn về phía xa xăm, bà không giấu được cảm xúc khi kể về cuộc đời mình.

Năm 16 tuổi, bà Hợi không may mắc bệnh phong. Khi biết bà mắc bệnh, hàng xóm hắt hủi, xem bà như là “thần chết”, họ cố gắng xa lánh, thậm chí xua đuổi bà đi nơi khác, gia đình cũng hờ hững, ít quan tâm đến bà. Từ đấy bà bỏ nhà ra đi, đầu tiên bà đến khu điều trị Suối Tép, Ninh Bình, đến năm 1968 bà chuyển về trại phong Ba Sao, Hà Nam. Từ đấy bà xem nơi này chính là nhà mình, những người cùng cảnh là anh em, họ hàng của mình. Cũng từ khi xa xứ, bà chưa một lần quay về, bà coi như mình đã chết.

Bà Hợi cho biết: “Lúc mới mắc bệnh, người ta xa lánh, không tiếp xúc, cứ thấy tôi là họ lại chạy mất, họ sợ tôi sẽ truyền bệnh cho họ. Nghĩ lại tội lắm chú ạ! Lúc đấy những người bị bệnh như chúng tôi, đến gia đình còn xa lánh, huống hồ người dưng”.

Cũng như bà Hợi, bà Nguyễn Thị Bốn (SN 1944), quê ở Nam Định, bà bị bệnh phong rồi vào điều trị ở Suối Tép năm 1966, đến năm 1968 bà chuyển về trại phong Ba Sao. Nhưng may mắn hơn bà Hợi, bà Bốn còn có người thân đến thăm.

Cụ Nguyễn Thị Đinh, người cao tuổi nhất trong trại phong Ba Sao.
Cụ Nguyễn Thị Đinh, người cao tuổi nhất trong trại phong Ba Sao.

Hầu hết những người đến trại phong Ba Sao, người may mắn thì còn có người thân, có thể về thăm nhà vài ba hôm rồi lại đi, có người từ khi dứt áo ra đi chưa một lần về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Theo những cán bộ ở trại phong Ba Sao thì có những bệnh nhân lúc vào điều trị không hề khai báo có người thân, nhưng đến lúc sắp mất, mới cho biết mình có người thân.

Bà Trần Thị Thỏa (89 tuổi), quê ở Hải Hậu, Nam Định cho biết: “Trước đây lúc còn khỏe mạnh tôi còn hay về quê, nhưng bây giờ già yếu rồi, gần 5 năm nay tôi chưa về lại, không biết bây giờ quê hương thay đổi ra sao. Nhiều lúc nhớ nhà lắm, nhưng tôi vẫn còn tốt số hơn nhiều người ở đây có nhà mà không về được”.

Ánh sáng cuối con đường

Mặc dù các bệnh nhân đã điều trị dứt điểm được bệnh, nhưng những di chứng của bệnh phong rất nặng nề, hầu hết các bệnh nhân đều bị tàn tật vì bị cưa chân, cưa tay, cắt ngón... Một phần ba số bệnh nhân phải điều trị ở chế độ đặc biệt, hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của hộ lý. Đa phần những bệnh nhân lại không có nơi nương tựa, nên trại phong Ba Sao chính là nơi duy nhất mà họ có thể bấu víu.

Cụ Nguyễn Thị Đinh, người cao tuổi nhất trong trại phong Ba Sao.
Nhiều bệnh nhân không còn lành lặn, phải nhờ sống nhờ sự đùm bọc của các y bác sỹ và của các bệnh nhân khác.

Nhớ lại những ngày đầu mới vào trại phong, bà Vũ Thị Hiu (SN 1944), ở Tiên Lãng, Hải Phòng, vẫn chưa thể nào quên. Phải rời bỏ quê hương, gia đình khi mới đến tuổi trăng tròn, bà Hiu chỉ mong tìm cho mình một chốn nương thân.

Lúc mới vào trại phong Ba Sao, nơi đây chỉ là chốn hoang vu, hiu hắt, xung quanh là núi bao bọc. Chính vì không ai dám vào xây dựng cơ sở vật chất cho người bị bệnh phong nên ban giám đốc phải vận động chính những bệnh nhân xây dựng cơ sở vật chất, ai khỏe làm việc lớn, ai yếu làm việc nhỏ.

Cứ thể, từ việc nhỏ nhặt rồi đến việc lớn, trại phong được dựng nên bởi chính những người có khát vọng sống, khát vọng được thể hiện bản thân. Chính từ nơi này, những bệnh nhân tìm được sự đồng cảm, sự chân thành. Họ bấu víu vào nhau mà sống, cứ thế dần trở thành thân thích rồi đùm bọc, chia sẻ với nhau.

Trại phong Ba Sao rộng 86 ha, chủ yếu là đất đồi núi, vì vậy để tạo điều kiện cho các bệnh nhân, trung tâm để cho các bệnh nhân khỏe mạnh có thể trồng trọt, tăng gia sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhiều người day dứt chưa một lần được về thăm quê.
Nhiều người day dứt chưa một lần được về thăm quê.

Có những bệnh nhân chân tay gần như bị cụt hết đi lại còn gặp vô vàn khó khăn, ngoài sự chăm sóc, quan tâm của đội ngũ y bác sỹ, còn phải là sự đùm bọc lẫn nhau của chính các bệnh nhân, họ san sẻ với nhau từng miếng cơm, manh áo.

Gần được 50 năm thành lập, nhưng những bệnh nhân ở đây khi mất đi, người may mắn thì được người nhà mang về lo hậu sự, còn không thì xem nơi đây chính là nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng số người được mang về nhà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có bệnh nhân có người thân thích, có quê hương, có tổ tiên nhưng họ vẫn muốn xem trại phong Ba Sao là nơi yên nghỉ của chính mình. Nơi đây với họ không chỉ là nơi điều trị, nơi đây còn cho họ cuộc sống, cho họ tìm thấy tình thương…

Đức Văn