1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những chuyện ly kỳ từ chuyên án chưa kịp đặt tên

(Dân trí) - Một chuyên án mà tưởng như chỉ có trên màn ảnh. Chúng tôi tìm gặp những cán bộ, chiến sĩ của phòng PC 14 (Công an TP Hải Phòng) để được nghe về quá trình phá án vụ cháu Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng bị bắt cóc.

Chuyên án 6 tỷ đồng

Khoảng 6h25 phút ngày 15/11, như thường lệ, anh Nguyễn Công Doanh (SN 1985) lại đưa cậu em họ là Nguyễn Thanh Tùng (SN 2000) trú tại số 6, khu 6, phường Đằng Hải, Hải An đến trường tiểu học bán công Đinh Tiên Hoàng, Hồng Bàng.

Khi vừa dời nhà được vài trăm mét, đến đoạn đường Lê Hồng Phong (khu vực TD Plaza) thì 1 nhóm đối tượng bịt mặt, đội mũ bảo hiểm đi trên 2 xe máy cùng chiều bất ngờ áp sát, ép anh Doanh vào lề đường để giải quyết 1 vụ tai nạn giao thông trước đó!

Anh Doanh vừa dừng xe, ngay lập tức một đối tượng nhảy lên ngồi sau cháu Tùng, rút súng đe doạ, rồi bế thốc cháu Tùng nhảy vọt sang xe máy của đồng bọn rồ ga vọt mất.

Vài giờ sau, trong khi bố mẹ cháu Tùng là anh Nguyễn Công Hân (SN 1972 - hiện là Phó phòng Tài chính của quận Hải An) và chị Nguyễn Thị Yến (SN 1974 - hiện là bác sĩ Bệnh viện Việt Tiệp) đang hoảng loạn tìm kiếm cháu thì một người xe ôm mang đến nhà chiếc phong bì trong có thẻ sim điện thoại với lời nhắc: "muốn tìm con, hãy kích hoạt số điện thoại này, sẽ có người liên lạc".

Khi anh Hân vừa tra chiếc sim vào điện thoại thì chuông đổ. Trong điện thoại có tiếng của một nam giới cho biết: cháu Tùng đang trong tay anh ta, nếu gia đình muốn gặp lại cháu thì hãy chuẩn bị 6 tỷ đồng tiền chuộc. Đối tượng cũng cảnh cáo tính mạng của cháu bé, nếu gia đình anh Hân có biểu hiện trình báo công an...

Ngồi trước mặt chúng tôi vào chiều hôm qua 19/11, thượng tá Dương Tự Trọng - Trưởng phòng PC 14 cho biết: “Đây là chuyên án rất phức tạp với đối tượng cầm đầu từ khi bắt cóc cho đến tận lúc này chưa hề lộ diện. Mọi cuộc trao đổi đều thực hiện từ bên kia biên giới”.

Anh Nguyễn Công Hân ngậm ngùi kể lại: “Liên tiếp nhiều đêm cả gia đình thức trắng. 2h sáng ngày 19/11, trong cuộc trao đổi kẻ bắt cóc đã “hẹn” ngày chuyển một cánh tay của cháu Tùng trở về nhà nếu ngay trong ngày chưa nhận được tiền. Chúng tôi thật sự hoang mang”.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các quận, huyện đồng loạt tiến hành điều tra. Bản thân ông Giám đốc (hiện đang họp Quốc hội) cũng thường xuyên đi về Hà Nội - Hải Phòng để trực tiếp chỉ đạo các lực lượng xác lập chuyên án.

Bộ Công an cũng được mời nhập cuộc để trao đổi kinh nghiệm. Cuộc họp khẩn về chuyên án này diễn ra hàng đêm, và một điều đặc biệt, chuyên án chưa hề được đặt một bí số!

Trong quá trình liên lạc với gia đình cháu Tùng, các đối tượng thường xuyên thay đổi số điện thoại. Những cuộc liên lạc này, đều xuất phát từ bên kia biên giới Việt Nam và đối tượng cầm đầu không bao giờ "xuất đầu lộ diện".

Những chuyện ly kỳ từ chuyên án chưa kịp đặt tên - 1
  

Chiếc thuyền nơi giam giữ cháu Tùng   

Khi liên lạc với gia đình, bọn bắt cóc đòi gia đình cháu Tùng phải "chồng" đủ 6 tỷ đồng rồi hạ xuống 3 tỷ đồng, mức “giá” cuối cùng bọn chúng chấp nhận là 2 tỷ đồng. Qua điện thoại, đối tượng gia hạn nếu ngày 19/11, vợ chồng anh Hân không chuyển đủ số tiền trên qua Đông Hương - Trung Quốc thì gia đình sẽ nhận được lần lượt từng bộ phận cơ thể cháu Tùng hoặc chúng sẽ tiêm HIV vào người cháu.

Thậm chí, tên này còn đe doạ sẽ cho cháu Tùng "đi tầu suốt" để gia đình vĩnh viễn không bao giờ gặp lại cháu. Gia đình anh Hân hoang mang đến tột độ, phải vay mượn họ hàng, đem sổ đỏ nhà đi cầm cố để gom đủ số tiền 2 tỷ đồng với mong muốn nhận lại đứa con của mình.

An toàn cho cháu bé là trên hết!

Ngay trong đêm 17/11, thượng tá Dương Tự Trọng cùng hơn 50 cán bộ trinh sát PC 14 tựu quân tại Móng Cái (Quảng Ninh) và lần tìm đầu mối tại Đông Hưng - Trung Quốc.

Suốt một ngày đêm thượng tá Trọng cùng đồng đội lần lượt tìm kiếm, gạch xoá các manh mối của vụ án. Mọi sai lầm có thể bị trả giá bất cứ lúc nào nhưng bằng linh tính dạn dày, thượng tá Trọng quyết định “cất lưới” tại Hải Phòng.

Kiên trì vận động gia đình phối hợp, cung cấp cho Công an những thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán với đối tượng, cuối cùng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát  PC 14 đã xác định được một nhóm gồm 4 đối tượng tham gia vụ bắt cóc, tống tiền trên.

Những chuyện ly kỳ từ chuyên án chưa kịp đặt tên - 2
  

Đối tượng Nguyễn Ngọc Tú 

8h15 phút ngày 19/11, một mũi trinh sát đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Ngọc Tú  (SN 1965) trú tại số 41 ngõ 212 Đà Nẵng, Ngô Quyền, là đối tượng đã dùng súng uy hiếp anh Doanh để bắt cóc cháu Tùng. Lệnh bắt được thực hiện ngay khi Tú đang đưa con gái đi học. Do tính cấp thiết của vụ án, công tác hỏi cung được thực hiện ngay trên phố.

Trung tá Tuấn - Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, một trong những người đầu tiên tiếp cận đối tượng này nhớ lại: “Câu nói đầu tiên chúng tôi dành cho Tú chỉ ngắn gọn: hãy đặt địa vị mình về phía gia đình nạn nhân, nếu ai bắt cóc con anh, anh sẽ đau đớn, khổ sở như thế nào?”. Tú đã khóc trước khi chiếc còng số 8 bập lên một tiếng khô khốc…

Để tránh rủi ro đến mức thấp nhất cho nạn nhân, các trinh sát đã quyết định mạo hiểm dùng ngay Tú làm mồi nhử của chiến dịch “điệu hổ ly sơn” - kéo đối tượng trông giữ cháu Tùng đi xa khỏi cháu bé - hiện bị giam giữ trên một chiếc tàu đánh cá đang neo tại bến sông khu vực đảo Đình Vũ thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An.

“Hổ đã ly sơn”, một mũi trinh sát do đích thân thượng tá Dương Tự Trọng chỉ huy ngay lập tức ập vào giải cứu an toàn cháu Tùng.

Cùng sáng 19/11, lực lượng Bộ Công an cũng đã triệu tập Nguyễn Thị Kim Quy (SN 1971) ở 16/212 Đà Nẵng, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền (một đối tượng đã có 1 tiền án về ma tuý) là chủ chiếc tàu trên. Chiếc tàu này được các đối tượng mua thanh lý của lực lượng bộ đội biên phòng trước đó 4 tháng chỉ dùng cho mục đích vụ bắt cóc...

Chiều 19/11, trong buổi gặp mặt thân tình giữa “2 người cha” của cháu Tùng - một người cha có công sinh thành nuôi dưỡng, một người cha góp phần bảo vệ an toàn tính mạng cho cháu đã ôm nhau và khóc.

“Anh em chiến sĩ trong đội đã nhường tôi được vinh dự là người đầu tiên ôm cháu bé vào lòng. Cảm giác hạnh phúc, mừng vui khi đó có lẽ sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Câu nói đầu tiên cháu bé dành cho chúng tôi lại rất giản đơn: “cháu không sợ mấy ông bắt cóc”, thượng tá Trọng mỉm cười nhớ lại.

Với chúng tôi, những người vì duyên nghề nghiệp, đã được theo sát các anh 4 ngày cho “chuyên án không được đặt tên” khi đó cũng không giấu nổi niềm xúc động.

Phúc Hưng