1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những chuyện cười ra nước mắt ở “làng tỷ phú”

(Dân trí) - Bỗng chốc có tiền tỷ trong tay, hàng chục hộ dân ở thôn Vi Rin, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đua nhau mua ô tô, xe máy… Cũng vì bỗng nhiên có nhiều tiền đã nảy sinh những chuyện cười rơi nước mắt.

Toàn thôn Vi Rin chỉ có 40 hộ dân, hầu hết là người đồng bào dân tộc Xê Đăng. Bao đời người dân bên con suối Nước Ngôn này gắn với cây sắn, cây lúa, cuộc sống tuy khó khăn nhưng vui vẻ.

 

Từ khi nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum được xây dựng, hàng chục hộ dân bị thu hồi đất và được đền bù. Người nhiều thì đôi ba tỷ, người ít cũng vài chục triệu đồng, cuộc sống của người dân ở đây bắt đầu thay đổi. Những  người dân làng, xã khác phải nhìn các hộ dân này với con mắt khâm phục về mức độ “chịu chơi”.
 
Một cặp vợ chồng trẻ bên chiếc U oát mới tậu

Một cặp vợ chồng trẻ bên chiếc U oát mới tậu

 

Đợt đầu tiên cả thôn nhận được tiền đền bù hoa màu trên đất là vào tháng 4/2012. Có tiền, cả làng nô nức rủ nhau mua xe máy, điện thoại, ti vi, tủ lạnh… Ăn uống hát hò cả ngày.

 

Bà Bùi Thị Oanh (60 tuổi) bán hàng ở thôn Vi Rin đã gần 20 năm, kể lại: “Cả làng nhận tiền, nhà nào cũng đi xe ra tận huyện mua cả xe hàng về ăn dần. Nhà này ăn hết lại sang nhà khác mua. Đặc biệt là ở đây nhậu triền miên nhưng chỉ uống bia và rượu vodka, rượu trắng rẻ tiền không thèm uống. Chỉ được tầm 7 tháng khi tiền tiêu hết họ lại ra nhà tôi mua nợ”.

 

Đợt hai vào khoảng đầu năm 2013, cả thôn được đền bù tiền đất rẫy, ruộng, người nhiều nhất được nhận gần 3 tỷ đồng. Sẵn tiền rủng rỉnh trong tay, cả làng rủ nhau mua… ô tô. Những chiếc U oát, Innova, Kamaz… lần lượt được tậu về. Khởi xướng cho phong trào chơi “xế xộp” này là trưởng thôn A Sơn với 1 xe Innova  7 chỗ. “Mình mua chiếc xe to thế này nhưng rẻ lắm, chỉ có hơn 100 triệu thôi à” - A Sơn hồ hởi khoe. 

 

Theo chân trưởng thôn A Sơn, những hộ khác có tiền đền bù cũng lặn lội đi “săn” xe để mua, đến nay cả thôn đã có 9 chiếc U oát, 1 chiếc 7 chỗ chưa kể đến những chiếc xe Kamaz, máy xúc. Điều đáng nói là hầu hết người dân đều chưa có giấy phép lái xe, thậm chí lúc mua xe về cũng không biết lái.

 

Bà Oanh tấm tắc: “Công nhận đàn ông ở đây tài thật, chỉ một đêm tập là biết lái xe”.

 

Bà Oanh kể, mọi người cứ tự dạy nhau lái xe, có người đang tập thì lao xuống suối, nhờ người khác kéo lên nhưng người này cũng bị lầy luôn. Phải thuê máy múc kéo hai xe lên, mỗi xe phải trả công cho máy múc 4 triệu đồng.

 

Ngoài ô tô, các hộ dân còn đua nhau mua xe máy. Nhà nào cũng phải có từ 4 chiếc xe chở lên, phân định rõ ràng: một xe đi làm, một xe đi chơi. Hay như vợ chồng A Bình và Y Loan, mặc dù không biết đi xe máy cũng mua 4 chiếc về dựng trong nhà cho… bằng bà con hàng xóm.

 

Thanh niên trong làng, con trai đều có xe Exiter đời mới, con gái phải là xe tay ga. Để cho bằng anh em trong làng, A Nao đã bán tống bán tháo chiếc xe Sirius mới mua từ tháng 4/2012 với giá… 600 ngàn đồng để rước về một chiếc Exciter hơn 50 triệu đồng. Hay như trường hợp người phụ nữ già sau khi nhận tiền đợt một mua ngay con bò giá 12 triệu đồng, nhưng khi hết tiền thì bán tháo 7 triệu.
 
Xe sang chạy trên đường làng!
 
Xe sang chạy trên đường làng!

"Xe sang" chạy trên đường làng!

 

“Đẳng cấp” hơn là một thanh niên bị tật ở chân, mới mua một chiếc xe Exciter hơn 50 triệu, đi được vài bữa bị cháy côn, không thèm dắt xe ra quán sửa, gọi luôn thợ mang mang đồ vào thay hết… 19 triệu đồng.

 

Người lớn chơi ô tô, thanh niên ganh nhau xe máy, còn trẻ con ở Vi Rin từ “lớp lá” đã mỗi em có một chiếc điện thoại chỉ để… nghe nhạc, chơi điện tử.

 

Ở Vi Rin, hiếm hoi lắm mới có nhà nhận được tiền đền bù đem cất đi. Bởi hầu hết những người trong làng đều tin rằng họ sẽ còn được nhận tiền đền bù 2-3 lần nữa. Họ cứ “thoải mái tiêu”, có nhà mới nhận tiền tỷ mà đã phải đi vay nợ để… mua sắm.

 

Rất nhiều hộ cũng đem tiền đi gửi tiết kiệm, nhưng cứ một tuần lại đi “rút hai, ba chục triệu về tiêu dần”.

 

Ông Phan Đình Hải - Phó chánh văn phòng UBND huyện KonPlong - ngạc nhiên thốt lên: “Sao anh biết?” khi PV Dân trí đặt vấn đề về mức độ ăn chơi của thôn Vi Rin.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plong - cho biết, khi bà con nhận tiền đền bù, huyện đã tư vấn sử dụng tiền để phục vụ sản xuất, tuy nhiên do trình độ dân trí thấp nên đã xảy ra hiện tượng “ném tiền” như trên. Chính quyền sẽ tổ chức tuyên truyền để bà con hiểu. 

 

Hoàng Thanh