Những chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 8
(Dân trí) - Bỏ quy định trẻ dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế, tăng mức trợ cấp cho người có công, điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ hưu… là những chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 8/2018.
Bỏ quy định học sinh dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế
Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ ngày 01/08/2018. Nghị định 86 bỏ quy định học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi không được học các chương trình đào tạo nước ngoài trước đây. Quy định mới chỉ yêu cầu số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh.
Nghị định 86 cũng nêu rõ thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.
Ngoài ra, Nghị định 86 cũng quy định thời hạn hoạt động của liên kết đào tạo, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không quá 5 năm (kể từ ngày phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm và không quá thời hạn thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết).
Tăng mức trợ cấp cho người có công
Nghị định Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với Cách mạng có hiệu lực từ ngày 27/8. Quy định mới nêu rõ từ 1/7/2018, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với Cách mạng là 1.515.000 đồng/tháng; thay cho mức 1.417.000 đồng/tháng trước đây.
Mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.515.000 đồng/tháng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.270.000 đồng/tháng; bệnh binh được hưởng trợ cấp từ 1.581.000 - 3.859.000 đồng/tháng, tùy mức suy giảm khả năng lao động; riêng bệnh binh bị suy giảm từ 81% trở lên còn được hưởng thêm mức phụ cấp từ 760.000 - 1.515.000 đồng/tháng.
Hà Nội được thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng
Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội có hiệu lực từ ngày 10/8. Thời gian thí điểm trong vòng 24 tháng, kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.
Theo Quyết định 26, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng. UBND cấp huyện sẽ được Đội Quản lý xây dựng tham mưu trong việc thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.
Ngoài ra, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được yêu cầu các chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng, các tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình; thực hiện nhiệm vụ thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý.
Điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ hưu
Từ ngày 15/8, Thông tư 08 của Bộ Nội vụ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu nghỉ việc chính thức có hiệu lực. Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 1.974.000 đồng/tháng; đối với Phó bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.910.000 đồng/tháng.
Quy định tiêu chuẩn cán bộ chuyên ngành giáo dục nghề
Thông tư 03 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/8. Thông tư nêu rõ, viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp phải tâm huyết với nghề, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo.
Viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp cũng phải công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí. Có phẩm chất, đạo đức tốt; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ; Có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; Có lý lịch rõ ràng.
Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp không quá 10 tỷ đồng
Nghị định 98về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 20/8. Theo đó, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết. Tổng mức hộ trợ theo Nghị định 98 là không qua 10 tỷ đồng.
Nghị định cũng nêu rõ mức hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
Quy định này cũng nêu ra các điều kiện hưởng ưu đãi đó là phải phù hợp với quy hoạch; Có Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; Thời gian liên kết tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm, tùy sản phẩm nông nghiệp nuôi, trồng.
Quang Phong