Những chính sách nhân văn làm nổi bật vai trò vị tư lệnh ngành!

Quang Phong

(Dân trí) - Năm 2021 đã qua, khép lại những tháng ngày thực sự vất vả của người dân cả nước cũng như của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhìn lại một năm đặc biệt với những chính sách "chưa có tiền lệ", các đại biểu Quốc hội ghi nhận những nỗ lực "đậm tính nhân văn" của cán bộ toàn ngành cũng như vai trò nổi bật của vị tư lệnh ngành - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung…

Một đồng hỗ trợ lúc khó cũng quý giá!

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam) đánh giá rất cao những nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ trung ương, đến địa phương trong suốt năm 2021. Toàn ngành đã luôn cố gắng đảm bảo tốt nhất đời sống cho những người nghèo, gia đình chính sách, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Những chính sách nhân văn làm nổi bật vai trò vị tư lệnh ngành! - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi thương binh Nguyễn Tường Vĩnh (Ảnh: Văn Dũng).

Ông Vũ Trọng Kim đặc biệt nhấn mạnh việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu các cấp lãnh đạo để ban hành những gói an sinh xã hội "chưa có tiền lệ" như gói chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh theo Nghị quyết 68 (ngày 1/7/2021) với tổng mức tiền 26.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 (ngày 1/10/2021), với tổng mức tiền 38.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Kim, các gói an sinh này đã góp phần giúp đỡ hàng triệu người dân, người lao động, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi dịch bệnh tác động nghiêm trọng, làm hàng triệu người mất công ăn, việc làm, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, thua lỗ… 

Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch lần thứ tư "hoành hành" ở TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam, dẫn tới làn sóng dịch chuyển lao động từ khu vực đô thị, trung tâm sản xuất công nghiệp về quê, theo đại biểu Vũ Trọng Kim, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm việc với các bộ ngành và tỉnh thành liên quan đưa ra những chính sách sớm phục hồi thị trường lao động, cơ cấu lại thị trường lao động.

Do vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, các tỉnh, thành bước vào trạng thái "bình thường mới", người lao động đã an tâm quay trở lại đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làm việc. Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, trong suốt năm qua, lãnh đạo ngành lao động đã phối hợp rất tốt với các bộ ngành, địa phương trong việc xử lý những vấn đề cấp bách, dân sinh bức xúc, đặc biệt là an sinh xã hội và việc xử lý đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

"Vai trò của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vị tư lệnh ngành trong năm qua rất nổi bật. Bộ trưởng đã có những quyết định điều hành kịp thời. Có những chính sách Thủ tướng mới cho ý kiến, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã có chủ trương thực hiện rồi" - vị đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định chia sẻ. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, rất cần những cán bộ năng động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm như vậy, còn nếu cả bộ máy cứ "bình chân như vại" thì không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Những chính sách nhân văn làm nổi bật vai trò vị tư lệnh ngành! - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 (Ảnh: Văn Dũng).

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Hà Nam) nhận định, 2021 là một năm thực sự vất vả của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. "Để giải quyết kịp thời những chính sách cho người dân bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều cán bộ của ngành không quản ngày đêm làm việc. Vì vậy, mà những chính sách an sinh xã hội khi Trung ương ban hành thì các địa phương đã triển khai ngay đến với người được hưởng", bà Hiền nêu quan điểm.

Nhìn lại một năm sóng gió lịch sử, đại biểu tỉnh Hà Nam đánh giá, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thể hiện là vị tư lệnh có kinh nghiệm xử lý những vấn đề nóng của ngành. 

Đại biểu Trần Thị Hiền nhấn mạnh ý nghĩa, những lúc khó khăn thì một đồng hỗ trợ đối với người lao động và doanh nghiệp đều rất đáng quý. Do vậy, bà Hiền mong muốn thời gian tới ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phát huy những gì đã làm được để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, người nghèo, gia đình chính sách…

"Bộ trưởng đã chỉ ra biện pháp căn cơ, thuyết phục"

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái cũng chia sẻ tâm đắc với việc trong năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, có những gói hỗ trợ an sinh kịp thời cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4. Từ các chính sách hỗ trợ lần thứ nhất theo Nghị quyết 42 năm 2020 (gói 62.000 tỷ) tới đợt hỗ trợ lần thứ hai theo Nghị quyết 68 năm 2021 (gói 26.000 tỷ) đã có những điều chỉnh phù hợp, tích cực. Chính sách đã phủ rộng, dành cho các nhóm đối tượng: người lao động bị tạm dừng hợp đồng lao động; người lao động bị ngừng việc; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; người lao động mang thai, nuôi con nhỏ; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động; trẻ em bị nhiễm, cách ly; hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền ăn cho F0…

"Hồi hương là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng khi bà con không còn việc làm, không có thu nhập; phải sống trong những phòng trọ vô cùng chật hẹp, bức bối, phải đối mặt với những nguy cơ đe dọa sức khỏe tinh thần… Vấn đề này dù không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ ra những giải pháp căn cơ, thuyết phục cho thời gian tới" - đại biểu Nguyễn Huy Thái nhận xét.

Những chính sách nhân văn làm nổi bật vai trò vị tư lệnh ngành! - 3

Người dân TPHCM xếp hàng nhận gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Hải Long).

Nêu đánh giá khái quát về người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sau phiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 giữa tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nắm chắc tình hình, thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Bộ trưởng đã thẳng thắn, phân tích thỏa đáng đối với những vấn đề cấp thiết trong các lĩnh vực quản lý, có định hướng, giải pháp với nhiều hoạt động cụ thể cho thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề lao động, việc làm và xã hội nói chung, nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do dịch Covid-19 và những định hướng giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển thị trường lao động, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề bức thiết với cả nước trong năm 2021.

Đánh giá cao các biện pháp đảm bảo an sinh đã được thực hiện trong năm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ người dân, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, đảm bảo mọi người được tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất. Ông cũng muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi đặt trong tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong và hậu đại dịch Covid-19, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, trong đó lưu ý tới các vấn đề bình đẳng giới, hỗ trợ người lao động nữ, lao động nhập cư, lao động tự do trong khu vực phi chính thức và những người yếu thế trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý Bộ LĐ-TB&XH quan tâm tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, nhất là bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19; giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa bảo trợ xã hội, tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương; triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đặt trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.