1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những chiêu “chém” khách ở Chùa Thầy

Hàng năm, chùa Thầy thu hút một lượng lớn du khách tới tham quan. Thế nhưng, những chiêu “chém đẹp”, những thủ đoạn lừa đảo ở ngay chốn linh thiêng này làm nhiều người không muốn quay lại.

Anh N.T.Thành (Cầu Giấy - Hà Nội) cùng 3 người bạn rủ nhau đi chơi chùa Thầy. Vào đến hồ Long Trì, mọi người đang mải ngắm cảnh thì có người đưa cho anh một thẻ vàng hương. Thấy vậy anh Thành liền nói “không mua đâu” thì được trả lời rằng “đây là lộc chùa phát cho du khách, cứ cầm đi”. Anh liền cầm lấy không chút do dự. Anh bạn đi cùng cũng cầm một thẻ.

 

Họ đi được một đoạn thì anh chàng vừa phát lộc chạy theo: “Anh chị cho em xin tiền vàng hương, mỗi thẻ giá 7000đ, đoàn mình lấy 2 thẻ hết 14.000đ”. Cả nhóm ngỡ ngàng vì những tưởng lộc chùa phát miễn phí ai ngờ bị đòi tiền với giá cắt cổ.  

 

Hai thẻ vàng này ngoài chợ cùng lắm chỉ 2.000đ. Lại còn nhàu nát! (có lẽ đã qua tay nhiều người). Mọi người cương quyết không trả tiền. Đôi co một hồi, họ quyết định trả lại. Anh ta vẫn tiếp tục đi theo kỳ kèo: “Đây là của Phật, hàng đã mua xong, cầm trên tay rồi không được trả lại, mất thiêng. Còn ai mua cho nữa”.  

 

Van vỉ không xong, anh ta quay sang đe dọa: “Nếu chúng mày không chịu trả tiền thì đừng có trách. Không còn đường mà về đâu”. Rồi anh ta ngồi xuống bậc đá như ăn vạ. Mọi người đi tiếp, anh ta liền đuổi theo, vừa chỉ tay vừa gằn giọng chửi tục tĩu…

 

Nghe chuyện, một chị hàng nước ven đường chép miệng bảo đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chúng không chỉ có 1 mà có tới 4 - 5 tên... Những người này hầu không có công ăn việc làm, lại ham chơi, nghiện ngập. Để có tiền chúng thường xuyên giở thủ đoạn buôn gian bán lận với du khách thập phương. Vì đây là nơi cửa Phật nên nhiều người cũng tặc lưỡi trả tiền để lấy may và tránh phiền phức. Nhưng cũng có người không chịu trả tiền thì bị chúng đe doạ, chửi rủa thậm chí có người còn bị chúng chặn đánh.

 

Không chỉ ở chân núi Sài Sơn mà nhiều chiêu lừa kiểu này cũng có mặt ở trên chùa Cao, trong hang Cắc Cớ. Du khách khi vào bên trong thì có người mời thắp hương, hoá vàng (sau đó cũng phải trả tiền với giá cắt cổ) và cầm vài cành lộc chùa lấy may, nói là lộc chùa phát cho khách hành hương. Tuy nhiên vừa ra đến cửa hang thì có người chặn lại hỏi xin tiền vì “lộc này nhà chùa không tự sản xuất ra được mà phải lấy từ nơi khác về”.

 

Du khách cứ “tùy tâm” trả tiền khoảng 15 - 20 nghìn thậm chí 50 nghìn/1 cành lộc. Trong khi giá một cành lộc ở nơi khác và ngay cả ở dưới chân núi cũng chỉ vài nghìn bạc. Nếu ai trả thấp thì cũng khó mà đi nổi.  

 

Nhiều người trước khi vào hang đã được một số người ở đây dặn “kín”: “Không nhận bất cứ thứ gì người khác đưa cho”. Không phải ai cũng khôn ngoan “lách” qua được chiêu lừa này. Có người vì từ chối lấy lộc mà buột miệng nói: “Chị cho thuê đèn đã dặn là không được cầm bất cứ thứ gì”. Kết quả là, chị cho thuê đèn bị bọn chúng “dằn mặt” vì “dám xen vào chuyện làm ăn của người khác”!

 

Lại đến chuyện những người “hướng dẫn viên tình nguyện”. Họ có thể “hướng dẫn” cho du khách từ khi mới đón hoặc trên đường, là những người bán hàng, cho thuê đèn… Họ rất “nhiệt tình” chỉ dẫn cặn kẽ cho du khách, từ sự tích ngôi chùa, cái hang, bức tượng đến ý nghĩa của nó rồi trình tự tham quan, thắp hương, chọn mua đồ dâng Phật...

 

Ngoài ra, có người còn “mách” cho du khách tránh những chiêu lừa của “dân thổ địa” hoặc mua hàng với giá rẻ. Và đến phút cuối mới hiện rõ là một “máy chém” đòi du khách phải trả “phí hướng dẫn tham quan”, ít thì 2 - 3 chục, nhiều thì vài trăm ngàn! Nhiều người ngậm đắng nuốt cay móc hầu bao ra trả.  

 

Những món đồ lưu niệm được hướng dẫn mua cũng bị chém với giá cắt cổ, một chiếc lư hương bị thét rới 200.000 trong khi chỉ đáng vài chục, tấm bát quái trừ tà chỉ độ 2-3 chục thì bị thét tới 250.000.

 

Hiện tượng “buôn gian bán lận” này đã có từ lâu và cũng không chỉ ở chùa Thầy mà ở rất nhiều nơi khác nữa. Rất nhiều du khách đã mắc “bẫy” của những kẻ lừa đảo ngay tại chốn cửa thiền linh thiêng.

 

Theo Huy Hưng 
Vietnamnet