1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hội An:

Những “chiến binh” dọn rác với ca làm việc “cực khổ nhất năm”

(Dân trí) - Trong khi mọi người quây quần bên gia đình vui đón Giao thừa, những công nhân vệ sinh ở Hội An (Quảng Nam) vẫn miệt mài xuyên đêm quét dọn đường phố sạch sẽ.

Làm việc gấp 3-4 lần ngày thường

Đêm 30 Tết, khi mọi người hân hoan đón Giao thừa cũng là lúc công nhân vệ sinh môi trường Công ty Công trình công cộng Hội An bắt đầu vào ca làm việc “cực khổ nhất năm”. Lượng rác ngày này thường gấp 4-5 lần ngày thường, họ phải làm việc xuyên đêm góp phần làm sạch đường phố ngày đầu năm mới.

Những “chiến binh” dọn rác với ca làm việc “cực khổ nhất năm” - 1

Công nhân vệ sinh làm xuyên đêm giao thừa để đảm bảo trả lại đường phố sạch sẽ mọi người đón năm mới

Trong ánh điện lung linh đêm Giao thừa, những bóng áo xanh lại lặng lẽ quét dọn những túi rác ngổn ngang giữa đường, những chậu hoa bị người bán hoa tết đập bỏ không thương tiếc…

Chị Huỳnh Thị Hoa (SN 1990) làm công nhân vệ sinh môi trường đã 6 năm nay và cũng chừng ấy năm chị gắn bó với công việc quen thuộc này vào đêm Giao thừa.

Những “chiến binh” dọn rác với ca làm việc “cực khổ nhất năm” - 2
Những “chiến binh” dọn rác với ca làm việc “cực khổ nhất năm” - 3

Lượng rác lớn từ chợ hoa xuân.

Chị bảo, nhiều người mong Tết bao nhiêu thì công nhân vệ sinh môi trường lại “sợ” Tết bấy nhiêu, bởi lượng rác ngày Tết thường tăng gấp 3-4 lần ngày thường, công việc của công nhân vì thế cũng vất vả hơn. Đêm Giao thừa, mọi người quây quần bên gia đình thì những công nhân như chị vẫn mải miết trên các con phố với cây chổi tre trên tay.

“Tôi có con nhỏ để ở nhà chồng chăm, nhờ có sự động viên và giúp đỡ của gia đình mà tôi có thể yên tâm hoàn thành công việc. Nhiều lúc chạnh lòng, nhưng bù lại nhờ công sức của mình mà đường phố vào những ngày Tết sạch đẹp hơn lại thấy yêu nghề, gắng sức với công việc”, chị Hoa chia sẻ.

Những “chiến binh” dọn rác với ca làm việc “cực khổ nhất năm” - 4

Dù bao năm phải đón giao thừa ngoài đường, nhưng công việc ý nghĩa làm sạch đường phố lại là động lực để họ cố gắng

Theo nhiều công nhân vệ sinh, Tết năm nay lượng rác rất lớn do người bán hoa ế hàng, họ đập hoa và chậu, vứt ngổn ngang trên đường rất phản cảm, khiến công việc của những công nhân vệ sinh lại cực nhọc hơn.

Với 20 năm trong nghề, cũng là 20 năm chị Trần Thị Tư (Đội trưởng Đội công nhân vệ sinh môi trường TP Hội An) đón giao thừa ngoài đường. Theo chị, công việc quét dọn vào ngày Tết thường khó nhọc và lượng công việc rất lớn.

Những “chiến binh” dọn rác với ca làm việc “cực khổ nhất năm” - 5

Chạy đua cùng thời gian

Ngoài lượng rác tại điểm tổ chức đón giao thừa, thì rác từ chợ hoa xuân đôi khi cũng là nỗi ám ảnh. Năm nay, người bán hoa thừa nhiều hàng, họ đập chậu và phá hoa, chợ hoa kết thúc nhưng “tàn tích” để lại khiến công nhân vệ sinh rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

“Phải chi họ để nguyên chậu hoa thì chúng tôi có thể xếp lại, tưới nước trang trí thêm cho đường phố ngày Tết. Nhưng đằng này, họ lại đập chậu, phá nát hoa khiến đường phố trở nên nhếch nhác. Vừa phải thu gom mảnh vỡ từ chậu, rồi hoa bị phá văng tung tóe khắp nơi, còn cả đất cát mỗi lần đưa lên xe là bụi tung mù mịt. Công việc đêm 30 đã vất vả, nay càng thêm khó khăn gấp nhiều lần”, chị Tư nói.

Những đôi chân không mỏi

Dù đã hơn 1h sáng ngày mùng 1 Tết nhưng những công nhân vệ sinh vẫn cặm cụi quét đường do lượng công việc rất lớn. Họ dự đoán phải gần 4 giờ sáng mới xong công việc, trả lại mặt đường sạch đẹp cho mọi người du xuân.

Những “chiến binh” dọn rác với ca làm việc “cực khổ nhất năm” - 6

Lượng rác tăng cao khiến công việc thêm vất vả

Gần sáng, tiếng chổi quét đã giảm lực do mệt mỏi, họ phải chạy đua cùng thời gian để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. Nhiều lúc tưởng chừng “gục ngã”, nhưng mọi người lại động viên nhau quét dọn sớm để còn về đón Tết cùng gia đình.

Chị Phạm Thị Hoa với 17 năm trong nghề, với chị nghề công nhân vệ sinh như “cái nghiệp” vận vào thân, nhiều lúc tưởng chừng bỏ cuộc nhưng cuối cùng lại thôi, bỏ thì lại nhớ.

“Dù vất vả nhưng làm mãi rồi cũng quen với việc, yêu nghề và gắn bó cuộc đời với nó lúc nào chẳng hay”, chị Hoa chia sẻ.

Công nhân được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, nhưng bên cạnh đó họ cũng cần nâng cao cảnh giác, xử lý những “tai nạn nghề nghiệp” bất ngờ.

Chị Hoa kể, có đợt chị đang quét dọn thì nghe tiếng phanh gấp đằng sau, linh tính mách bảo chị nhanh chân nhảy lên lề mới thoát. “Lần đó tôi không sao, chỉ có chiếc xe đẩy rác bị tông móp phần đuôi sau, nguyên nhân do người cầm lái uống rượu bia phóng nhanh. Ngoài ra, nhiều lúc gặp đối tượng say xỉn họ có những câu nói rất khó nghe, nhưng mình cũng chỉ biết bỏ ngoài tai để lo công việc thôi”, chị Hoa nói.

Công nhân vệ sinh Hội An quét rác xuyên giao thừa

Các công nhân cho biết không được cùng người thân đón chào năm mới họ cũng rất chạnh lòng. Thế nhưng làm riết thành quen, không buồn mà cảm thấy vui vì công việc có ý nghĩa góp phần làm sạch, đẹp đường phố. Công việc những ngày Tết được trả lương cao gấp ba ngày thường nhưng cũng vất vả hơn vì sau giao thừa người dân đi xem bắn pháo hoa sẽ xả rác nhiều, các công nhân phải làm việc cật lực và tăng ca từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau.

Với công nhân vệ sinh, mong ước của họ là người dân hãy ý thức hơn trong bảo vệ và giữ gìn vệ sinh để đường phố sạch đẹp và người công nhân cũng đỡ vất vả.

Ông Nguyễn Quốc Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Công trình công cộng Hội An - cho biết, trong đêm Giao thừa công ty tăng cường 250 nhân lực làm việc xuyên đêm để đảm bảo hoàn thành công việc, trả lại đường phố sạch đẹp đón năm mới. Các công nhân đều được trang bị đầy đủ thiết bị như áo phản quang, nón bảo hộ, xe có gắn đèn tín hiệu… để đảm bảo an toàn. Trước 29 Tết sẽ dọn sạch vùng ngoại vi, từ 30 Tết sẽ tập trung nhân lực dọn dẹp trong phố.

Công nhân làm Tết sẽ được tăng lương gấp ba, ngoài ra còn thêm nhiều chế độ thưởng để động viên họ hoàn thành công việc.

“Dịp Tết năm 2020 số lượng rác tăng 150 tấn so với năm ngoái (năm 2019 lượng rác thu gom ngày Tết là 2.700 tấn). Năm nay, ngoài rác từ sự kiện đón giao thừa, thì chợ hoa Tết “bể” nên nhiều người đập chậu, hoa khiến lượng rác tăng… Khó khăn lớn nhất đối với nghề này là do ý thức người dân, hy vọng mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường để công việc của công nhân vệ sinh đỡ vất vả hơn”, ông Tiến chia sẻ.

Công Bính - Ngô Linh