1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những câu chuyện "chạm đến trái tim" trong tác phẩm dự giải PCCC và cứu nạn

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Dự kiến ngày 4/10 tới đây, Ban Tổ chức sẽ trao giải ảnh, tác phẩm báo chí về PCCC và CNCH, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày toàn dân PCCC, 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Trước đó, ngày 14/4, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (PCCC và CNCH) phối hợp cùng báo Điện tử Dân trí phát động cuộc thi ảnh và tác phẩm báo chí chủ đề PCCC và CNCH.

Theo Ban Tổ chức, đến thời điểm chấm giải, có 219 tác giả gửi 1.332 tác phẩm ảnh đơn, 27 tác giả gửi 47 bộ ảnh; Có 124 tác giả gửi 215 tác phẩm báo chí (trong đó: 76 tác phẩm báo hình, 151 tác phẩm báo điện tử + báo in).

Sau nhiều ngày chấm giải, Hội đồng Ban Giám khảo đã chọn ra được những tác phẩm xuất sắc để trao giải, dự kiến vào ngày 4/10 tới đây, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày toàn dân PCCC, 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Theo đó, đối với tác phẩm ảnh, Ban Tổ chức sẽ trao một giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Đối với tác phẩm báo chí, Ban Tổ chức sẽ trao một giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

Những tấm ảnh lột tả sự khắc nghiệt của hỏa hoạn, sự cố tai nạn

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Trưởng ban Giám khảo đánh giá, tất cả các tác phẩm của các tác giả dự thi đều có chất lượng rất tốt.

Thông qua những tác phẩm báo chí, những tác phẩm ảnh đã giúp người dân hiểu hơn được những khó khăn, vất vả, gian khổ của những chiến sĩ Cảnh sát PCCC nói riêng và Công an nhân dân nói chung, cũng như của những người tham gia công tác PCCC và CNCH.

Những câu chuyện

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. (Ảnh: Tiến Tuấn).

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, khi nhìn vào những tác phẩm chụp được trong thực tiễn công việc của lực lượng PCCC và CNCH, người dân có thể thấy được sự khắc nghiệt của những đám cháy và những sự cố tai nạn. Từ đó, người dân sẽ tự nhận thức, ý thức rằng mình cần phải làm gì để tránh sự cố đó, cũng như mình cần làm gì để hỗ trợ người khác khi gặp những tình huống sự cố tương tự.

"Đó là những thông điệp mà chúng tôi mong muốn rằng qua những tác phẩm báo chí, những tác phẩm ảnh này để người dân dần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm và củng cố những kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, để thời gian tới số lượng vụ cháy, sự cố tai nạn giảm và thiệt hại do sự cố cháy nổ, tai nạn giảm xuống", Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết.

Đại tá Nguyễn Minh Khương ghi nhận sự nhiệt huyết, dấn thân của các tác giả, bởi để có được những bài viết, thước phim, tấm ảnh ghi lại hoạt động của lực lượng PCCC và CNCH, các tác giả đã phải đi vào những nơi nguy hiểm, khó khăn để thực hiện tác phẩm của mình.

"Tôi ví dụ những vụ chữa cháy rừng, CNCH ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), hay CNCH trên biển, đấy là những hình ảnh rất đắt giá, giúp chúng ta hình dung sự cố cháy nổ và thiên tai vô cùng khắc nghiệt và cực kỳ nguy hiểm. Để thực hiện cứu người trong điều kiện đó thì cần có kỹ năng, cần có những điều kiện nhất định để vừa cứu được người, vừa đảm bảo an toàn tính mạng tài sản cho lực lượng tham gia CNCH", Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.

Nhiều câu chuyện xúc động chạm đến trái tim!

Cũng giống như Đại tá Nguyễn Minh Khương, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Thành viên Ban Giám khảo đánh giá, các tác phẩm gửi về dự thi lần này có chất lượng rất tốt. Nhiều tác phẩm khi xem khiến ông xúc động, từ đó thấy được sự cống hiến, hi sinh, tinh thần dấn thân quả cảm của các chiến sĩ PCCC và CNCH.

Những câu chuyện

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Tiến Tuấn).

"Những câu chuyện đã chạm đến trái tim của chúng ta, các nhà báo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự dấn thân, cũng như là tinh thần năng động, sáng tạo để làm nên những tác phẩm rất sâu sắc và đã truyền tải được thông điệp ra xã hội -  đó là sự nghiệp PCCC và CNCH là sự nghiệp của toàn dân chúng ta", ông Lợi nói và cho biết thêm: "Nếu chúng ta làm tốt khâu phòng thì sẽ không phải chống, tôi thấy tinh thần này cần được giáo dục một cách sâu sắc để cho mỗi người dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chính bản thân mình, bảo vệ gia đình mình, từ đó đóng góp chung vào công tác PCCC và CNCH của toàn dân".

Ông Lợi đánh giá, đây là cuộc thi mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, tôn vinh sự hi sinh, quả cảm, cống hiến cao đẹp của các chiến sĩ PCCC và CNCH, một công việc hết sức khó khăn, hết sức nguy hiểm, mà nó đòi hỏi tinh thần cống hiến và sự hi sinh rất cao.

"Chúng ta nhìn thấy người cán bộ, chiến sĩ PCCC và CNCH lao vào biển lửa để cứu người dân, hay các chiến sĩ lao ra biển để cứu dân. Tất cả các hành động đó đều cho thấy một phẩm chất rất cao đẹp của người cán bộ chiến sĩ PCCC và CNCH. Đồng thời cũng tôn vinh các nhà báo đã bám sát hiện trường, bám sát thực tiễn và đưa ra các tác phẩm có tính giáo dục, tính truyền thông rất sâu sắc về chủ đề này", ông Lợi chia sẻ thêm.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn, giải báo chí chuyên ngành về PCCC và CNCH tiếp tục được rút kinh nghiệm, để năm sau và những năm sau nữa chúng ta sẽ có nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc hơn nữa, để làm sao cho công việc rất quan trọng này nó được lan tỏa ở trong xã hội, để người dân của tránh được những hiểm họa,...

Nói về sự khác biệt so với các giải báo chí khác, ông Lợi cho biết, các tác phẩm dự giải báo chí về PCCC và CNCH thể hiện được sự khác biệt, đó là tính khốc liệt, tính gian nguy của công việc PCCC và CNCH.

"Hiếm có một đề tài nào mà ở đó những nhân vật là những người hùng như đề tài về PCCC và CNCH. Đó là nét rất đặc biệt của cuộc thi này. Để có các tác phẩm báo chí xuất sắc, thì bản thân các nhà báo cũng phải với tinh thần dấn thân như thế, một tinh thần lao động sáng tạo như thế thì mới có được tác phẩm xuất sắc", ông Lợi nói thêm.