1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Những căn nhà kỳ lạ dưới vực sâu

(Dân trí) - Nói "kỳ lạ" bởi lẽ những căn nhà sàn này được dựng lên dưới vực sâu, không có đường vào. Càng kỳ lạ hơn khi người dân xã Sơn Tinh (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho biết những căn nhà đó được dựng lên không phải để... ở.


Những căn nhà kỳ lạ đang mọc lên bên bờ sông Xà Lò.

Những căn nhà kỳ lạ đang mọc lên bên bờ sông Xà Lò.

Dựng nhà đón đầu dự án?

Theo phản ánh của người dân xã Sơn Tinh, chúng tôi tìm đến khu dân cư Nước Cà Bông (thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh) để tìm hiểu về những căn nhà kỳ lạ dưới vực sâu.

Khu dân cư Nước Cà Bông nằm trên đỉnh đồi, phía dưới là con sông Xà Lò gập ghềnh đá. Đây là khu vực giáp ranh địa giới hành chính giữa 2 xã Sơn Tinh và xã Sơn Lập (huyện Sơn Tây).

Đứng ở đỉnh đồi tại khu dân cư Nước Cà Bông có thể thấy rõ 10 căn nhà sàn đang được dựng lên dọc bờ sông Xà Lò.

Trái lại với những căn nhà nhỏ lụp xụp của người dân trên đỉnh đồi, những ngôi nhà dưới vực được xây dựng khá "hoành tráng". Trong đó, 5 căn nhà lớn nhất nằm liền kề nhau trên bãi cát bồi sông Xà Lò sắp hoàn thành.


Những ngôi nhà được xây dựng ở nơi có địa hình hiểm trở, không có đường vào.

Những ngôi nhà được xây dựng ở nơi có địa hình hiểm trở, không có đường vào.

Chỉ tay xuống khu vực có những ngôi nhà sàn mới tinh, anh Đinh Văn Tiều (khu dân cư Nước Cà Bông) cho biết, những ngôi nhà sàn này được dựng lên cách đây khoảng 1 tháng.

"Mấy nhà đó to lắm. Đứng đây chỉ thấy được mấy căn do cây rừng che khuất chứ dọc đó còn nhiều nhà nữa. Trong đó nhiều nhất là nhà của ông Đ.", anh Tiều nói.

Theo anh Tiều, muốn tiếp cận những căn nhà dưới vực sông Xà Lò chỉ có cách đi vào rừng và trượt xuống dốc núi.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu những căn nhà dưới sông Xà Lò, anh Đinh Văn Tiền (thôn Xà Ruông) góp chuyện: Cách đây 1 tháng nhiều người được thuê để vận chuyển vật liệu xuống dưới vực để dựng nhà sàn. Không có đường đi nên rất khó khăn mới đưa được gỗ, tôn, ngói xuống dưới bờ sông.

"Không chỉ làm mới đâu, cái nhà sàn mái ngói dưới đó là họ mua nguyên căn nhà cũ mang xuống để ráp lại", anh Tiền cho biết.

Cũng theo anh Tiền, 5 căn nhà to nhất có thể nhìn thấy được từ đỉnh đồi là của một người đàn ông tên Đ.

"Ở đây ai cũng biết đó là nhà của ông Đ. lúc trước làm cán bộ ở xã Sơn Tinh. Họ dựng nhà chờ đền bù của dự án thủy điện chứ đâu có ai lại xuống đó dựng nhà để ở. Nghe nói đập thủy điện nằm ngay chỗ 5 căn nhà đó", anh Tiền nói.

Chính quyền địa phương nói gì?

Để tìm hiểu rõ hơn những thông tin người dân phản ánh, phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Sơn Tinh.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Ba - Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh - xác nhận đã nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc xuất hiện một nhóm người xây nhà bên sông Xà Lò chờ đền bù từ dự án thủy điện.

"Đến giờ này vẫn chưa có một văn bản chính thức nào thông báo với xã nhưng theo thông tin chúng tôi nhận được thì dự án thủy điện Sơn Trà 1C sẽ được xây dựng gần vị trí giáp ranh giữa xã Sơn Tinh và xã Sơn Lập. Vì vậy, người dân địa phương phản ánh có nhiều người đến đây xây dựng nhà để chờ đền bù", ông Ba cho biết.


Nhiều người dân vẫn tiếp dụng dựng nhà sàn trái phép bên bờ sông Xà Lò.

Nhiều người dân vẫn tiếp dụng dựng nhà sàn trái phép bên bờ sông Xà Lò.

Cũng theo ông Ba, dù nhận được thông tin phản ánh từ người dân nhưng xã Sơn Tinh không thể kiểm tra vì vị trí các căn nhà nằm trên địa bàn xã Sơn Lập.

"Tuy khu vực đất nương rẫy sát bên cạnh khu dân cư Nước Cà Bông được giao cho người dân xã Sơn Tinh canh tác nhưng thực ra nơi đó thuộc địa phận xã Sơn Lập. Trước kia ranh giới chỗ này chưa được xác định rõ ràng nên người dân Sơn Tinh đến đó canh tác và được cấp đất. Sau này điều chỉnh lại thì phần đất đó nằm bên Sơn Lập", ông Ba lý giải.

Về thông tin có người là cán bộ xã Sơn Tinh dựng đến 5 căn nhà tại vị trí dự kiến xây dựng thủy điện Sơn Trà 1C chờ đền bù, ông Ba cho biết cũng đã được người dân phản ánh.

"Người được phản ánh là anh P.T.Đ. nguyên là PCT UBND xã Sơn Tinh. Anh Đ. mới có quyết định nghỉ hưu từ tháng 7/2017. Theo thông tin tôi nhận được thì anh Đ. và nhiều người khác có xây nhà ở khu vực đó. Cũng theo phản ánh thì tình trạng xây nhà chờ đền bù ở đây đang nở rộ. Biết vậy nhưng không kiểm tra được, việc này bên xã Sơn Lập phải làm", ông Ba nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Sơn Lập cho biết vẫn chưa nhận được thông tin về vụ việc.

"Ngay trong tuần này chúng tôi sẽ liên hệ với xã Sơn Tinh kiểm tra thực địa để xác minh thông tin người dân phản ánh. Nếu có việc xây nhà thì phải xác định mục đích dựng nhà để làm gì rồi mới có hướng giải quyết. Chưa nói đến việc chờ đền bù thì dựng nhà để ở tại những vị trí đó cũng không được vì rất nguy hiểm", ông Dương nhấn mạnh.

Về phía UBND huyện Sơn Tây, ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện, xác nhận: dự án thủy điện Sơn Trà 1C thuộc địa bàn xã Sơn Lập (huyện Sơn Tây) và một phần xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà) đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh Quảng Ngãi. Đến thời điểm này chủ đầu tư dự án là Công ty CP 30-4 Quảng Ngãi đã hoàn tất các thủ tục trình phê duyệt đầu tư.

Theo ông Tùng, thông tin dự án thủy điện sắp được xây dựng rất dễ dẫn đến tình trạng người dân xây dựng công trình chờ đền bù.

"Hiện tại dưới địa phương chưa báo cáo nên huyện chưa nắm được. Tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin mà người dân và báo chí phản ánh", ông Tùng cho biết.

Dự án thủy điện Sơn Trà 1C được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh Quảng Ngãi tại quyết định số 2022 ngày 6/6/2017. Dự án do Công ty Cổ phần 30-4 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Vị trí xây dựng dự kiến tại xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây và xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà.

Dự án có quy mô công suất 9MW, điện lượng trung bình năm đạt 33,54 triệu kW/h. Tổng diện tích chiếm đất của dự án khoảng 71 ha. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 317,6 tỷ đồng.

Ngày 27/7/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản xin ý kiến Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ngãi về chủ trương đầu tư thủy điện Sơn Trà 1C trên địa bàn huyện Sơn Tây và Sơn Hà.

Hà Xuyên