Những cái Tết nặng trĩu nhớ thương
(Dân trí) - Những ngày Tết, khi nhà nhà người người vui niềm vui sum họp thì họ luôn canh cánh nỗi buồn, chuẩn bị lễ giỗ cho những người đã khuất. Gần nửa thế kỷ về trước, anh, chị, con, cháu… của họ đã ngã xuống khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt nhất.
Chú cháu chung một ngày giỗ
Những người biết rõ về liệt sỹ Nguyễn Văn Nhợi (SN 1944) và liệt sỹ Nguyễn Văn Đạt (cháu gọi liệt sỹ Nhợi bằng chú, quê xã Hưng Đông, Tp Vinh, Nghệ An) đã thành người thiên cổ. Tất cả những thông tin chúng tôi có được bằng những chắp nối rời rạc của người cháu dâu liệt sỹ Nhợi, người về làm dâu khi ông Nhợi đã hi sinh được 4 năm.
Bước vào tuổi đôi mươi, ông Nhợi xung phong lên đường đánh Mỹ cứu nước. Những gì ông để lại chỉ là tấm bằng Tổ quốc ghi công với vẻn vẹn dòng chữ “đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hi sinh ngày 25/1/1968”. Tấm giấy báo tử cũng đã thất lạc, nên trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Huệ - cháu dâu ông Nhợi cũng chỉ biết ông chiến đấu ở mặt trận phía Nam.
“Theo ông bà tôi kể lại thì hồi nhập ngũ chú Nhợi cũng chưa lập gia đình. Ông Nhợi đi một mạch đến cuối năm 1968 thì gia đình nhận được tin báo tử. Cái tin đó khiến ông cụ nhà tôi ốm mất gần 2 năm trời. Thương lắm, tính ra ông Nhợi hi sinh vào ngày 26 tháng Chạp, khi nhà nhà đang chuẩn bị đón năm mới”, bà Huệ kể.
Cũng trong năm 1968, anh Nguyễn Văn Đạt (cháu gọi ông Nhợi bằng chú ruột) cũng lên đường nhập ngũ. Vì hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ, anh Đạt được cho lên Yên Bái ở với một người bà con trên đó rồi tòng quân nhập ngũ ở đây. Trên đường hành quân vào chiến trường phía Nam, anh Đạt ghé qua thăm lại gia đình, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Đó cũng là lần cuối cùng những người thân trong gia đình được gặp anh.
Năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Đạt. Kỳ lạ thay, liệt sỹ Đạt cũng hi sinh vào ngày 25/1 (nhưng khác năm với liệt sỹ Nguyễn Văn Nhợi). “Cả ông Nhợi và chú Đạt (liệt sỹ Đạt là em chồng bà Huệ) đều hi sinh cùng một ngày, chỉ khác năm nên cứ đến ngày đó chúng tôi làm lễ giỗ chung cho hai người. Có năm thì giáp Tết nguyên đán, có năm thì ra Tết một vài ngày. Năm 1993, gia đình tìm được hài cốt của chú Nhợi và đưa về an táng tại nghĩa trang Tp Vinh. Còn chú Đạt thì đến giờ vẫn không biết là hi sinh ở đâu nên vẫn chưa thể cất bốc để đưa về quê sum vầy cùng con cháu được.
Di nguyện được bố chồng tôi trao lại cho vợ chồng tôi và các anh chị em trong nhà, chồng tôi mất, cháu Sơn (con trai bà Huệ) tiếp tục tìm kiếm nhưng cũng chưa có thông tin nào”. Những ngày Tết, trên bàn thờ hai liệt sỹ luôn đỏ đèn cũng với niềm mong mỏi vào một ngày sớm nhất, liệt sỹ Đạt sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình.
Tết nào cũng thấy thương chị nhiều hơn
Sinh ra trong một gia đình khốn khó với 6 anh chị em ở khu phố 1, thành phố Vinh (nay là phường Hưng Bình) thì việc chụp cho mình một bức ảnh riêng cũng không phải là điều dễ dàng gì. Bởi vậy, gần 50 năm qua, trên bàn thờ liệt sỹ Phan Thị Loan (SN 1947) cũng chỉ có tấm Bằng Tổ quốc ghi công, ghi lại một cách vắn tắt công lao và thời điểm hi sinh.
“Vừa rồi các Bằng Tổ quốc ghi công bị mọt ăn rách hết cả, gia đình tôi làm hồ sơ xin cấp đổi mà mấy năm rồi vẫn chưa được”, ông Phan Hữu Lệ - em trai liệt sỹ Loan buồn rầu nói. Thứ duy nhất chị Loan để lại là cuốn sổ bìa da của Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam – TNXP bé bằng lòng bàn tay. Những tờ giấy bé xíu kẹp trong đó cũng đã mủn theo năm tháng, ghi lại ngày nhập ngũ và đơn vị của liệt sỹ Phan Thị Loan.
“Trước khi chị Loan đi thanh niên xung phong (ngày 11/10/1965, đơn vị 322, TNXP Nghệ An làm nhiệm vụ tại nút giao thông cầu Cấm, Nghi Lộc) thì anh trai tôi đã gia nhập đơn vị xe kéo pháo ở Đoàn 559 – Binh đoàn Trường Sơn). Chị Loan hi sinh vào ngày 23/2/1968 (nhằm ngày 26 tháng Giêng) tại Cầu Cấm nhưng mãi đến cuối năm gia đình tôi mới hay tin. Cú sốc lớn đã quật ngã mẹ tôi, cộng với bệnh cảm hàn nên 1 năm sau ngày chị tôi hi sinh mẹ tôi cũng qua đời”, ông Lệ kể.
Ngày liệt sỹ Phan Thị Loan lên đường làm nhiệm vụ, ông Phan Hữu Lệ mới chỉ là cậu bé hơn 10 tuổi, trong ký ức của một đứa trẻ, hình ảnh của người chị gái cũng không còn được rõ nét. “Chị tôi to cao, mặt hơi nhỏ và rất hiền. Hồi đó nhà tôi nghèo, cơm không đủ ăn, chỉ có Tết mới biết mùi thịt, cá. Chị tôi nhường hết cho các em. Tết Mậu Thân chị hứa xong đợt cao điểm bảo vệ cầu đường sẽ về ăn Tết muộn với cả nhà nhưng rồi chẳng bao giờ về nữa. Mỗi độ Tết về, thắp nén hương lên bàn thờ chị lại thấy thương chị nhiều hơn”, người đàn ông tóc hoa râm đôi mắt đỏ hoe.
Ngày ngã xuống trên tọa độ lửa Cầu Cấm, liệt sỹ Phan Thị Loan cũng chưa có cho mình một gia đình riêng. Sau khi mất, liệt sỹ Phan Thị Loan được an táng tại nghĩa trang Quán Hành, sau này, do đường xá đi lại vất vả nên gia đình chuyển hài cốt liệt sỹ Loan về nghĩa trang phường Lê Lợi. Khi Nghĩa trang liệt sỹ Tp Vinh được hoàn thành, hài cốt của liệt sỹ Phan Thị Loan được quy tập về đây, vui vầy cùng đồng chí, đồng đội.
Trên dải đất hình chữ S này còn bao nhiêu gia đình không được hưởng một cái Tết đoàn viên thực sự, còn bao nhiêu gia đình ngày đầu tiên của năm mới cũng là ngày giỗ của thân nhân đã ngã xuống trong ngày mở đầu chiến dịch Tết Mậu Thân (30/1/1968, tức ngày mùng 1 Tết Mậu Thân) – cuộc tổng tiến công nổi dậy đầu tiên trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng nỗi đau thì vẫn vậy, âm ỉ cào xé tâm can của những người đang sống hôm nay.
Hoàng Lam