1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những cái chết sau truyền dịch tại phòng khám tư

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 2 tháng đã có liên tiếp 4 người chết sau khi truyền dịch tại phòng khám tư nhân. Những việc đau lòng trên đều là do sự thiếu hiểu biết của người bệnh và sự tắc trách của “lương y”.

4 cái chết oan uổng

 

Đầu tháng 3 năm 2010 tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM, em Đoàn Quốc Huy (16 tuổi) tử vong sau khi truyền dịch. Theo kết quả điều tra của Thanh tra Sở Y tế TPHCM trước đó, do bị sốt nên Huy đã đến nhà thuốc tư nhân của ông Nguyễn Văn Ninh để khám và mua thuốc uống. 

 

Ngày 4/3, Huy được bà Lê Thị Thủy vợ ông Ninh khuyên nên truyền dịch cho “nhanh hết bệnh”. Tuy nhiên, khi mới truyền được nửa chai, em xuất hiện các triệu chứng lạnh, sùi bọt mép rồi tím tái, co giật, mắt trợn ngược… Mặc dù được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng em ra đi sau đó 4 ngày.

 

Khi thanh tra vào cuộc, ông Ninh chỉ xuất trình được bằng trung cấp y khoa và bằng cấp về chẩn trị y học cổ truyền. Với những giấy tờ trên, ông Ninh chỉ được phép khám bệnh bắt mạch, kê toa chứ không được phép truyền dịch cho bệnh nhân.

 

Vụ việc thương tâm của em Huy còn chưa lắng xuống thì tại Bình Định lại tiếp tục xảy ra cái chết của hai anh em trong một gia đình. Nguyên nhân cũng là do truyền dịch.

 

Ngày 15/4, em La Văn Vinh (13 tuổi) do bị sốt cao nên được gia đình đưa đến nhà bà Lê Thị Phường, y tá thôn để chích thuốc và truyền dịch. Khi đang truyền thì em Vinh lên cơn co giật dữ dội. Gia đình đã đưa Vinh đi cấp cứu nhưng do bị sốc quá nặng, em đã chết trên đường chuyển tới bệnh viện.
 
Những cái chết sau truyền dịch tại phòng khám tư - 1
Người bệnh nên đến bệnh viện truyền dịch để được đảm bảo an toàn (ảnh minh họa)

 

Ngay trong ngày hôm đó anh trai của Vinh là La Văn Nghĩa (15 tuổi), cũng bị sốt cao. Để giải quyết tình thế trước mắt, người chú của em lại gọi bà Phường đến khám bệnh và cũng truyền dịch cho Nghĩa. Đến 20h cùng ngày, Nghĩa cũng có biểu hiện co giật giống em mình, rồi chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh vào trưa ngày 16/4.

 

Mới đây, ngày 8/5 một vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Bệnh nhân Huỳnh Thị Hương Giang (23 tuổi) cũng tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư của một bác sĩ. Thanh tra Sở Y tế TPHCM đang tiến hành điều tra vụ việc.

 

Được biết, trước đó do bị đau bụng kèm theo sốt nên chị Hương đã đến phòng mạch tư của một bác sĩ gần nhà để khám. Tại đây, bác sĩ này truyền dịch cho chị. Khi mới về nhà được 30 phút chị đã than mệt, sốt cao rồi yếu dần. Sau khi đến tìm vị bác sĩ nhưng không gặp, gia đình đã chuyển chị Hương đi cấp cứu. Tuy nhiên, một ngày sau đó chị đã chết tại Bệnh viện Trưng Vương.

 

Không nên truyền dịch tại phòng khám tư

 

PGS-TS-BS Dương Minh Mẫn, Giảng viên trường Đại học Y dược TPHCM, khuyến cáo: “Trong y học, truyền dịch chỉ là biện pháp bất đắc dĩ được các bác sĩ sử dụng khi điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên trên thực tế không ít người lạm dụng phương thức này, xem đây như là một liều thuốc “đại bổ” đối với cơ thể mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng hay chỉ bị bệnh nhẹ.

 

Truyền đạm, dịch, nước biển với mục đích mát, bổ, khỏe… là một quan niệm hoàn toàn sai lầm của người bệnh. Việc truyền dịch chỉ thực sự cần thiết cho những bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng hoặc đang trong quá trình phẫu thuật. Với những người bệnh bình thường, thay vì phải bỏ nhiều tiền để truyền nửa lít glucoza, theo tôi họ nên mua một trái dừa nước để uống thì tốt hơn”.

 

Cũng theo PGS Mẫn, quá trình truyền đạm, truyền dịch có nguy cơ gây sốc rất cao. Người bệnh sẽ nhanh chóng bị tử vong nếu sốc nặng. Việc truyền dịch ở các phòng khám tư càng trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều do người truyền có thể không đủ chuyên môn. Hơn thế nữa, tại đây không được trang bị các phương tiện để xử lý chống sốc.

 

PGS Mẫn khuyến cáo người bệnh không nên truyền dịch tại các phòng khám tư. Trong trường hợp cần thiết nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và điều trị. Ông cũng kêu gọi những “lương y” liên quan đến vấn đề này phải có trách nhiệm trao đổi thẳng thắn với người bệnh. Nếu thấy việc truyền dịch là “vô thưởng vô phạt” thì tuyệt đối không nên tiến hành vì rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Vân Sơn