1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những cái chết bất ngờ từ hầm, cống, giếng…

Ở nhiều địa phương thời gian qua đã xảy ra những cái chết bất ngờ, cùng lúc cho nhiều người khi xuống làm việc hoặc vô tình ngã xuống hầm, cống, giếng... Những cái chết thương tâm này hoàn toàn có thể phòng tránh được!

Chết bất ngờ

 

Chiều 1/11 vừa qua, anh Đặng Ngọc Thành (26 tuổi, quê Long An, công nhân Công ty xây dựng Á Châu) và anh Nguyễn Văn Phụng (40 tuổi, quê Tiền Giang) sau khi chui xuống hầm xử lý nước thải của nhà hàng Hoa Sứ Đỏ (số 1 Hoàng Việt, P.4, Q.Tân Bình, TPHCM, thuộc khách sạn Đệ Nhất) thì không thấy lên nữa. Hầm xử lý nước thải, nơi hai anh chui xuống làm việc, dài 7,6 m, rộng 3 m và sâu gần 2 m. Miệng hầm có diện tích 40 x 40 cm.

 

Bảo vệ của nhà hàng đã dùng thang dây để cứu hai anh. Nhưng khi đưa được lên miệng hầm cả hai đã nằm bất động, toàn thân ướt sũng, người tím tái, ngưng thở. Dù được các bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu nhưng anh Thành đã không qua khỏi.

 

Anh Phụng may mắn thoát chết, bàng hoàng kể: “Trước khi chui xuống hầm, chú Thành còn bảo tôi cứ ăn cho hết ổ bánh mì, để chú chui xuống trước. Không ngờ 3-4 phút sau nhìn xuống hầm tôi chỉ thấy mặt nước phẳng lặng, gọi mãi  không thấy chú Thành trả lời... Tôi vội chui xuống, chưa cứu được chú ấy thì đã ngất lịm, không hay biết gì”.

 

Trước đó, chưa đến một tháng, tại mỏ vàng Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, bốn nạn nhân cũng bị chết do ngạt thở trong hầm vàng sâu giữa lòng núi. Nạn nhân là các anh Đoàn Văn Nam và ba anh em ruột Nguyễn Mùi, Nguyễn Thơm, Nguyễn Bụt cùng trú ở xã Tam Vinh, Phú Ninh.

 

Cuối tháng 6/2005, ở xã Cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cũng xảy ra một vụ tai nạn rất thương tâm, khiến cả bốn người bị chết chỉ trong vài phút. Anh Nguyễn Xuân Quang (44 tuổi) thấy giếng nhà mình khô cạn lâu ngày bắt đầu có nước trở lại sau vài ngày mưa. Anh bảo con là Nguyễn Xuân Thiên (13 tuổi) chui xuống vét giếng cho sạch để có nước sử dụng.

 

Khi Thiên xuống được một lúc, anh Quang không thấy động tĩnh gì bèn trèo xuống theo. Thấy anh Quang xuống rồi cũng yên ắng, vợ anh hốt hoảng kêu hàng xóm sang giúp. Anh Nguyễn Xuân Khang, rồi Nguyễn Thanh Sơn lần lượt xuống giếng cứu nhưng cả hai cũng bị chết theo. Khám nghiệm tử thi cho thấy cả bốn người bị chết ngạt do hơi độc dưới giếng.

 

Cách đây không lâu, tại xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra vụ bốn nạn nhân chết ngạt dưới giếng.

 

Ngoài ra còn nhiều cái chết thương tâm khác khi người lao động chui vào dọn dẹp vệ sinh các hầm sà lan, hầm trên boong tàu, thùng sâu, ống cống... 

 

Nhiều khí độc

 

Thông thường nạn nhân tử vong là do hít phải cùng lúc nhiều loại hoặc một số loại khí độc như oxyt nitơ, carbonic, mêtan, oxyt carbon (tấn công hệ thống vận chuyển oxy trong máu), cyanure, sulfurhydro (chất ức chế mạnh), dioxyt lưu huỳnh, arsine, Cl2 (đã được dùng làm độc chất), amoniac (chất kích thích đường hô hấp da niêm), formaldehyd (kích thích mạnh đường hô hấp), fluorur hydro (kích thích hô hấp trên gây phù phổi), sulfur carbon (chất độc đặc biệt với hệ thần kinh). Do đó nạn nhân thường chết rất nhanh, không thể cứu được.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM - cho biết, dù giếng sâu hay giếng nông, nếu để lâu ngày không sử dụng hoặc trong các hầm chứa trên boong tàu, thuyền, sà lan... để lâu ngày có rất nhiều loại khí độc ẩn chứa. Ở những nơi như thế khí độc thường nặng hơn oxy nên thường nằm chìm bên dưới, nồng độ khí oxy ở những nơi này rất thấp, chỉ khoảng 10-12% và nồng độ carbonic lại rất nhiều. Do đó chỉ cần thò đầu xuống là bị ngạt.

 

Đặc biệt, đối với các hệ thống cống sâu, hầm xử lý nước thải thường là nước thải hỗn tạp của rất nhiều chất hữu cơ và vi sinh do quá trình sinh hoạt của con người, của sản xuất thải ra. Các chất thải này tác động lên nhau, chuyển hóa lẫn nhau và tạo ra các chất khí độc và rất độc luân chuyển trong lòng cống đó. Chưa kể dòng chảy trong lòng cống thường chậm, hay tắc nghẽn nên tích đọng chất độc càng nhiều hơn.

 

Hoàn toàn có thể phòng tránh

 

Bác sĩ Xuân Mai cho biết có thể ngăn ngừa được những cái chết bất ngờ này bằng những phép thử rất đơn giản. Tốt nhất, trước khi chui xuống giếng, hầm, cống... cần kiểm tra độ an toàn. Có thể bắt con gà, chim hoặc dùng đèn cầy, đèn dầu... cột vào đầu cây dài thả xuống trước để kiểm tra. Nếu gà giãy giụa chết, đèn tắt thì ở đó rất nguy hiểm, không được xuống vì chứng tỏ ở dưới có nhiều khí độc và rất thiếu oxy. Muốn xuống phải có máy thổi hơi thả xuống lòng giếng, cống, hầm... để pha loãng khí độc và đẩy khí độc lên, khi chắc chắn không khí trở lại bình thường mới xuống được.

 

Khi vào giếng sâu, hầm sâu, thùng sâu, hầm chứa, thùng chứa kín lâu ngày... phải mở toang nắp, đeo mặt nạ dưỡng khí. Đối với người dân không có mặt nạ cũng phải mở rộng nắp cho thoáng, có máy thổi dưỡng khí (oxy) xuống hầm, hố, cống, giếng. Với đường cống, hầm xử lý nước... phải mở nắp cống 2-3 giờ, có rào chắn an toàn cho người đi đường để không khí sạch ở trên lùa xuống rồi mới làm việc.

 

Khi có người xuống cống làm việc phải có người ngồi trên túc trực, theo dõi, quan sát người chui xuống thế nào. Không bao giờ để họ ở dưới cống một mình và phải qui ước với nhau giữa người ở trên và ở dưới để theo dõi sự an toàn, như giật dây liên tục là phải nhanh chóng kéo lên ngay. Cần lưu ý luôn phải đeo dây bảo hiểm ở lưng, kết nối với dây an toàn ở người bên trên. Nếu có gì sẽ kịp thời kéo lên ngay, nếu không phải chui xuống cứu và bị tử vong theo.

 

Khi có người bị ngạt khi chui xuống hầm, hố, cống... thì cấp cứu ban đầu tại chỗ rất quan trọng. Nạn nhân phải được xoa bóp tim ngay và hà hơi thổi ngạt. Người lao động phải được huấn luyện các biện pháp sơ cứu này để họ tự cứu nhau trước, vì chỉ cần sau năm phút là não đã chết không hồi phục...

 

Theo Lê Thanh Hà
Tuổi Trẻ