Khánh Hòa:

Những “bom gas tử thần” trên tàu cá

(Dân trí) - Mỗi tàu cá khi ra khơi đều có 4-5 bình gas loại 12kg. Các "quả bom" này ít khi được để ý đề phòng nguy hiểm. Có bình gas đã hoen gỉ cũ nát do tiếp xúc nhiều với nước biển...

 

Bom hẹn giờ trên tàu cá ở cảng Hòn Rớ, Nha Trang
"Bom hẹn giờ" trên tàu cá ở cảng Hòn Rớ, Nha Trang

Vụ việc tàu cá BV-97799 -TS bị nổ bình gas, khiến cả con tàu chìm trên biển cách Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) 25 hải lý đã gây nên một hậu quả quá đau lòng: 18 ngư dân bị hất tung xuống biển, trong đó chỉ có 3 ngư dân được cứu sống.

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ khi sử dụng gas trên biển - vấn đề vốn bị các ngư dân rất "coi thường", lơ là.

Tại Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), trưa ngày 19/9, hàng loạt tàu cá ghé cảng lấy nhiên liệu hoặc nhập hải sản. Theo quan sát của PV Dân trí, đa phần các tàu cá đều trang bị các bình gas loại 12kg để sử dụng cho việc nấu ăn trên biển. Các bình gas thường được cột thành "chùm" trên ca bin tàu, phơi sương phơi nắng, có bình đã bị hoen gỉ do tiếp xúc nhiều với nước biển.

Những quả "bom" ga trên tàu cá của ngư dân

 

Tại tàu cá KH-95555-TS, một ngư dân trên tàu cho biết tàu thường mang theo 6 bình gas loại 12kg trong mỗi chuyến biển. Tàu cá này gắn ở cuối đuôi trần ca bin 2 bình để sử dụng và 4 bình cất trong tủ. Hai bình gas đang sử dụng bị phơi mưa nắng, không có bất cứ thứ gì che chắn, bảo vệ nên không đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, tàu cá KH-99344-TS thì dùng một tấm vải bạt căng ngang để che cho các bình gas nằm trên ca bin. Khi đề cập đến vụ nổ bình gas mới đây của tàu cá ở Bà Rịa Vũng Tàu, một ngư dân trên tàu cá này thờ ơ nói rằng những sự việc như thế là “rất hi hữu và rất ít xảy ra”.

Theo Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động, vấn đề an toàn, vệ sinh và sức khỏe lao động trong đánh bắt thủy sản có thể được coi là vấn đề mới chưa từng được đề cập ở Việt Nam.

Kết quả điều tra từ năm 1980-1989 cho biết có hơn 5.800 vụ tai nạn tàu cá, trung bình mỗi năm có 600 vụ xảy ra. Trong đó, năm 2012, bình quân mỗi tuần có khoảng 6-8 vụ tàu cá gọi cấp cứu vì xảy ra các tai nạn như: cháy nổ, gãy chân vịt, tàu tự chìm do gỗ mục, chết máy…

Tương tự, tàu cá QNg-92201-TS đang neo đậu tại cảng Hòn Rớ cũng có 4 bình gas nằm “trần trụi” trên ca bin. Ngư dân Trần Dách (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu cá cho rằng sở dĩ các tàu cá đưa bình gas lên ca bin là để đề phòng các sự cố gas rò rỉ trong hầm kín.

“Nếu để gas ở trong ca bin, gần buồng máy thì rất nguy hiểm, bởi khi xảy ra xì gas thì máy đang chạy sẽ tắt do sức ép. Còn để ở trên ca bin nếu xảy ra xì gas thì mình chạy lên vặn lại”, ông Dách phân trần.

Còn ngư dân Trần Minh Vương, thuyền viên tàu cá nói trên cho rằng nếu để gas ở phía sau buồng lái sẽ rất dễ xảy ra cháy nổ. “Đã có nhiều trường hợp do rung lắc nên bình gas rơi xuống khoang máy đang chạy dẫn đến cọ xát rồi phát nổ. Ở phía sau ca bin, anh em trên tàu hay hút thuốc nên cũng rất nguy hiểm nếu để bình gas ở gần đó”, ngư dân Vương nói thêm.

 

Các bình ga trên ca bin tàu cá ít khi được che chắn cẩn thận
Các bình ga trên ca bin tàu cá ít khi được che chắn cẩn thận

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hàng năm Chi cục đều có các cuộc kiểm tra về việc trang bị các thiết bị cứu sinh, chống chìm, bình chữa cháy… trên các tàu cá của ngư dân. Theo ông Én, một số tàu cá địa phương lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định… khi ghé vào Nha Trang đã từng xảy ra nổ bình gas, nhưng hiện tỉnh Khánh Hòa chưa ghi nhận trường hợp nào.

“Khoảng 20 năm trở lại đây ngư dân bắt đầu chuyển sang dùng gas trên tàu cá để nấu ăn. Khi mua ga để sử dụng trên biển, bà con ngư dân lưu ý là mua ở những tiệm lớn, có uy tín, bình ga không hư hỏng, gỉ sét… Bà con không nên mua gas ở những cơ sở nhỏ lẻ, trôi nổi, san chiết ga trái phép… vì như thế sẽ không đảm bảo an toàn khi sử dụng”, ông Én khuyến cáo.

 Viết Hảo