1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Sửa đổi Hiệp định Dầu khí Việt - Xô:

Những bí mật lần đầu hé mở

(Dân trí) - Có lẽ trong các thỏa thuận kinh tế, không có một hiệp định nào lại cảm tính như Hiệp định Dầu khí Việt - Xô 1981. Nó lỏng lẻo về trách nhiệm, sơ hở về luật pháp và đặc biệt là gây thiệt thòi to lớn cho phía Việt Nam.

Nhưng ở khía cạnh khác, nó đã biểu lộ một sự tin cậy và hữu hảo trong mối quan hệ thân thiết giữa hai nước anh em. Tuy nhiên, trước sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nó đã bộc lộ sự bất cập cần sửa đổi. Vậy nó có những nhược điểm gì và việc sửa đổi diễn ra như thế nào? Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trương Thiên - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam, tác giả của Hiệp định Dầu khí Việt - Xô 1991.

Sáu điều bất lợi trong Hiệp định 1981

Năm 1981, Việt Nam ký với Liên Xô hiệp định thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Trước hết, đối với tình hình cấm vận khi đó, đây là một hiệp định có nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên 8 năm sau, nó đã bộc lộ một số tồn tại bất hợp lý và đặc biệt là không có lợi cho phía Việt Nam bởi mấy lẽ:

Thứ nhất, bản hiệp định không có thời hạn. Đây là điều rất ấu trĩ vì có lẽ trên thế giới, chẳng có một Hiệp định kinh tế nào lại vô lý đến thế.

Thứ hai, không gian hoạt động rất rộng. Đối với khảo sát địa vật lý, nó giới hạn trên toàn bộ phần thềm lục địa Việt Nam. Đối với thăm dò khai thác, nó sử dụng 53.000km2 với trữ lượng dự báo khoảng 64% tổng trữ lượng của thềm lục địa phía Nam. Đã thế sau 8 năm, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (VSP) mới thăm dò 4/67 cấu tạo. Nếu như tiến độ không thay đổi, phải cần đến vài chục năm VSP mới thăm dò xong. Trong khi đó, theo Hiệp định thì dù bạn không thăm dò, ta vẫn không có quyền thu hồi hay chuyển đối tác.

Thứ ba, Hiệp định 1981 hoàn toàn không chú ý đến quyền lợi của Việt Nam trong vị thế chủ tài nguyên. Nghĩa là hoàn toàn không có thuế tài nguyên hay bất cứ một thứ thuế nào khác.

Thứ tư, điều vô lý nhất là VSP không chịu trách nhiệm về việc làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ của mình mà toàn bộ sự thua lỗ (nếu có) Việt Nam phải gánh chịu. Trong khi đó, phía Liên Xô vẫn thu được lợi nhuận tự do không dưới 15% vốn đầu tư và khi đó, dù làm ăn thế nào thì vốn đầu tư càng lớn, thu lợi nhuận càng cao.

Thứ năm, Liên Xô góp vốn nhưng góp bằng hiện vật được tính giá rất cao và khi hàng hoá mới xuống tàu đã tính lãi ngay. Trong khi đó, có nhiều thứ đưa sang ta không sử dụng được nhưng cũng phải chịu cả vốn lẫn lãi.

Thứ sáu, Theo Nghị định thư giai đoạn 1981-1985, Liên Xô có nghĩa vụ ứng chi 120 triệu rúp ngoại tệ (150 triệu USD) nhưng đến tháng 10/1985, mới chi hết khoảng 60 triệu USD thì bạn đã chấm dứt ứng chi và ép ta bán 1 triệu tấn dầu thô lấy ngoại tệ mạnh theo kiểu “lấy dầu nuôi dầu”. Điều này gây tâm lý ức chế rất lớn.

Đó là chưa kể VSP được hưởng mọi chế độ bao cấp của Việt Nam khi đó, song không hề bị ràng buộc bất cứ điều gì. Được miễn mọi thứ thuế trực thu, gián thu và không phải làm bất cứ nghĩa vụ gì đối với Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, VSP với bộ máy cồng kềnh, thói quen bao cấp không chịu trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng cũng là một điều hết sức vô lý trong nền kinh tế thị trường mà ta đang theo đuổi.

Chuyến đi trong nước mắt

Từ những bất hợp lý trên, Tổng cục Dầu khí đã kiến nghị với Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi đó (Thủ tướng Chính phủ bây giờ) đã có Quyết định số 1369/V7 thành lập Tổ công tác dầu khí để chuẩn bị đàm phán sửa đổi Hiệp định 1981.

Ngày 24/7/1988, đoàn đàm phán Việt Nam gồm có các quan chức Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Kinh tế đối ngoại, Bộ Tài chính, Ngân hàng Việt Nam, đại diện Văn phòng Chính phủ... do Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam Trương Thiên dẫn đầu sang Liên Xô đàm phán về sửa đổi Hiệp định.

Đúng vào ngày trước khi lên đường, ông nhận được tin người cha thân yêu đã qua đời. Trương Thiên hiểu rằng đây là một cơ hội để giành lại chủ quyền quốc gia, là lợi ích lâu dài của đất nước nên đã gạt nước mắt để lên đường.

Khi máy bay bay lên không trung, Trương Thiên hướng về quê nhà thầm khấn vong hồn cha tha thứ cho ông vì nhiệm vụ với đất nước mà chưa trọn hiếu làm con. Ông cũng không quên cầu khẩn hương hồn cha mình phù hộ, độ trì cho công việc hệ trọng mà ông đảm trách. Thế nhưng lần đàm phán đầu tiên, quan điểm hai bên vẫn còn rất xa nhau. Bạn thì không muốn từ bỏ lợi ích còn ta thì quyết không nhượng bộ quyền lợi của mình. Và phải mất 3 năm với 8 lần đàm phán, ngày 16/7/1991, tại Hà Nội hai bên mới ký được Hiệp định mới.

Ơn nghĩa là một chuyện - Làm ăn là chuyện khác

Sau khi Hiệp định mới được ký kết, hầu như tất cả những điểm cơ bản đã được đảm bảo. Phía VSP được tạo điều kiện để hoạt động có hiệu quả đồng thời đảm bảo được quyền lợi của nước chủ tài nguyên.

Từ đây, VSP phải hoạt động trên nguyên tắc kinh tế độc lập, giới hạn diện tích thăm dò và khai thác (chỉ còn 2/7 lô) để từ đó, mở cửa cho các hãng dầu khí nổi tiếng trên thế giới như Shell, BP/Statoil, British Gas, Total, Mobil... vào thăm dò và khai thác. Về thời gian, thay vì không có thời hạn, chúng ta đã thỏa thuận với bạn giới hạn 20 năm kể từ năm 1991.

Vấn đề chủ quyền tài nguyên vốn là nhạy cảm. Chúng ta dù sao cũng rất biết ơn Liên Xô? Tôi hỏi.

- Tôi nghĩ trên phương diện quốc gia, chúng ta lúc nào cũng biết ơn tất cả những gì mà nhân dân Liên Xô đã giúp chúng ta cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về cá nhân, tôi là người được Liên Xô đào tạo từ một sinh viên thành một nhà khoa học. Ơn nghĩa đó, nhân dân Việt Nam không quên và cá nhân tôi không bao giờ quên. Thế nhưng ơn nghĩa là một chuyện và hợp tác làm ăn lại là một chuyện. Nó phải chấp nhận quy luật sòng phẳng và chính điều này cũng có lợi cho cả phía Liên Xô.

Nhưng nghe nói là sau hiệp định, lợi nhuận của phía bạn giảm hẳn?

- Đương nhiên là như thế bởi với các nước, sự ăn chia còn khác hơn nhiều. Tôi nghĩ trong trường hợp này, chúng ta vừa sòng phẳng vừa có tình, có lý.

Cụ thể ăn chia mới, chúng ta có lợi như thế nào?

- Nếu theo cách tính cũ, giả sử chúng ta khai thác được 2 tỉ USD, trừ chi phí khoảng 28-30%, nghĩa là khoảng 600 triệu USD, còn lại 1,4 tỉ USD sẽ chia đôi mỗi bên 700 triệu USD. Thế nhưng với cách tính của Hiệp định mới, chúng ta sẽ thu được 25% thuế tài nguyên (khoảng 500 triệu USD), thuế lợi tức 40% (khoảng 360 triệu USD), phần lãi khoảng 270 triệu USD và khoảng 13 triệu USD (5%) tiền thuế chuyển tiền về nước của bạn.

Như vậy với 2 tỉ USD sản phẩm, trừ tất cả chi phí, chúng ta còn thu về 1,143 tỉ USD thay vì 700 triệu USD như trước đây. Đặc biệt ta còn giành được thế chủ động trong khâu quản lý. Các chức danh như Tổng Giám đốc, Kỹ sư trưởng trước đây đều do bạn đảm nhận nên hạn chế sự phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý trong nước. Từ khi thực hiện Hiệp định mới, một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam mau chóng trưởng thành. Các chức vụ như Tổng Giám đốc, Kỹ sư trưởng, Giám đốc các xí nghiệp thành viên và trưởng các phòng ban đều do phía Việt Nam đảm nhận.

Đã bị doạ cách chức

Hiệp định tuy đã được sửa đổi nhưng về phía Việt Nam, vẫn còn không ít khó khăn, nhất là trong xu thế hội nhập, chúng ta còn quá mới mẻ. Có ý kiến khi đó đưa các lô xấu, ít có triển vọng ra đấu thầu để các nước tư bản thăm dò trước. Thế là lại đấu tranh, lại tranh luận, lại chờ ý kiến của Bộ Chính trị.

Rất may cho ông (và cho cả ngành Dầu khí), ngày đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã hết sức ủng hộ. Có lần ông phải xin gặp trực tiếp Tổng Bí thư để “cầu cứu”. Sau khi nghe ông trình bày, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã vỗ tay khen: “Đồng chí làm thế là đúng, rất đúng. Tôi sẽ ủng hộ”.

Lại có lần đang đàm phán, chẳng hiểu nghe thông tin thế nào mà một vị lãnh đạo đã dọa cách chức Tổng Cục trưởng của ông. “Khi nhận được tin đó, mình lo cho bản thân thì ít mà lo cho Ngành thì nhiều. Nếu chẳng may điều đó xảy ra thì Ngành sẽ rất khó khăn, đất nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Rất may là sau đó, mọi chuyện ổn thoả. Ông Thiên nói với tôi bằng giọng rất nhẹ. Nó nhẹ đến mức tôi có cảm giác cái chức tước đối với ông cũng chỉ mỏng manh như tờ giấy bản, nếu có rơi thì cũng chẳng mảy may suy suyển đến ông.

Bi kịch của trí thức

Khi tiếp xúc với Trương Thiên, tôi không có cảm giác ông là nhà quản lý dù biết ông đã từng làm đến Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng mà luôn có cảm giác ông là một nhà giáo hay một nhà nghiên cứu khoa học. Có lẽ bi kịch của trí thức Việt Nam ta là ở chỗ nếu không có quyền lực thì không có điều kiện thực thi những ý tưởng của mình.

Thế nhưng khi có quyển lực thì cái công việc quản lý nó lại lấn lướt không chỉ ở thời gian mà còn ở rất nhiều khía cạnh khó nói khác. Nhưng rồi không ít người đành làm nhà quản lý để “may ra” làm được điều gì đó cho khoa học còn hơn là làm “lính trơn” thì chắc chắn là không làm được điều gì.

Vì vậy, đã không ít nhà khoa học mặc dù rất tâm huyết nhưng cũng đành “nhắm mắt đưa chân” chọn một con đường ít xấu nhất chứ không phải là con đường tốt nhất. Họ đành chấp nhận làm quan mặc dù trong thâm tâm, họ hiểu sâu sắc rằng chức tước “chỉ như chiếc áo vắt trên thành ghế”.

Cũng có lẽ vì thế, đã không ít trường hợp chúng ta vừa mất đi một nhà khoa học giỏi vừa phải gánh thêm một nhà quản lý tồi.

Bùi Hoàng Tám