Hà Tĩnh:

Những bến sông "đa năng" bị các trang trại chăn nuôi bức tử

(Dân trí) - Những bến sông "đa năng" gắn liền với đời sống của người dân đang bị bức tử mà nguyên nhân chính được cho là do nước thải từ những trại chăn nuôi nằm ngay cạnh sông.

Những bến sông hoang vắng!

Hơn 20 năm trước, mỗi một ngõ xóm dọc theo con sông Ngàn Mọ đoạn chạy qua làng Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đều sở hữu một bến sông đầy thơ mộng. Bến sông được kè bằng đá ong bằng phẳng, xếp thành bậc để người dân có thể sử dụng theo con nước. Bến là nơi hội tụ tất cả các hoạt động trong đời sống hằng ngày của người dân.

Vào mùa nắng nóng, khi chưa có quạt điện, máy lạnh như bây giờ, bến sông chính là nơi người dân rủ nhau ra tránh nắng, hóng mát. Hầu như chiều nào tất cả người dân trong xóm, từ người già đến trẻ nhỏ, đều đổ ra bến sông tắm mát, giải nhiệt.

Nhưng, những bến sông đẹp đẽ một thời ấy nay chỉ còn lại trong ký ức của người dân làng Ngụ Quế.

Dẫn chúng tôi đi dọc theo ngôi làng yên bình ấy, ông Sơn (gần 60 tuổi) không khỏi tiếc nuối, xót xa trước cảnh các bến sông bị bỏ hoang hoặc biến mất. Tất cả những viên đá kè phẳng, đẹp giờ không còn nữa.

Những bến sông đa năng bị các trang trại chăn nuôi bức tử - 1

Một bến sông ở làng Ngụ Quế không còn được người dân sử dụng do nguồn nước ô nhiễm.

17h30, thời tiết ngột ngạt, oi bức, ấy vậy mà bến không một bóng người. “Trước, giờ này bà con tập trung về đây đông lắm. Ngâm mình trong làn nước mát lành, trong sạch, bà con gần như quên đi cái nắng nóng. Nhưng giờ có còn ai ra bến tắm nữa đâu”- ông Sơn chỉ tay vào một bến sông hoang vắng thở dài.

Những bến sông đa năng bị các trang trại chăn nuôi bức tử - 2

Một bến sông đang dần biến mất.

Tương tự, những bến sông nằm trên sông Già uốn mình qua nhiều xã Thạch Liên, Thạch Kênh, Phù Việt, Việt Xuyên (huyện Thạch Hà), Tiến Lộc (huyện Can Lộc) hiện cũng chẳng còn được người dân ngó ngàng tới.

Bà Nguyễn Thị Hòa, một hộ dân ở xã Thạch Kênh tiếc nuối: “Trước chúng tôi lấy nước trực tiếp từ sông Già sử dụng, mùa nắng nóng bến sông tấp nập người tắm mát, giải nhiệt. Nhưng mấy năm nay không còn ai dám xuống tắm ở con sông này nữa”.

Những bến sông đa năng bị các trang trại chăn nuôi bức tử - 3

Một bến sông nằm trên con sông Già cũng vắng vẻ từ nhiều năm nay.

"Thủ phạm": nước thải chăn nuôi?

Có nhiều nguyên nhân khiến các bến sông tươi đẹp rộn tiếng cười chỉ còn lại trong hoài niệm của người dân, nhưng nguyên nhân lớn nhất được cho là do các trang trại chăn nuôi ngay bên bờ sông, xả thải trực tiếp ra sông.

Từ vài năm nay, nguồn nước ở con sông Già bị ô nhiễm nghiêm trọng do 2 trang trại nuôi lợn có quy mô hơn 1.000 con ở xã Tiến Lộc và xã Thạch Kênh.

Những bến sông đa năng bị các trang trại chăn nuôi bức tử - 4

Trang trại chăn nuôi lợn bên sông Già.

Những bến sông đa năng bị các trang trại chăn nuôi bức tử - 5

Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh từng có văn bản kiến nghị UBND huyện Thạch Hà xử lí dứt điểm trang trại nuôi lợn này, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.

Không những thế, theo quan sát của phóng viên, chỉ một đoạn đường dài khoảng 100m, nhưng có đến 5 điểm tắm rửa cho lợn mọc lên. Các điểm kinh doanh dịch vụ này nằm sát đường và sông nhưng không được che chắn, không có rãnh thoát nước. Trong quá trình phun nước tắm cho lợn và đổ nước mui làm mát xe, nước và chất thải chảy thẳng ra sông, bốc mùi nồng nặc.

Anh Trần Văn Hồng, một người dân gắn liền với nghề đánh bắt cá trên sông Ngàn Mọ mấy chục năm qua ở làng Ngụ Quế bức xúc: “Từ thượng nguồn con sông về đến địa bàn tôi, nhất là đoạn qua các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, rồi cẩm Thành, Thạch Lâm có nhiều trang trại chăn nuôi lợn của người dân được dựng lên ngay sát bờ sông. Nước thải chăn nuôi ô nhiễm xả xuống sông, rồi người dân họ vứt cả lợn chết xuống nữa. Đến con hến, con tôm ô nhiễm chết, thì người dân sao dám sử dụng nữa. Bến sông không còn ai sử dụng nữa là đương nhiên”.

Một lãnh đạo xã Cẩm Vịnh cũng xác nhận, rất muốn khôi phục lại bến sông, vừa để giúp người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng, cũng là cách khôi phục lại các giá trị văn hóa mà các bến sông mang lại. Nhưng rào cản lớn nhất là nước sông giờ không đảm bảo, có khôi phục cũng khó được người dân sử dụng như trước.

Những bến sông đa năng bị các trang trại chăn nuôi bức tử - 6

Hồ nước ở thôn Trung Sơn, xã Lộc Yên bị ô nhiễm bởi trang trại chăn nuôi lợn.

Theo tìm hiểu, hầu hết các cơ quan chức năng, các địa phương ở tỉnh này đều rất rõ thực trạng các trang trại chăn nuôi khiến chất lượng nguồn nước của nhiều con sông ở Hà Tĩnh bị ô nhiễm, bức tử nhiều bến sông. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm này hiện rất khó khăn, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Đơn cử, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh từng có văn bản kiến nghị UBND huyện Thạch Hà xử lí dứt điểm trang trại nuôi lợn và tắm rửa cho lợn gần khu vực sông Già. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị trên vẫn chưa thể thực thi do chủ hộ còn thời hạn hợp đồng thuê đất, hoặc những hộ tắm rửa lợn lại triển khai trên phần đất của hộ gia đình.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt  thừa nhận, một số con sông trên địa bàn hiện nguồn nước không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo ông Việt, thực trạng trên là hậu quả của tình trạng phát triển nóng trong ngành chăn nuôi của tỉnh trước đây.

Ông Việt nêu giải pháp: “Với những trang trại đã được cấp phép, đang còn thời hạn thuê đất, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát nguồn nước thải thật tốt, các chủ trại vi phạm phải bị xử lí nghiêm. Khi hết thời hạn thì kiên quyết thu hồi, không gia hạn để đảm bảo môi trường. Còn đối với những trang trại đang làm thủ tục, điều quan trọng nhất là đánh giá tác động môi trường. Khuyến nghị không cấp phép đối với các trang trại ở thượng nguồn các hồ đập hay cạnh các con sông”.   

Văn Dũng